Sóc Trăng là vùng đất giàu bản sắc văn hóa với nhiều lễ hội truyền thống tiêu biểu của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa chung sống. Với hệ thống sông ngòi dày đặc cùng văn hóa đa dạng, vùng đất này có tiềm năng lớn để phát triển du lịch văn hóa lễ hội sông nước đặc sắc…
Đua ghe Ngo trong Lễ hội Oóc Om Bóc của Sóc Trăng được kỷ lục Guinness Việt Nam công nhận có số lượng ghe và vận động viên tham gia đông nhất Việt Nam.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng Trần Minh Lý cho biết, tỉnh đang xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội sông nước mang bản sắc địa phương, tiêu biểu là các sản phẩm trên sông Maspero và chợ nổi Ngã Năm. Hiện nay Sở đã chỉ đạo Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội sông nước mang bản sắc của tỉnh Sóc Trăng”. Theo đó, đơn vị này đã xây dựng thuyết minh, nghiên cứu môi trường du lịch trong nước và quốc tế; khảo sát bằng bảng hỏi để nắm bắt nhu cầu của khách du lịch đối với sản phẩm văn hóa lễ hội sông nước Maspero và chợ nổi Ngã Năm. Cùng với đó, trung tâm tiến hành làm khảo sát thực tế sông Maspero và chợ nổi Ngã Năm; gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo và những người có uy tín tại thành phố Sóc Trăng và thị xã Ngã Năm. Nhóm nghiên cứu đã gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp tham gia dự án. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành chín chuyên đề theo yêu cầu của đề tài.
Trên sông Maspero có thể xây dựng sản phẩm Lễ hội Sông Trăng hằng năm. Giai đoạn 2026 - 2030 dự kiến sẽ tổ chức liên tiếp 5 lễ hội, mỗi năm có một chủ đề riêng để giới thiệu các giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa. Mỗi lễ hội sẽ có nhiều tiểu đề và mỗi tiểu đề có nhiều tiết mục bảo đảm sự hài hòa, tích hợp tiềm năng, sản phẩm, dịch vụ du lịch, truyền thông hình ảnh Sóc Trăng và kích cầu du lịch. Trên chợ nổi Ngã Năm sẽ tập trung phát triển sản phẩm “Lễ hội văn hóa Ngũ long giao duyên”, tổ chức vào dịp 30/4 - 1/5 hằng năm. Với các giá trị văn hóa truyền thống, việc tổ chức lễ hội sẽ góp phần khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống và khác biệt của chợ nổi Ngã Năm so với những chợ nổi khác ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tiến sĩ Trịnh Công Lý, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, đánh giá: Thành phố Sóc Trăng có sông Maspero chảy qua, là địa điểm tổ chức giải đua ghe Ngo hằng năm cấp tỉnh và cấp khu vực. Năm 2005, Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo được Tổ chức Guinness Việt Nam công nhận Sóc Trăng là tỉnh có số lượng ghe Ngo và vận động viên tham gia đông nhất Việt Nam. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã công nhận lễ hội này là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia để bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống và được tổ chức thành festival truyền thống tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong khuôn khổ lễ hội có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, xúc tiến thương mại. Điểm nhấn là giải đua ghe Ngo, lễ cúng Trăng, trình diễn Lôiprotip (thả đèn nước) và ghe Cà Hâu tạo nên bức tranh đa sắc, lung linh trên dòng sông Maspero.
Thị xã Ngã Năm là vùng đất nằm ở phía nam sông Hậu, nơi có nhiều nhánh sông lớn đổ về vùng Rạch Giá, Cà Mau, là địa phương thu hút nhiều người dân từ các nơi khác đến khai phá, lập làng, lập nghiệp. Chợ nổi Ngã Năm cách thành phố Sóc Trăng khoảng 60 km về hướng tây, mang đậm nét văn hóa giao thương miền sông nước xưa của người dân Nam Bộ. Hiện nay, lượng khách du lịch đến đây trải nghiệm, mua sắm khoảng 10.000 lượt/năm. Lượng xuồng, ghe giảm dần do giao thông đường bộ phát triển, một số thương hồ đang thay thế ghe, tàu và tự mở bến, vựa trên bờ để trao đổi, mua bán hàng hóa như một điểm giao thương nông sản đầu mối.
Theo Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Ngã Năm được quy hoạch là trung tâm của vùng nội địa phía tây nam của tỉnh này; là đô thị thương mại - dịch vụ - du lịch gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch sông nước, chợ nổi truyền thống.
Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thị xã Ngã Năm Võ Minh Thắng chia sẻ, Sóc Trăng đang triển khai Đề án tổng thể phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó, du lịch văn hóa thương hồ chợ nổi Ngã Năm là một trong 10 sản phẩm du lịch chủ lực được tỉnh tập trung thực hiện.
Địa phương tập trung phát triển du lịch gắn với bảo tồn chợ nổi, tạo điểm đến để khách tham quan thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp nơi hợp lưu của năm nhánh sông từ Cà Mau - Vĩnh Quới - Long Mỹ - Thạnh Trị - Phụng Hiệp. Tham gia tour, du khách có thể tham quan các di tích lịch sử văn hóa, làng nghề, các vườn cây ăn trái, trải nghiệm tát đìa, bắt cá ao; thưởng thức đờn ca tài tử, ẩm thực đa dạng trên ghe thuyền…
Khai thác, kết hợp hài hòa các thế mạnh, tiềm năng, tỉnh Sóc Trăng đã và đang nỗ lực hình thành, phát triển du lịch văn hóa lễ hội sông nước, đưa vùng đất này thành một điểm đến nổi bật trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Du lịch văn hóa lễ hội là loại hình du lịch phổ biến của nhiều quốc gia trên thế giới, với nhiều nội dung, hình thức, sắc màu phong phú. Tại Việt Nam, lễ hội văn hóa truyền thống, trong đó có loại hình du lịch văn hóa lễ hội gắn với sông nước đã trở thành sản phẩm du lịch phát triển mạnh của nhiều địa phương và ngày càng có sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Nghị quyết số 05 về phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, với quan điểm “du lịch là một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Phát triển du lịch gắn với quảng bá hình ảnh địa phương, văn hóa, con người Sóc Trăng”. Với những tiềm năng, thế mạnh và nét đặc trưng riêng, Sóc Trăng có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, hình thành nên những sản phẩm du lịch đặc trưng về du lịch văn hóa sông nước.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 995/QĐ-TTg (ngày 25/8/2023) Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là khung pháp lý quan trọng, làm căn cứ để triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án… Cơ hội để tỉnh tiếp tục định hướng phát triển các sản phẩm du lịch chủ lực và dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Văn hóa lễ hội sông nước là sản phẩm khá mới đối với Sóc Trăng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, do đó việc nghiên cứu xây dựng sản phẩm gắn với nội dung bảo tồn và phát huy văn hóa lễ hội nhằm đánh giá đúng thế mạnh và nguồn lực của Sóc Trăng để triển khai dự án. Đây là hướng đi đúng đắn, cho ra đời sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội sông nước có sức sống bền vững.
Phát huy tốt sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội trên sông vừa tạo ra những hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn là cơ sở để tăng cường sự kết nối chặt chẽ, phát huy sức mạnh trong cộng đồng 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa ở Sóc Trăng.
Bài và ảnh: Nguyễn Phong