Vườn Di sản Asean - một danh hiệu bị lãng quên

Cập nhật: 26/10/2009
6 năm qua, kể từ khi Vườn Quốc gia Ba Bể được công nhận là Vườn Di sản ASEAN, những người trao danh hiệu quý báu này cho nó hầu như đã “quên” luôn. Không một văn bản hướng dẫn, cũng chẳng có bất cứ một sự hỗ trợ nào được triển khai. Người dân, sau niềm tự hào rồi… thôi, còn ban quản lý Vườn thì có thêm nỗi niềm “tủi thân” trong một sự chờ đợi vô vọng…

Di sản ASEAN và nỗi tủi thân

Tại Vườn Quốc gia Ba Bể vào một ngày cuối tháng 10, một không khí hết sức buồn tẻ với những ngôi nhà nghỉ dưõng với mái tôn đỏ, cầu thang bằng sắt trông lạc lõng giữa uy nghi của rừng xanh - đóng cửa im ỉm vì không có khách. Bên cạnh chiếc bể bơi, một thứ gần như duy nhất khác so với cách đây vài năm, chỉ có một đôi vợ chồng già người Đức đang ngồi ngắm cảnh.

Ông Nông Thế Diễn, giám đốc Vườn Quốc gia Ba Bể cho biết, cuối năm 2003, khi Vườn được nhận danh hiệu là Vườn Di sản ASEAN, ông và những người dân địa phương ở đây rất vui mừng và cảm thấy tự hào vì từ nay, không những du khách trong nước mà cả các nước khác trong khu vực ASEAN sẽ biết đến di sản quý báu này. Họ cũng hy vọng sẽ nhận được sự quan tâm, hướng dẫn, chia sẻ và cả sư giúp đỡ về mặt tài chính để gìn giữ những báu vật của Vườn.

Thế nhưng, niềm vui thoáng qua, còn nỗi buồn tủi thì cứ thấm dần bởi từ đó cho đến nay, ngoài danh hiệu cùng một tấm bảng thì mọi thứ vẫn chẳng có gì thay đổi. Không yêu cầu, không chỉ dẫn, không nghĩa vụ cũng chẳng có quyền lợi gì từ danh hiệu này. “Chúng tôi cảm thấy buồn vì như bị bỏ rơi vậy. Tự nhiên họ công nhận, rồi sau đó thì quên luôn” – ông Diễn buồn rầu tâm sự. Ồng Diễn cũng cho rằng, giá như có việc trao đổi, chia sẻ thông tin, giao lưu hay tham quan học tập kết nghĩa giữa các vườn ASEAN thì hiệu quả của việc được trao danh hiệu sẽ tăng lên rất nhiều.

Như những gì phóng viên chứng kiến, thì nỗi buồn của ông Diễn và người dân địa phương là hoàn toàn dễ hiểu, bởi đã 6 năm kể từ khi khi Vườn này được nhận danh hiệu Vườn di sản ASEAN, thì ngay cả nhiều phóng viên vẫn còn tưởng là nó “sắp được nhận”, huống hồ du khách trong nước hay khách du lịch đến từ các nước khác. Trong khi đó, thực chất đây là danh hiệu rất có giá trị để phát triển du lịch, nghiên cứu khoa học, văn hóa, giáo dục.

Sau khi được công nhận là Vườn Di sản ASEAN, từ năm 2004 đến 2006, Ban giám đốc Vườn Quốc gia Ba Bể cùng các cơ quan chuyên môn và các nhà khoa học tiếp tục thực hiện đề tài Lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận Vườn là di sản thiên nhiên Thế giới với các tiêu chí về địa chất, cảnh quan và đa dạng sinh học. Nếu may mắn được công nhận, đến lúc ấy, hi vọng nó sẽ chẳng âm thầm lặng lẽ và “vô bổ” như cái chuyện được nhận danh hiệu là Vườn di sản ASEAN này.

Thuyền du lịch gây ảnh hưởng hệ sinh thái

Vườn Quốc gia Ba Bể được thống kê là có tính đa dạng sinh học cao với 1.268 loài thực vật bậc quý hiếm, được liệt kê trong sách đỏ của Việt Nam và Thế giới. Riêng hồ Ba Bể, một hồ nước ngọt tự nhiên trên núi đá vôi lớn nhất Việt Nam có cơ chế hình thành độc đáo nhất thế giới, có tuổi hình thành cách đây 2,6 tỷ năm.

Tuy nhiên, theo ông Nông Thế Diễn, đa dạng sinh học tại hồ Ba Bể hiện nay đang có nguy cơ bị ảnh hưởng rất lớn. Một ví dụ đơn giản được ông Diễn đưa ra là, trước đây con tôm ở Hồ Ba Bể nhiều vô kể. Thế nhưng hiện nay, hầu như rất ít khi người dân đánh bắt được tôm ở hồ.

Lý giải cho sự bất thường này, ông Diễn cho rằng, các thuyền đưa khách du lịch đi thăm quan Hồ hiện nay đều chạy bằng dầu. Khi dầu máy của thuyền loang ra mặt hồ, nó thường bị sóng đánh dạt vào ven bờ. Đây cũng chính là khu vực loài tôm thường khu trú. Có lẽ vì lý do này mà loài tôm ở hồ Ba Bể dần dần bị suy kiệt.

Một nguy cơ nữa từ thuyền du lịch chạy bằng dầu là tiếng động cơ rất to. Ngoài việc tiếng ồn làm cho du khách khó chịu và làm mất đi vẻ yên tĩnh của vùng rừng núi hoang sơ này thì điều quan trọng hơn là nó làm cho các loài vật sinh sống ở các khu rừng ven Hồ Ba Bể hoảng sợ, không dám bén mảng tới gần Hồ nữa. Đây là một sự thiệt thòi rất lớn cho du khách.

Hiện tại, Vườn Quốc gia Ba Bể cũng đã thử nghiệm đầu tư một thuyền chạy bằng điện. Khi được hỏi, hầu hết du khách đều lựa chọn phương tiện thuyền này vì họ có thể thoải mái chuyện trò mà không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn của động cơ.

Tuy nhiên, để chuyển đổi toàn bộ số thuyền du lịch của người dân địa phương sang chạy bằng điện thì họ cần được hỗ trợ một số vốn nhất định bởi đa số họ là những hộ nghèo. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm của các cấp, các ngành của tỉnh Bắc Kạn và trước hết là sự chủ động của Ban giám đốc Vườn. Theo một cán bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn thì, trước hết Ban giám đốc Vườn cần phải lập đề án trình lên các cơ quan liên quan để được xem xét và hỗ trợ chứ không đơn giản chỉ là ngồi chờ và… kêu.

Nguồn: VnMedia