Duy trì giao khoán một phần diện tích rừng cho các cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng, cung ứng dịch vụ môi trường rừng đang là giải pháp khá hữu hiệu được Ban Quản lý Khu bảo tồn loài Sao la triển khai trên địa bàn hai huyện Đông Giang và Tây Giang tỉnh Quảng Nam.
Lắp đặt bẫy ảnh trong lâm phận Khu bảo tồn loài Sao la. Ảnh: T.C
Hưởng lợi từ giữ rừng
Hàng chục đợt tuần tra trải đều trong suốt năm 2023 của 17 cộng đồng dân cư ở 17 thôn, tổ thuộc lưu vực thủy điện A Vương - Za Hung và lưu vực thủy điện Sông Côn 2 đã giúp tháo gỡ hàng trăm bẫy động vật hoang dã các loại.
Hoạt động này góp phần ngăn chặn nạn săn bắt động vật hoang dã, giữ gìn tài nguyên và sự giàu có về đa dạng sinh học của lâm phận thuộc Ban Quản lý (BQL) Khu bảo tồn loài Sao la.
Anh Ating Nhưng - Trưởng nhóm cộng đồng giữ rừng thôn Aréc (xã A Vương, Tây Giang) chia sẻ, để giữ rừng, các thành viên của cộng đồng đã cùng tham gia tuần tra, thường xuyên đẩy đuổi các đối tượng vào rừng đặt bẫy thú.
“Trong quá trình tuần tra địa bàn, nhờ sự thông thuộc địa hình, kinh nghiệm của các thành viên, chúng tôi đã phát hiện, tháo gỡ nhiều bẫy thú, phá hủy chòi, đẩy đuổi hơn 10 trường hợp vào rừng để săn bắn động vật trái phép.
Một tổ dân phòng đã được thành lập với hơn 20 thành viên, được tập huấn nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy rừng. Đây cũng là đội ngũ nòng cốt tuyên truyền người dân trong thôn chấp hành các quy định của pháp luật, không phá rừng làm rẫy và săn bắn động vật hoang dã” - Ating Nhưng chia sẻ.
Tại thôn Bhơ Hôồng (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang), có 192 hộ gia đình trong danh sách nhận khoán bảo vệ rừng chi trả dịch vụ môi trường rừng với BQL Khu bảo tồn loài Sao la tại các Tiểu khu 43, 45, 47 với tổng diện tích nhận khoán bảo vệ hơn 1.000ha.
Số tiền nhận khoán bảo vệ rừng vừa được dùng chi trả cho công tác tuần tra, vừa tạo lập quỹ sinh hoạt chung, tạo nguồn vốn vay phát triển mô hình sinh kế trong cộng đồng và chi trả đều cho từng hộ.
Cộng đồng được hưởng nhiều lợi ích khi tham gia bảo vệ rừng, ý thức trách nhiệm được nâng lên. Không chỉ hưởng lợi từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân còn giữ được nguồn nước, giữ rừng, phục vụ phát triển kinh tế của chính từng hộ dân trong làng xã.
Nguồn tài chính từ nhận khoán bảo vệ rừng góp phần cải thiện thu nhập hàng năm của từng hộ gia đình trong cộng đồng. Việc giao khoán rừng đến các cộng đồng nhận khoán đã hạn chế tình trạng chặt phá rừng tự nhiên, phá rừng đầu nguồn để làm nương rẫy.
Nhận thức được lợi ích, vừa qua, hơn 60 hộ dân của cộng đồng hai thôn Pho và Bhơ Hôồng (xã Sông Kôn) đã đồng thuận giữ lại diện tích gần 100ha sau khi làm nương rẫy để rừng phục hồi, tham gia cung ứng dịch vụ môi trường rừng cùng với diện tích liền vùng trong cộng đồng.
Tạo lực để giữ rừng
BQL Khu bảo tồn loài Sao la cho biết, năm 2023 đơn vị thường xuyên phối hợp cùng các cộng đồng nhận khoán tổ chức các đợt tuần tra tại hầu hết tiểu khu trong vùng lõi để tháo dỡ, tịch thu và hủy tất cả tang vật vi phạm.
Thông qua các đợt tuần tra, BQL Khu bảo tồn đã phát hiện và ngăn chặn sớm tình trạng phá rừng làm nương rẫy, đồng thời duy trì kiểm tra giám sát công tác bảo vệ rừng của các cộng đồng nhận khoán.
Việc giao khoán cho cộng đồng phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào, ranh giới giao khoán cũng là ranh giới truyền thống nên người dân ít xảy ra so bì về diện tích.
Cộng đồng nhận khoán được hỗ trợ cấp smartphone, tập huấn sử dụng phần mềm phục vụ công tác tuần tra bảo vệ rừng. Các thành viên trong cộng đồng đã tích cực tham gia trong công tác tuần tra nhờ được chi trả tiền ngày công được đảm bảo.
Các tổ tuần tra gỡ bẫy, giải cứu thú rừng. Ảnh: N.T
Thông qua việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và các chương trình dự án được lồng ghép, BQL Khu bảo tồn nhận định ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ rừng ngày càng được nâng cao, huy động được một nguồn nhân lực lớn cho công tác tuần tra bảo vệ rừng. Từ đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa việc bảo vệ rừng.
Tuần tra bảo vệ rừng trong lâm phận. Ảnh: T.C
Những tín hiệu lạc quan bắt đầu đến. Ông Lê Hoàng Sơn - Giám đốc BQL Khu bảo tồn loài Sao la cho hay, thời gian qua, thông qua việc giám sát bằng hệ thống bẫy ảnh, đã thu về nhiều số liệu, hình ảnh để đánh giá tình trạng đa dạng sinh học ở Khu bảo tồn.
“Chúng tôi có nhiều phương pháp đặt bẫy ảnh khác nhau trên cùng một địa điểm hoặc lưu vực. Từ việc phân tích dữ liệu ảnh, soi chiếu nhiều thông tin dữ liệu, chúng tôi nhận thấy tần suất xuất hiện của các loài cao dần lên, tăng nhiều so với năm trước, cho thấy đa dạng sinh học đang được gìn giữ, bảo vệ tốt.
Đây cũng là thành quả của công tác bảo vệ rừng của BQL Khu bảo tồn cũng như các cộng đồng dân cư được giao khoán” - ông Lê Hoàng Sơn thông tin.
T.Công - T.Thư