Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang, hiện tỉnh thu hút trên 300 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng diện tích 9.754ha; tổng vốn đầu tư 393.135 tỷ đồng. Trong đó, 79 dự án đã đi vào hoạt động với tổng quy mô 1.331ha; tổng vốn đầu tư 18.384 tỷ đồng…
Một khu du lịch nghỉ dưỡng tại TP Phú Quốc - Kiên Giang. (Ảnh: K.V)
Kiên Giang hiện có 120 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành được cấp phép; có 303 hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ đang hoạt động, trong đó có 54 hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Tổng số cơ sở lưu trú có đăng ký là 967 cơ sở với 33.955 phòng, trong đó hạng 4 - 5 sao có 27 cơ sở với 12.688 phòng.
Để thu hút khách du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Kiên Giang đã tăng cường công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá thu hút khách du lịch; tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch địa phương... Ngành du lịch địa phương cũng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ lập “Đề án xây dựng Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế”. Đồng thời, triển khai thực hiện các kế hoạch thực hiện đề án phát triển du lịch nông thôn gắn với chương trình OCOP, đề án phát triển du lịch cộng đồng và phát triển các sản phẩm ngành nghề truyền thống gắn với du lịch tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030...
Mục tiêu của Kiên Giang là đẩy mạnh phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế đóng góp chính cho tỉnh và Kiên Giang trở thành trung tâm du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Để làm được điều này, Kiên Giang sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng các điểm du lịch đã được quy hoạch, tích cực kêu gọi đầu tư để phát triển các khu, tuyến du lịch sinh thái ven biển, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, thám hiểm…
Tỉnh khuyến khích doanh nghiệp nâng cấp, mở rộng các khu du lịch, cơ sở lưu trú hiện có và sẽ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đang đầu tư. Tuy nhiên, địa phương sẽ kiên quyết thu hồi các dự án không triển khai.
UBND tỉnh Kiên Giang cũng giao cho Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan phát triển du lịch và dịch vụ biển. Trong đó, tập trung đầu tư cho hạ tầng du lịch, đặc biệt là vùng du lịch trọng điểm, du lịch đảo và ven biển như Phú Quốc, Kiên Hải, Kiên Lương, Hòn Đất, thành phố Rạch Giá. Với Phú Quốc, mục tiêu của tỉnh là phát triển thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mang tầm quốc tế.
Liên quan đến phát triển hạ tầng chung, trong đó có hạ tầng cho du lịch nói riêng, tỉnh Kiên Giang có kế hoạch đẩy mạnh đầu tư hàng loạt dự án. Trong đó, có việc tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Rạch Giá, Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc; nâng cấp, mở rộng cảng Bãi Vòng, cảng tổng hợp tại Mũi Đất Đỏ và cảng vịnh - đầm Phú Quốc.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch Kiên Giang, hoạt động du lịch hiện nay phát triển theo hướng gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, kết nối các bên liên quan tạo thành mô hình chuỗi giá trị để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Du lịch phát triển sẽ kích thích thúc đẩy các ngành nghề khác cùng phát triển, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động.
Xác định tiền đề về cơ sở vật chất để phát triển du lịch Kiên Giang còn thiếu trên một số lĩnh vực, do đó, tỉnh tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển du lịch, sản phẩm du lịch. Đầu tư cơ sở vật chất du lịch với các chính sách đầu tư hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư mang tính tầm cỡ, để tạo ra các sản phẩm du lịch có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu khách du lịch. Ngoài nguồn vốn đầu tư trực tiếp trong du lịch, Kiên Giang sẽ huy động các nguồn khác để hỗ trợ phát triển du lịch./.
Bảo Châu (t/h)