Thái Nguyên: Tổ chức Hội thảo về bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật Việt Bắc

Cập nhật: 04/07/2024
Ngày 2/7, tại tỉnh Thái Nguyên, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Nhóm hợp tác xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật khu vực Việt Bắc (gồm 9 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Ninh) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống khu vực Việt Bắc trong đời sống đương đại”.

Các đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Thu Hằng - TTXVN

Bà Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên cho biết, khu vực Việt Bắc có kho tàng văn hóa đồ sộ, phong phú, độc đáo của đồng bào các dân tộc: Tày, Nùng, Dao, Mông, Lô Lô, Cao Lan - Sán Chay, Sán Dìu… mang tính lịch sử lâu đời và kết tinh những giá trị độc đáo, phản ánh tính đa dạng văn hóa và sức sáng tạo dân gian. Hình ảnh đời sống lao động sản xuất, tín ngưỡng, phong tục tập quán đặc trưng của cộng đồng các dân tộc Việt Bắc đã đóng góp vào kho tàng văn hóa nước nhà những di sản mang giá trị to lớn. Sự đặc sắc của các loại hình nghệ thuật biểu diễn góp phần quan trọng làm nên bản sắc văn hóa của từng dân tộc.

Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, bước sang thế kỷ XXI, trước xu thế toàn cầu hóa kinh tế, toàn cầu hóa văn hóa diễn ra ngày càng sâu rộng, cùng với những ảnh hưởng tích cực của các xu thế này là hiện tượng xâm thực văn hóa, xâm lấn văn hóa, "xâm lăng văn hóa". Đặc biệt, thời kỳ kinh tế thị trường, kỹ thuật số và công nghệ phát triển, các phương tiện truyền thông hiện đại chiếm ưu thế, tạo ra sự khác biệt về thị hiếu và giá trị thẩm mỹ cộng đồng. Do vậy, nghệ thuật truyền thống cũng như các loại hình nghệ thuật khác phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Các đại biểu tham quan Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Thu Hằng - TTXVN

Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách bảo tồn và phát triển ngành nghệ thuật truyền thống, chính sách giáo dục đào tạo, ưu đãi nhân tài trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật…, song sự tồn tại và phát triển của nghệ thuật truyền thống trong xã hội đương đại luôn là bài toán khó đối với hệ thống quản lý văn hóa và giới văn nghệ sĩ.

Nhận diện và đánh giá những giá trị của các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống khu vực Việt Bắc ở 4 chuyên ngành gồm: Múa, sân khấu, âm nhạc, văn nghệ dân gian là mục đích Hội thảo hướng đến. Trên cơ sở đó, Hội thảo sẽ đưa ra những kiến nghị, đề xuất, giải pháp cụ thể mang tính khả thi nhằm bảo tồn, phát huy giá trị đó trong đời sống đương đại, góp phần tích cực vào sự phát triển của đời sống văn hóa tinh thần khu vực Việt Bắc.

Gần 20 ý kiến tham luận của các nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà nghiên cứu, thầy cô giáo… đến từ Hội văn học nghệ thuật các tỉnh đã được trình bày tại Hội thảo; trong đó, tập trung làm rõ nội dung xoay quanh chủ đề của Hội thảo như: Một số loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống đặc sắc, mang đậm dấu ấn của địa phương; những thuận lợi, khó khăn của đội ngũ nghệ sĩ, nghệ nhân và những người đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn truyền thống của các địa phương; vị trí, vai trò của Hội Văn học nghệ thuật các cấp trong bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống trong đời sống đương đại; giải pháp trong bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống trong đời sống đương đại.

Các tham luận đã cung cấp những thông tin hữu ích, quý giá về đặc trưng các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống vùng Việt Bắc như: Then, Páo Dung, Sli, Chèo, Tuồng Dá Hai, Tắc Xình…; đồng thời, bày tỏ những băn khoăn, lo lắng về sự mai một của đội ngũ nghệ nhân, sự thiếu vắng các tài năng trẻ, cùng những khó khăn về cách thức hoạt động, sự biến động về tổ chức bộ máy dẫn đến giảm tính chuyên nghiệp của đội ngũ sáng tác, quảng bá…

Thu Hằng

Nguồn: Báo Dân tộc miền núi - dantocmiennui.vn - Đăng ngày 02/07/2024