Ngày 2/7, Hiệp hội Du lịch quận Hoàn Kiếm tổ chức chương trình khảo sát các điểm du lịch, dịch vụ tại Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội), và hội thảo “Kết nối du lịch Đường Lâm”.
Đoàn khảo sát của Hiệp hội Du lịch quận Hoàn Kiếm nghe giới thiệu thông tin về du lịch Đường Lâm. (Ảnh: Công Thọ)
Phát biểu tại Hội thảo "Kết nối du lịch Đường Lâm", bà Dương Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch quận Hoàn Kiếm cho biết, chương trình nhằm tăng cường mối giao lưu, gắn kết các đơn vị hội viên; thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị lữ hành và đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch tại Đường Lâm, nhằm xây dựng những sản phẩm du lịch, dịch vụ đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp tăng tính cạnh tranh, và thu hút du khách đến vùng đất cổ ''địa linh nhân kiệt'' này.
Giới thiệu tới đoàn khảo sát, ông Khuất Văn Thắng, người sáng lập Hệ thống Đoài thông tin cho biết, đến với Đường Lâm, du khách như được hòa mình và chiêm ngưỡng những giá trị tiêu biểu, đặc sắc của một làng quê thuần Việt gắn liền với cuộc sống nông thôn, sản xuất nông nghiệp từ hàng chục thế kỷ nay của những người nông dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ.
Làng cổ ở Đường Lâm còn là nơi lưu giữ, bảo tồn một kho tàng văn hóa lịch sử quý báu, ẩn chứa kho tàng văn hóa Hán Nôm, văn bia tiêu biểu được tồn tại trong các ngôi nhà cổ từ những bức hoành phi, câu đối, văn bia, đại tự, sắc phong.
Đánh giá cao mục đích chuyến công tác của Hiệp hội Du lịch quận Hoàn Kiếm, ông Khuất Văn Thắng mong muốn kết hợp với các doanh nghiệp du lịch Hoàn Kiếm xây dựng những tour liên quan đến Làng cổ Đường Lâm, du lịch văn hóa của người Việt.
"Hệ thống Đoài được xây dựng trên chính đội ngũ trẻ của Đường Lâm. Một thế hệ mà tôi nhận định là thế hệ vàng để phát triển du lịch Đường Lâm sau này. Với nền tảng đó cùng sự hỗ trợ của các công ty du lịch Hoàn Kiếm, chúng tôi sẽ xây dựng được những gói dịch vụ du lịch hấp dẫn, thu hút du khách", ông Khuất Văn Thắng nhấn mạnh.
Trong chương trình khảo sát, các đơn vị hội viên của Hiệp hội đã được nghe giới thiệu về những di tích: cổng làng Mông Phụ, đình Mông Phụ, nhà cổ ông Thể, nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh... Đồng thời tìm hiểu những cơ hội hợp tác, kinh doanh tại đây.
Ông Bùi Văn Nghiêm, Trưởng ban Lữ hành (Hiệp hội Du lịch quận Hoàn Kiếm) cho biết thêm, tham gia chương trình có đến hơn 40 hội viên là những công ty lữ hành, doanh nghiệp du lịch Hoàn Kiếm. Các thành viên rất tích cực tham gia những hoạt động tìm hiểu về văn hóa, ẩm thực tại Đường Lâm.
"Chuyến khảo sát đã giúp các hội viên gần gũi nhau hơn; đồng thời tìm hiểu một số nét văn hóa đặc sắc của Đường Lâm. Sau chuyến đi, nhiều công ty cho biết sẽ xúc tiến hoạt động gửi khách về Đường Lâm nhiều hơn nữa", ông Bùi Văn Nghiêm chia sẻ.
Năm 2005, Làng cổ Đường Lâm được xếp hạng ''Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia'', là tài sản vật chất, tinh thần vô giá của người dân Đường Lâm, thị xã Sơn Tây cũng như Nhân dân Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung.
Tại hội thảo, các doanh nghiệp du lịch Hoàn Kiếm cũng có nhiều ý kiến đóng góp nhằm nâng cao chất lượng du lịch, thu hút khách của Làng cổ Đường Lâm. Trong đó tập trung vào cải thiện chất lượng dịch vụ; đa dạng hóa sản phẩm du lịch; tăng cường hợp tác, liên kết phát triển sản phẩm du lịch, kết nối sản phẩm du lịch Làng cổ với các điểm du lịch lân cận của Hà Nội, Phú Thọ, Hòa Bình; đặc biệt là phải bảo tồn thật tốt các di tích, các giá trị văn hóa cốt lõi của Làng cổ Đường Lâm…
Nhật Hạ