Ngày 17/6/2024, Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Trường Đại học Lâm nghiệp tổ chức buổi Mít tinh và phát động trồng cây nhằm hưởng ứng Ngày Quốc tế Chống sa mạc hóa và hạn hán, kỷ niệm 30 năm thành lập Công ước chống sa mạc hóa. Tham dự buổi Lễ có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị; Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo; Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp Phạm Văn Điển; Đại diện Ban Điều phối quốc gia thực hiện Công ước chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc và các đại biểu đến từ các Bộ: NN&PTNT; Ngoại giao; Kế hoạch và đầu tư; Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình…
Công ước của Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD) được thành lập từ năm 1994 với mục tiêu quản lý đất đai bền vững và bảo vệ môi trường. Chủ đề Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán năm nay được Ban thư ký Công ước chọn là “Chung tay quản lý và sử dụng đất bền vững: Di sản của chúng ta - Tương lai của chúng ta” nhằm kêu gọi chung tay hành động bảo vệ đất - tài nguyên quý giá nhất - cho hiện tại và thế hệ tương lai. Hàng năm, Ban thư ký Công ước đều có thông điệp gửi và đề nghị các quốc gia thành viên và các bên liên quan tổ chức các hoạt động kỷ niệm sự kiện này.
Phát biểu tại Lễ Mít tinh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị cho biết: Theo công bố của Liên hợp quốc, mỗi giây, diện tích đất tương đương với bốn sân bóng đá bị suy thoái - tổng diện tích đất bị suy thoái toàn cầu hằng năm là 100 triệu ha. Hiện có tới 40% đất đai trên thế giới đã bị suy thoái, ảnh hưởng đến gần một nửa nhân loại. Đến năm 2023 thế giới cần thêm khoảng 300 triệu ha đất sản xuất nhằm đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Trước thực trạng đáng báo động này, Ban thư ký Công ước chống sa mạc hóa đã kêu gọi sự tham gia toàn cầu có hành động cụ thể để hiện thực hóa cam kết toàn cầu về việc phục hồi 1 tỷ ha đất bị suy thoái vào năm 2030 góp phần thực hiện thành công mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) 15.3 của Công ước. Đồng thời góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững khác về giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi hệ sinh thái, an ninh lương thực và nước, giảm nguy cơ thiên tai và đói nghèo.
Giới thiệu về nội dung Công ước, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Phó Trưởng ban thường trực Ban Điều phối quốc gia thực hiện Công ước chống sa mạc hóa cho biết, Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán toàn cầu năm nay được tổ chức gắn với kỷ niệm 30 năm thành lập Công ước diễn ra tại trụ sở của Ban thư ký tại Bonn, CHLB Đức. Ban thư ký kêu gọi các quốc gia thành viên, các bên liên quan ủng hộ chiến dịch "Đoàn kết vì đất đai nhằm huy động sự tham gia mọi người từ trẻ em đến người già trên khắp thế giới.
Góp phần vào sự kiện ý nghĩa này, Đề án "Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025" (sau 3 năm thực hiện đã đạt 121,4% so với kế hoạch) đã tài trợ khoảng 1.000 cây xanh và trao tặng cho tỉnh Hòa Bình hơn 3.000 cây giống lâm nghiệp, với mong muốn thêm nhiều cây xanh hơn nữa được gieo trồng, góp phần giúp Việt Nam thêm xanh tươi và trong lành.
Ở Việt Nam hiện có khoảng 11,8 triệu ha chiếm 35,74% tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước đang chịu tác động của thoái hóa, hoang hóa dẫn tới sa mạc hóa (Thống kê năm 2021 của Bộ TN&MT). Lĩnh vực lâm nghiệp với trên 14,8 triệu ha đất có rừng, không những đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế; giữ vững và đảm bảo an ninh, an toàn xã hội, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường mà còn là giải pháp chiến lược xanh góp phần quan trọng trong nỗ lực hạn chế hạn hán và sa mạc hóa.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cùng cán bộ ngành lâm nghiệp trồng cây tại khuôn viên Trường Đại học Lâm nghiệp
Năm 2024 là năm thứ ba, ngành lâm nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022). Theo đánh giá, mặc dù, có những khó khăn nhất định nhưng 2023 là một năm thành công của ngành lâm nghiệp, về cơ bản các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra của ngành đều đạt hoặc vượt kế hoạch năm, đặc biệt là chỉ tiêu về trồng rừng tập trung, giá trị xuất khẩu lâm sản; xây dựng và trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thực hiện Luật Lâm nghiệp đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ.
Trong gần 6 tháng đầu năm 2024 đã xảy ra khô hạn kéo dài ở nhiều nơi, báo hiệu một năm thời tiết rất khắc nghiệt, khó khăn và ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến sản xuất nông lâm nghiệp. Đặc biệt, trên cả nước xảy ra nhiều vụ cháy rừng ở nhiều quy mô khác nhau, gây thiệt hại lớn về rừng và con người. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của toàn ngành, hy vọng trong năm 2024, sẽ phát huy kết quả của các năm vừa qua, phấn đấu quyết tâm đạt mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.
Thứ trưởng kêu gọi, ngày hôm nay, chúng ta có mặt ở đây, góp một cây nhỏ được nuôi trồng trên bề mặt trái đất, một hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn. Hãy cùng nhau: Trồng cây, trồng rừng, quản lý và sử dụng đất bền vững, góp phần gìn giữ và để lại cho thế hệ tương lai. Toàn ngành, hãy hăng hái tham gia bảo vệ rừng, trồng cây, trồng rừng, phát triển rừng bền vững, góp phần chống suy thoái đất, để phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, làm cho đất nước ta mỗi ngày thêm “Xanh - Sạch - Đẹp”.
Trong giai đoạn tới, ngành lâm nghiệp cần tiếp tục tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu quả Chiến lược phát triển lâm nghiệp, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025; Các chương trình, đề án; Các cam kết quốc tế về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Đặc biệt, triển khai tốt Nghị quyết số 37/NQ-CP Chính phủ Ban hành thực hiện Nghị quyết của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” và “Xây dựng và triển khai Chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”.
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm sau Lễ phát động
Châu Loan