Thực hiện quyết định của Ủy ban Di sản thế giới về công tác quản lý, bảo tồn Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, UBND tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu sở, ban, ngành và địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng chủ trì, phối hợp với sở, ngành và địa phương nghiên cứu quy định pháp lý trong nước, quốc tế có liên quan đến việc bảo vệ, quản lý Di sản thế giới để tham mưu ban hành hoặc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch quản lý Di sản thế giới theo quy định; thực hiện biện pháp phòng ngừa và xử lý các loài ngoại lai xâm hại tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, trong đó có triển khai Dự án Diệt trừ loài Bìm bôi hoa vàng.
Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng phối hợp với chính quyền các xã vùng đệm đẩy mạnh hoạt động giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư địa phương theo kế hoạch của UBND tỉnh; tiếp tục phối hợp với Viện Địa chất thực hiện Đề tài “Đánh giá sức chứa du lịch của một số hang động tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng”.
Tỉnh Quảng Bình tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị tại Di sản thiên nhiên Thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
UBND các huyện Bố Trạch, Minh Hóa, Quảng Ninh chỉ đạo các xã vùng đệm tăng cường công tác quản lý các hoạt động chăn thả gia súc trong khu vực Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, đảm bảo hoạt động chăn thả gia súc không ảnh hưởng đến các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản thế giới theo khuyến nghị của Ủy ban Di sản Thế giới; phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng xây dựng kế hoạch hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng người dân vùng đệm, đặc biệt là cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn nhằm đảm bảo cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giảm thiểu các áp lực lên Di sản thiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, các địa phương trong công tác phòng ngừa, xử lý các loài ngoại lai xâm hại tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng…
Trước đó, tại kỳ họp lần thứ 45 diễn ra tại thành phố Riyadh, Vương quốc Saudi Arabia từ ngày 10-25/9/2023, Ủy ban Di sản thế giới, cơ quan của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã đưa ra khuyến cáo đối với Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và các đơn vị liên quan của Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu đưa ra giải pháp để ngăn chặn xâm hại của các loài ngoại lai, đánh giá tác động của các hoạt động du lịch tại Di sản, tăng cường bảo vệ nguyên vẹn các giá trị ngoại hạng của Di sản, bảo đảm không xây dựng cơ sở hạ tầng trong phạm vi Di sản; chú trọng xây dựng năng lực quản lý Di sản tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nằm ở một khu vực núi đá vôi rộng khoảng 201.000ha. Diện tích vùng lõi của vườn quốc gia là 85.754ha và một vùng đệm rộng 195.400ha. Đặc trưng của Vườn Quốc gia này là các kiến tạo đá vôi, 300 hang động, các sông ngầm và hệ động thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ Thế giới.
Ban Quản lý Vườn Quốc gia này đã tổ chức điều tra, công bố danh lục 2.953 loài thực vật thuộc 1.007 chi, 198 họ, 63 bộ, 12 lớp, 06 ngành, phát hiện thêm 05 loài thực vật mới cho khoa học; điều tra, công bố danh lục 1.394 loài động vật thuộc 835 giống, 289 họ, 68 bộ, 12 lớp, 4 ngành, phát hiện 38 loài động vật mới cho khoa học và công bố trên toàn thế giới.
Từ năm 2003 đến nay, các chuyên gia thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đã khảo sát, phát hiện 425 hang động thuộc 7 khu vực, hệ thống, trong đó có 389 hang động được đo vẽ với tổng chiều dài 243km. Nổi bật nhất là việc khám phá Sơn Ðoòng - hang động lớn nhất thế giới, có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu thám hiểm hang động ở khu vực, đóng góp hết sức to lớn trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam, Quảng Bình và Phong Nha - Kẻ Bàng ra khắp thế giới.
Công tác tái thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên được Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đẩy mạnh triển khai.
Trong những năm qua, Ban Quản lý Vườn Quốc gia này đã xây dựng các khu cứu hộ, khu tái thả động vật hoang dã, vườn thực vật và vườn ươm cây giống bản địa để cứu hộ, bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã quý hiếm. Ban Quản lý Vườn đã chủ động hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện các đề tài, nhiệm vụ khoa học trên các lĩnh vực môi trường, địa chất - địa mạo, đa dạng sinh học, văn hóa - lịch sử, trên cơ sở đó để bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên của di sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thời gian tới, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tiếp tục xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn giá trị tài nguyên thiên nhiên, giá trị di sản là nền tảng, là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu; đồng thời, tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo tồn, nghiên cứu khoa học, cứu hộ động thực vật hoang dã nhằm bảo tồn nguyên vẹn các giá trị ngoại hạng toàn cầu của di sản. Cùng với đó là phát huy có hiệu quả và bền vững giá trị tài nguyên, giá trị di sản để phục vụ quản lý, bảo tồn di sản và phát triển kinh tế - xã hội.
Nguyễn Hoàng