Sau một thời gian vãn bớt, đến nay nạn đeo bám, chèo kéo du khách lại diễn ra ở hầu hết các địa điểm tham quan của Hà Nội, để lại những ấn tượng không đẹp trong lòng du khách.
10 giờ sáng tại hồ Hoàn Kiếm, khách du lịch đổ về đền Ngọc Sơn tham quan mỗi lúc một đông. Len lỏi giữa dòng khách tham quan là những người bán hàng lưu niệm. Họ lân la làm quen, mời chào khách trong lúc hướng dẫn viên đang giới thiệu lịch sử các điểm du lịch.
Chúng tôi bắt gặp một cặp vợ chồng người nước ngoài, dù đã mua 2 chiếc quạt giấy, nhưng vẫn bị cả đám người vây quanh nài nỉ mua thêm quạt. Rồi nhiều người bán bưu thiếp, đồ chơi, đồ lưu niệm khác thấy đông cũng ào đến nhao nhao mời chào. Họ đeo bám theo hai vợ chồng này ra đến tận ngoài đường mới thôi. Người vợ cho biết: “Lúc đầu thì họ rất dễ mến. Thế nhưng họ cứ mời chào như bắt buộc mình phải mua nữa, mua nữa. Chúng tôi đã mua rồi mà họ cứ nài nỉ mua thêm, vì thế mọi việc trở nên khó xử…”
Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, mọi việc có vẻ rất ổn khi có lực lượng giữ gìn trật tự. Tuy nhiên chị soát vé chỉ tay về phía đầu phố nói nhỏ với tôi: “Họ đứng chờ ở kia kìa, chỉ cần vắng bóng đội trật tự một phút là họ kéo đến ngay. Thông thường, cứ cuối giờ chiều, khi đội trật tự hết ca thì đâu lại vào đấy, nạn chèo kéo khách du lịch diễn ra công khai”.
Ở khu phố cổ, thật phản cảm khi chứng kiến những người bán hàng lưu niệm bám theo từng đoàn du khách mặc dầu họ đang ngồi trên xích lô. Anh Ngô Viết Cử, lái xích lô ở Công ty du lịch Sans Souci cho biết: “Nhiều khi họ theo một quãng đường dài buộc chúng tôi phải can thiệp. Nếu khách du lịch không đồng ý mua mà người bán hàng rong cứ bám làm phiền là chúng tôi phải gạt ra không cho người bán hàng tiếp cận xe nữa”.
Chị Phạm Thị Hải Yến, Phó giám đốc Công ty Du lịch Hải Yến bức xúc kể: “Có khi khách đang đi bộ thì có hai cậu thanh niên đèo nhau đỗ xịch trước mặt khách, khiến khách giật mình. Cậu đằng sau thì nhảy xuống chèo kéo, bán với giá cao. Có khi khách đang đi trên đường thì người đánh giầy chạy ra giữ lấy chân người ta, lôi giầy ra để đòi đánh giầy (!). Cả mấy bà gánh gồng chuối, dứa, hoa quả có thể lợi dụng khi khách nước ngoài muốn chụp ảnh với quang gánh ở trên vai, cứ ra chèo kéo để họ chụp ảnh, họ chụp xong thì bắt trả tiền rất đắt, có khi 30 đô đến 50 đô. Họ không trả thì làm ầm ĩ lên !”
Không thiếu trường hợp khách nước ngoài phải trốn vào các văn phòng du lịch mà họ gặp trên phố. Văn phòng của chị Hải Yến nhiều lần phải tiếp những vị khách bất đắc dĩ như thế. Có lần, du khách phải nhờ đến nhân viên ở đây can thiệp giúp.
Nhiều đối tượng còn giả dạng bán hàng rong để trộm cắp tài sản của khách du lịch. Anh Phạm Đức Tân, Công ty Sans Souci phàn nàn: “Chỉ cần một người mất tiền, mất đồ là ảnh hưởng đến tâm lý cả đoàn khách. Họ không còn thoải mái nữa và kể từ đó họ trở nên cảnh giác…”
Hầu hết những người bán hàng rong kiểu này đều là dân ngoại tỉnh về Hà Nội mưu sinh. Chỉ cần ít vốn đủ mua hàng đựng trong túi xách, mang trên tay, họ rong ruổi nay đây mai đó, chỗ nào đông khách là đến, thấy ai dễ chèo kéo, chặt chém được thì cứ bán, miền sao lãi nhiều nhất là được. Họ đâu biết rằng cách mua bán chụp giật của mình chính là một kiểu đuổi khách. Một du khách Pháp thất vọng: “Thường thì khi đi du lịch, chúng tôi rất muốn được trò chuyện, làm quen với người dân địa phương, tìm hiểu nếp sống của họ. Còn ở đây thì những người bán hàng là mối liên hệ duy nhất chúng tôi có được. Nhưng bây giờ thì cả tôi và họ, phải chấm dứt thôi!”
Nếu như không gian thanh bình Hà Nội được vẽ bằng nét rêu phong trên từng góc phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Than… thì sự thanh lịch, lòng mến khách, phong vị đậm đà của những món ăn dân dã, một khung cảnh thu trên những con đường xào xạc lá vàng lại làm nên cái hồn của Hà Nội. Đó là điều mà du khách đến với Hà Nội đều mong được một lần cảm nhận. Xin đừng vì cái lợi cỏn con trước mắt mà làm mất đi hình ảnh đẹp đẽ, nên thơ của đất ngàn năm văn hiến. Tình trạng bu bám, chèo kéo khách du lịch cần được chính quyền và ngành chức năng Hà Nội chấn chỉnh kịp thời, để Hà Nội xứng danh thành phố thanh lịch, văn minh.