Hà Nam: Bất cập về quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản với bảo tồn các giá trị cảnh quan, môi trường

Cập nhật: 21/10/2009
Hà Nam được biết đến là một vùng đất sơn thuỷ hữu tình, với nhiều dãy núi đá vôi rêu phong soi mình xuống dòng sông Đáy. Tuy nhiên hiện nay việc quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản ở Hà Nam đang còn không ít bất cập và đang gióng lên hồi chuông báo động về việc bảo tồn các giá trị cảnh quan, môi trường và các vấn đề về sức khoẻ, lao động, việc làm ở địa phương.

Trước đây, nhìn thành phố Phủ Lý từ phía 2 huyện Kim Bảng và Thanh Liêm, nơi có các dải đồi bát úp nằm xen kẽ, ven rìa các dãy núi đá vôi và các thảm rừng xanh ngắt, nhiều người có cảm giác đang được chiêm ngưỡng một bức tranh khổng lồ mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng quê “Sông Châu, Núi Đọi”. Nhiều người còn ví cảnh đẹp đó như “khuôn mặt người thiếu nữ” với những nét chấm phá độc đáo của thiên nhiên làm say đắm lòng người. Thế nhưng, hiện nay đến Hà Nam mọi người đều không khỏi nuối tiếc khi những dãy núi đá nên thơ và hữu tình đang bị nổ mìn, khai thác nham nhở. Đứng trên tầng cao nhất của khách sạn Hoà Bình (trên đường Trần Phú- TP Phủ Lý) nhìn về phía các dãy núi đá, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt là nhiều dãy núi đã bị san phẳng, nhiều thung lũng màu xanh giờ đã biến mất, thay vào đó là những mảng màu đỏ quạch, thỉnh thoảng những tiếng nổ lớn lại vang lên chấn động đến cả thành phố Phủ Lý vốn cách đó vài cây số. Kéo theo đó là những làn khói bụi trắng xoá cuốn lên ngùn ngụt. Nhiều người dân Phủ Lý vẫn nói đùa: Sống giữa thời bình mà như trong thời chiến. Phủ Lý đúng là một “ thành phố không yên tĩnh”. Cũng vì việc khai thác đá tràn lan mà cảnh đẹp được ví như “khuôn mặt người thiếu nữ” giờ đã xuất hiện nhiều vết nhọ loang lổ, khó có thể phục hồi nguyên trạng.

Khi còn là Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Vũ Khoan trong một lần về thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Nam cũng đã nhắc nhở việc khai thác đá để phát triển kinh tế là cần thiết nhưng cần nghiên cứu mở đường khai thác vào sâu bên trong, tránh khai thác mặt bên ngoài để bảo vệ cảnh quan, môi trường... Tuy nhiên cùng với thời gian, đến nay hầu hết những khu vực thuộc về cảnh quan bên ngoài của các dãy núi đá vôi đã được tỉnh Hà Nam cấp cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh hiện đang có xu hướng mở rộng về phạm vi hoạt động, quy mô và sản lượng khai thác. Hầu hết các mỏ khai thác đá của các đơn vị ở Hà Nam đều đang dần có tác động xấu đến môi trường, sự đa dạng sinh vật và cảnh quan. Việc mở rộng các khu khai thác, nghiền sàng cũng có nghĩa là diện tích cư trú của các loài sinh vật hoang dã bị thu hẹp, thảm thực vật bị mất dần. Mặt khác, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, nhỏ lẻ đang diễn ra rất phổ biến, đây cũng là nguyên nhân gây ra tai nạn lao động, tệ nạn xã hội, sức khỏe của người lao động ở địa phương này. Tại những khu mỏ đã đóng cửa, việc hoàn nguyên cảnh quan môi trường theo quy định của pháp luật đã không được thực hiện. Nơi đây giống như những bãi chiến trường khiến cỏ cây không thể mọc được. Hoạt động nổ mìn, xúc bốc, vận chuyển, xay nghiền, chế biến khoáng sản đã sinh ra bụi và tiếng ồn làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của nhiều hộ dân ở địa phương. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, với sản lượng khai thác đá các loại trên địa bàn hàng năm là 3.000.000m3, thì mỗi ngày đã đưa vào không khí một lượng khí bụi gây ô nhiễm đáng kể cho khu vực khai thác và các vùng phụ cận. Ở nhiều vùng dân cư như Thị trấn Kiện Khê (huyện Thanh Liêm), xã Tuợng Lĩnh, xã Thanh Sơn (huyện Kim Bảng)... bụi đá đặc quánh không khí, bám trắng xoá trên các cành cây và các vật dụng trong gia đình. Thậm chí hàng ngày các hộ dân sống ở thị trấn Kiện Khê còn không dám mở cửa vì bụi, các nhân viên của Uỷ ban thị trấn và công sở trên địa bàn cũng làm việc trong phòng kín. Những gia đình sống trong các khu vực trên luôn sống trong sự lo âu về những mầm bệnh lạ và các bệnh liên quan đến đường hô hấp. 

Thực trạng trên đang đặt ra bài toán cho các cấp, ngành   hữu quan ở tỉnh Hà Nam về việc quản lý và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên khoảng sản để đảm bảo hài hoà giữa các mục tiêu kinh tế với các vấn đề bảo vệ về môi trường, cảnh quan, lao động, việc làm, sức khoẻ của ngươi dân địa phương. 

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường