Quyết tâm cao thực hiện mục tiêu phát triển xanh, bền vững, đồng thời hướng đến thực hiện cam kết của Chính phủ đối với Công ước quốc tế về biến đổi khí hậu, tỉnh Đồng Nai đã và đang tiên phong xây dựng và triển khai đề án giảm khí carbon trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Khu công nghiệp Long Thành (Đồng Nai), nơi đang thu hút nhiều dự án công nghệ cao theo hướng phát triển xanh.
Để thực hiện sự thống nhất cao từ nhận thức đến hành động quyết liệt, thực chất trong toàn thể đội ngũ cán bộ, người dân và cộng đồng doanh nghiệp là rất cần thiết.
Net Zero - xu hướng tất yếu
Với quy mô kinh tế lớn thứ tư cả nước, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có hơn 53.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có hơn 1.600 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và hơn 1.000 dự án có vốn đầu tư trong nước. Tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh kéo theo đòi hỏi rất nhiều nỗ lực giữ gìn, bảo vệ môi trường phát triển bền vững, nhất là thúc đẩy mạnh mẽ hơn đối với phát triển xanh.
Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai khẳng định quyết tâm cùng với các đối tác đồng hành trong thực hiện cam kết của Việt Nam trong Công ước quốc tế về biến đổi khí hậu. Điều này thể hiện rõ nét trong các định hướng phát triển của Đảng bộ tỉnh hai nhiệm kỳ gần đây và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng Nai xác định phát triển theo hướng bền vững, đặt mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 - “Net Zero” vào năm 2050.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, tỉnh đã phê duyệt đề án, xây dựng chương trình hành động để xác lập những công việc phải làm của các chủ thể doanh nghiệp, người dân, chính quyền nhằm đạt mục tiêu giảm phát thải đến mức Net Zero. Tất cả các mục tiêu này đòi hỏi có cùng một nhận thức để cùng hành động.
Đối với hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nhất là các đồng chí lãnh đạo phải hiểu rõ: Net Zero là mục tiêu dài hạn mà sớm muộn tất cả các địa phương, ngành, lĩnh vực đều phải làm, ai đi tiên phong sẽ hưởng lợi trước, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, người dân.
Hiện nay hơn 2.600 doanh nghiệp tại Đồng Nai đang phát thải, sắp tới sẽ thu hút thêm 1.000 doanh nghiệp nữa, cho nên cộng đồng doanh nghiệp phải thay đổi công nghệ, hiệu quả sản xuất để giảm phát thải, đồng thời phải có khối lượng bù trừ lại phần ô nhiễm. Người dân làm nông nghiệp, địa phương cũng phải nỗ lực để vừa giảm phát thải và vừa bù đắp cho lượng thải.
Thống nhất từ nhận thức đến hành động
Tháng 2/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ban hành đề án giảm khí carbon đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đề án sẽ giúp tỉnh Đồng Nai nâng cao năng lực quản lý, đánh giá và theo dõi phát thải khí nhà kính; xây dựng và thực hiện lộ trình giảm phát thải theo sự thống nhất của tỉnh; phát triển và triển khai các chiến lược và dự án giảm carbon theo chuyên ngành và đa ngành; xác định và kết nối với các đối tác tài chính xanh để bảo đảm đầu tư vào tỉnh và thực hiện các giải pháp tài chính xanh sáng tạo.
Theo đó, phân kỳ thành bốn lộ trình cụ thể: giai đoạn 2025-2030 giảm 20%; giai đoạn 2030-2035 giảm 45%; giai đoạn 2035-2045 trung hòa carbon và giai đoạn 2045-2050 phát thải khí nhà kính bằng 0. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi, đề án đã chọn các ngành nghề, lĩnh vực, khu vực chủ yếu ưu tiên thực hiện gồm: năng lượng; công nghiệp; giao thông; nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất; xây dựng và vật liệu; khu đô thị để triển khai cụ thể.
Đề án đã chia bước đi cụ thể thành ba hợp phần. Quá trình tăng trưởng xanh là đột phá tư duy, ứng dụng công nghệ, đồng thời mong muốn các nước đi đầu chuyển đổi xanh hỗ trợ tỉnh Đồng Nai trên con đường phát triển.
Theo ông David C.Lewis, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Energy Capital Việt Nam (ECV), Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành phố đầu tiên ở Việt Nam thực hiện kế hoạch tăng trưởng xanh, do đó sẽ có lợi thế đón đầu, cũng như có những chính sách thương mại để thu hút các nguồn đầu tư từ nước ngoài. Bởi lẽ, bối cảnh hiện nay là đang có nhiều doanh nghiệp nước ngoài rất quan tâm đến giảm carbon và tăng trưởng xanh khi lựa chọn đầu tư vào một quốc gia nào đó.
Bước đầu tiên Đồng Nai có thể làm là đặt ra những tiêu chuẩn, chính sách cho hoạt động công nghiệp xanh hơn để ngành này đi đầu trong phát triển bền vững và một khi có các doanh nghiệp, chương trình, dự án vào Đồng Nai thì họ phải đạt những tiêu chuẩn xanh đó. Chính vì vậy, Đồng Nai sẽ có được những tín chỉ carbon hay có thể bán được tín chỉ carbon là lợi thế về mặt thương mại hoặc dòng tiền trong tương lai để hỗ trợ tỉnh trên hành trình tăng trưởng xanh.
Chuyên gia đến từ Mỹ này cũng đưa ra khuyến nghị, việc xây dựng khung hành lang pháp lý, ở đây là bộ tiêu chí phân loại xanh của tỉnh rõ ràng, cụ thể, hài hòa về nhiều yếu tố là bước khởi đầu cần thiết sẽ giúp Đồng Nai có điều kiện thuận lợi tiếp cận, huy động nguồn lực tài chính xanh trong nước và quốc tế. Từ đó, tạo ra các cơ hội mới cho địa phương trong việc phát triển các ngành kinh tế xanh, tuần hoàn, sáng tạo và kinh tế trung hòa carbon, đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, để đạt mục tiêu Net Zero phải có sự thay đổi, thống nhất cả về tư duy và hành động, cả trong hoạt động sản xuất, lối sống và tiêu dùng, đặc biệt trong tư duy hoạch định đường lối, chiến lược phát triển; phải lượng hóa được giải pháp chuyển đổi xanh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cần nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí khoa học phân loại xanh phù hợp với thông lệ quốc tế làm cơ sở để tỉnh lựa chọn các dự án đầu tư xanh; huy động nguồn lực trong nước và quốc tế để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh.
Thiên Vương