Thừa Thiên Huế: Khai thác thế mạnh du lịch làng nghề

Cập nhật: 01/04/2024
Bên cạnh những loại hình du lịch vốn là thế mạnh của Huế như du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tâm linh, sinh thái... thì du lịch làng nghề đã và đang trở thành hướng đi triển vọng và thu hút khách.

Khách du lịch xem thao diễn nghề hương trầm Thủy Xuân

Làng nghề hoa giấy Thanh Tiên, nón lá Phủ Cam, đúc đồng Phường Đúc hay hương trầm Thủy Xuân… thời gian qua đã thu hút một lượng lớn khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm các quy trình sản xuất và mua sắm sản phẩm. Từ đó, các làng nghề, cơ sở sản xuất đầu tư hạ tầng, phát triển sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của du khách.

Từ những cơ sở làm nghề hương trầm phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trong tỉnh, sau khi UBND TP. Huế đầu tư hạ tầng, chỉnh trang khu vực phía tây, đoạn từ đường Huyền Trân Công Chúa đến đồi Vọng Cảnh và các khu vực xung quanh, những năm gần đây hàng chục cơ sở hương trầm nằm trên tuyến đường Huyền Trân Công Chúa như khoác lên mình chiếc áo mới, trở thành điểm dừng chân để check-in, tham quan và mua sắm hàng lưu niệm của người dân và du khách. Từ đó, các dịch vụ cho thuê áo dài ngũ thân kèm phụ kiện, chụp ảnh lưu niệm, giải khát cũng nở rộ góp phần nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn.

Qua tìm hiểu, các làng nghề thủ công truyền thống của Huế đã và đang là xu hướng được khách du lịch tìm đến bởi những giá trị văn hóa lâu đời, sự sáng tạo của những người thợ làng nghề qua từng sản phẩm thủ công đặc trưng cũng như sự đa dạng của các sản phẩm, tạo nên sức hấp dẫn riêng của du lịch làng nghề. Bên cạnh việc đầu tư của các cơ sở nghề, sự liên kết, kết nối các tour tuyến du lịch của các doanh nghiệp du lịch, các hãng lữ hành đã góp phần tạo nên sự thành công cũng như phát huy thế mạnh của du lịch làng nghề.

Để hoàn thiện hạ tầng, tạo điều kiện để kết nối các tour tuyến du lịch, thời gian qua TP. Huế đã đầu tư nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông, hệ thống điện chiếu sáng, bảng tên đường… tại các địa phương trên địa bàn, như Phú Mậu, Hương Hồ, Thuận An, Thủy Xuân… Đến nay, nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng, như nâng cấp tuyến đường liên Phường Phú Thượng - Phú Mậu, đường giao thông nông thôn xã Thủy Bằng, đường dẫn vào các lăng chúa Nguyễn (lăng Trường Hưng, Trường Thái, Trường Diên…); điện chiếu sáng các xã Thủy Bằng, Hương Thọ, từ cầu Diên Trường đến cầu Tam Giang…

Giai đoạn 2023 - 2024, TP. Huế tiếp tục đầu tư các dự án hạ tầng giao thông nhằm kết nối khu vực trung tâm thành phố đến các xã, phường trên địa bàn nhằm khai thác các tour tuyến du lịch nói chung và du lịch làng nghề nói riêng, như: nâng cấp đường liên thôn Dương Nổ Đông và Dương Nổ Cồn, xã Phú Dương; nâng cấp tuyến đường liên thôn La Khê Bãi - Liên Bằng, xã Hương Thọ; đường vào khu di tích Đặng Tất, xã Phú Mậu; lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng các tuyến đường trên địa bàn Phường Hương Hồ…

Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, với lượng khách du lịch đến Huế ngày càng tăng, đặc biệt là khách tự di chuyển bằng phương tiện ô tô cá nhân, thành phố đang tiếp tục rà soát các quỹ đất phù hợp để phục vụ việc xây dựng hạ tầng giao thông tĩnh tại các điểm du lịch, vui chơi giải trí, mua sắm thu hút nhiều du khách về đêm. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án nâng cấp hạ tầng đô thị Huế, các dự án trọng điểm, chỉnh trang đô thị... theo chương trình, kế hoạch chỉnh trang đô thị của tỉnh, thành phố nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân cũng như khách du lịch.

Bài, ảnh: Liên Minh

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế - baothuathienhue.vn - Đăng ngày 30/3/2024