Gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc, quy định các quy tắc ứng xử văn minh đối với du khách, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, đơn vị vận tải, cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, cộng đồng dân cư, tránh lai căng văn hóa, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm... Hà Giang đang từng bước xây dựng môi trường du lịch (DL) bản sắc, thân thiện và văn minh.
Thời gian qua, ngành DL có bước phát triển mạnh và đạt nhiều thành tựu quan trọng. Năm 2023, DL Hà Giang vinh dự được nhiều tổ chức, hãng truyền thông uy tín xếp hạng là điểm đến DL mới nổi hàng đầu châu Á, top 25/52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới; một số cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng vinh dự được nhận giải thưởng ASEAN. Quý I.2024, Hà Giang đón trên 848.000 lượt du khách, trong đó có 83.000 lượt khách quốc tế. Điều này cho thấy sự quan tâm của khách DL quốc tế với Hà Giang ngày càng lớn.
Người dân Đồng Văn giới thiệu về lịch sử, ý nghĩa điểm cực Bắc Tổ quốc.
Hà Giang là địa bàn sinh sống của đông đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo về âm nhạc, trang phục, kiến trúc, ẩm thực, lễ hội... là lợi thế để tạo nên những sản phẩm DL độc đáo, hấp dẫn, riêng biệt. Nổi bật là sự phát triển của các làng văn hóa DL cộng đồng, nơi được xem là các “bảo tàng sống” lưu giữ văn hóa truyền thống các dân tộc. Đến đây, du khách được trải nghiệm các hoạt động cùng người dân địa phương như: Sản xuất nông nghiệp, dệt vải, hái chè Shan tuyết, chế biến các món ăn địa phương, giúp du khách hiểu rõ hơn về nền văn hóa độc đáo và đa dạng của địa phương. Cùng với đó là hàng loạt lễ hội truyền thống được tổ chức thường niên với không gian văn hóa đặc sắc, gọi mời như: Lễ hội Khèn Mông, lễ hội thêu dệt thổ cẩm, lễ hội chợ Phong lưu Khâu Vai, lễ hội nhảy lửa, lễ hội hoa Tam giác mạch, lễ hội ruộng bậc thang, lễ hội ẩm thực.
Một trong những mục tiêu Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025 là lấy bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tạo ra các sản phẩm DL độc đáo, hấp dẫn. Trên thực tế, DL kết hợp khám phá văn hóa đang trở thành một xu hướng mới, tạo ra những lợi ích đa chiều cho du khách. Đây là cách để du khách không chỉ có những trải nghiệm thú vị mà còn đóng góp vào việc bảo tồn, phát huy giá trị và bản sắc văn hóa; tạo môi trường giao lưu, trao đổi và lan tỏa giá trị văn hóa giữa du khách và cộng đồng địa phương.
Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại là cần thiết nhưng nguy cơ các sản phẩm văn hóa không phù hợp xâm nhập vào địa bàn là điều khó tránh khỏi. Thực tế Hà Giang đã phải đối mặt với nhiều vấn đề, hành vi phản cảm từ khách DL nói chung và khách quốc tế nói riêng trong quá trình tham quan DL tại địa phương như: Cho tiền trẻ em tại các điểm DL; chụp ảnh vách đá “tử thần” khi có biển cấm; mặc trang phục không phù hợp tại điểm đến, đặc biệt tại các điểm DL tâm linh; chụp ảnh phản cảm tại các điểm DL; tắm nhảy thác nước; điều khiển xe máy không đủ điều kiện. Một số cơ sở lưu trú vi phạm cảnh quan, môi trường; sử dụng kiến trúc lạ không phù hợp với văn hóa truyền thống; một số di sản văn hoá truyền thống của các dân tộc có nguy cơ bị mai một; làn điệu dân ca, điệu múa cổ truyền, nhạc cụ dân tộc, lễ hội dân gian, nghề thủ công truyền thống... bị thất truyền. Điều này ảnh hưởng tới mỹ quan, hình ảnh văn hóa và DL Hà Giang.
Trong Bộ quy tắc ứng xử văn minh DL Hà Giang đã quy định rõ ràng, cụ thể các quy tắc ứng xử của khách DL khi đến tham quan tại tỉnh, của doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên DL, cơ sở lưu trú DL, đơn vị vận chuyển hành khách, cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, điểm mua sắm, thể thao, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe phục vụ khách DL, của cộng đồng dân cư, quy định tại điểm tham quan DL. Đây là những quy định về chuẩn mực nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách thức ứng xử văn minh phù hợp với văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của Việt Nam và địa phương cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia các hoạt động DL trên địa bàn tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Triệu Thị Tình cho biết: “Với mục tiêu xây dựng Hà Giang trở thành điểm đến an toàn, thân thiện và bản sắc, hướng tới sự phát triển DL xanh và bền vững, ngành DL đã tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều chỉ đạo quan trọng và thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ, trong đó tập trung tuyên truyền Bộ quy tắc ứng xử văn minh DL Hà Giang, quy định của pháp luật và quy chế quản lý của từng điểm đến bằng nhiều hình thức phong phú. Phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp, hành vi vi phạm; tăng cường chính sách, nguồn lực đầu tư phát triển DL, đẩy mạnh bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản, bản sắc văn hóa các dân tộc; đào tạo phát triển nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ phát triển DL; nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hiệp hội DL, các doanh nghiệp lữ hành, tổ chức, cá nhân khi đưa khách đến tỉnh”.
Bài, ảnh: Biện Luân