Hải Dương tăng sức hấp dẫn của du lịch bằng ứng xử văn minh

Cập nhật: 08/04/2024
Bằng việc triển khai, áp dụng Bộ quy tắc ứng xử văn minh, các điểm đến, khu du lịch ở Hải Dương đã và đang xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, ngày càng chuyên nghiệp để hấp dẫn du khách.

Khách du lịch trong trang phục lịch sự, tuân thủ nghiêm các quy định về thắp hương, đặt lễ tại di tích đền Cao An Phụ

Đổi thay ở các điểm đến

Hơn 10 năm mới quay trở lại đền Kiếp Bạc (Chí Linh, Hải Dương), chị Đặng Thị Hoa ở thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) ngỡ ngàng trước những đổi thay ở đây. Trước kia, dọc khu vực cổng đền là hai dãy hàng quán lụp xụp. Giờ đây, toàn bộ hàng quán đã được chuyển ra khu vực giáp đê, trả lại cảnh quan thoáng đãng, trang nghiêm và đẹp đẽ hơn cho cổng đền. Cũng theo chị Hoa, cả di tích Côn Sơn và Kiếp Bạc đều không còn tình trạng chèo kéo khách. “Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã đổi thay cả về diện mạo và chất lượng dịch vụ, trở thành điểm đến thân thiện, an toàn và rất văn minh”, chị Hoa nói.

Những kỳ lễ hội mùa thu gần đây, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc càng ghi điểm trong lòng du khách khi Ban tổ chức sử dụng hàng vạn chiếc hoa đăng chất liệu giấy thay cho chất liệu nhựa, sử dụng túi ni lông tự phân hủy thu gom rác thải, hạn chế ô nhiễm môi trường…

Cũng giống như chị Hoa, chị Nguyễn Thị Bình ở Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, khi tới tham quan khu di tích đền Cao An Phụ (Kinh Môn), chị được các nhân viên đón tiếp niềm nở từ khu vực cổng vào. Trước khi nghe thuyết minh về giá trị văn hóa, lịch sử của di tích, chị Bình còn được hướng dẫn viên hướng dẫn nội quy khi tới đây tham quan. “Có lẽ nhờ vậy mà hầu hết du khách tới tham quan đều mặc trang phục chỉnh tề, không kẻ vẽ bậy hay xả rác bừa bãi, không đặt tiền lẻ khắp nơi, thắp hương theo đúng quy định”, chị Bình cho biết thêm.

Còn tại khu du lịch Đảo Cò, xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện), thay đổi rõ rệt gần đây là 100% khách du lịch lên thuyền đều mặc áo phao. “Nếu còn khách nào không mặc áo phao, thuyền sẽ không rời bến”, ông Nguyễn Đức Minh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng Nam, Trưởng Ban Quản lý khu du lịch Đảo Cò cho biết.

Đảo Cò cũng là điểm du lịch đầu tiên trong tỉnh bán vé điện tử, nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ. “Chúng tôi thường xuyên phân công anh em tuần tra, hướng dẫn, nhắc nhở du khách không xâm phạm khu vực sinh sống của cò”, ông Minh cho biết thêm.

Những đổi thay ở các điểm đến như Côn Sơn - Kiếp Bạc, đền Cao An Phụ hay Đảo Cò đều một phần bắt nguồn từ việc triển khai, áp dụng Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành từ năm 2017, nhằm xây dựng một môi trường du lịch thân thiện, an toàn, chuyên nghiệp.

Triển khai đồng bộ

Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch gồm những quy định mang tính chuẩn mực, định hướng hành vi, ứng xử văn minh của tổ chức và cá nhân khi tham gia các hoạt động du lịch.

Với du khách, cách ứng xử văn minh thể hiện qua 20 hành vi như xếp hàng trật tự, trang phục phù hợp, tôn trọng sự khác biệt về văn hóa, không vứt rác, không lấy đồ của người khác...

Với tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ du lịch, khách sạn, vận chuyển, bán hàng: không chèo kéo khách, không nâng giá, ép giá, không bán hàng kém chất lượng, không sử dụng thương hiệu của người khác, niêm yết giá...

Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương đã tập trung triển khai thực hiện bộ quy tắc đến tất cả các chủ thể tham gia chuỗi hoạt động kinh tế du lịch. Đồng thời có nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến bộ quy tắc này như: tổ chức hội nghị, tập huấn; gửi văn bản, tài liệu hướng dẫn; phát hành tập gấp, tờ rơi gửi đến các chủ thể; đăng tải nội dung quy tắc trên website của sở; lồng ghép các chương trình tập huấn về nghiệp vụ du lịch cộng đồng và bảo vệ môi trường... Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng khuyến khích các điểm, khu du lịch, địa phương áp dụng Bộ quy tắc ứng xử văn minh phù hợp với từng điều kiện thực tế.

Ông Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết, thời gian qua, Ban Quản lý đã cụ thể hóa các quy tắc bằng hệ thống biển bảng, nội quy tại di tích. Tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, phát tờ rơi tới du khách. Thường xuyên kiểm tra việc niêm yết giá…

Đổi thay dễ thấy ở Khu du lịch Đảo Cò là 100% số du khách tuân thủ nghiêm quy định mặc áo phao khi xuống thuyền (ảnh cơ sở cung cấp)

Còn đối với UBND xã Chi Lăng Nam, nhiệm vụ đột phá năm 2024 của địa phương là sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ, sản xuất tuần hoàn gắn với phát triển du lịch trải nghiệm, trồng bổ sung cây xanh tạo điểm nhấn cảnh quan tuyến đường dẫn vào khu du lịch. Do vậy, phát triển du lịch cộng đồng, tạo sinh kế bền vững, mang lại giá trị gia tăng cao cũng như thu nhập ổn định cho người dân là một trong những giải pháp mà địa phương hướng đến. “Việc giúp người dân xây dựng nếp ứng xử văn minh với khách du lịch sẽ góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng nơi đây”, ông Nguyễn Đức Minh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng Nam nói.

Thời gian qua, việc áp dụng Bộ quy tắc đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành vi ứng xử của từng cá nhân, góp phần nâng cao chất lượng các điểm đến du lịch của Hải Dương.

Năm 2023, Hải Dương đón hơn 1,8 triệu lượt khách, tăng 46,3% so với năm 2022; doanh thu đạt 861,35 tỷ đồng, tăng 46,6%. Quý I/2024, Hải Dương ước đón gần 1,2 triệu lượt khách, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2023; doanh thu đạt 458,466 tỷ đồng, tăng 57%.

Tường Vy

Nguồn: Báo Hải Dương - baohaiduong.vn - Đăng ngày 07/4/2024