Bắc Kạn là nơi khởi phát của sông Cầu, còn gọi là sông Như Nguyệt chảy qua 6 tỉnh thành. Địa phương này hội đủ các yếu tố về cảnh quan thiên nhiên, truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa đa dạng, hấp dẫn để phát triển du lịch. Sau nhiều năm ngủ yên, tiềm năng này đang dần được đánh thức.
Du khách tham quan chợ đêm tại Khu du lịch Ba Bể
Nhắc đến Bắc Kạn là nhắc tới hồ Ba Bể. Tuy nhiên, ngoài thắng cảnh Ba Bể thì địa phương này còn sở hữu nhiều điểm đến du lịch khác. Yếu tố hoang sơ lại là sự hấp dẫn đang dần được khai phá.
Đặc sắc thắng cảnh
Vườn Quốc gia Ba Bể là cụm du lịch đặc sắc bậc nhất không chỉ của Bắc Kạn mà còn của cả nước với hồ Ba Bể là một trong 20 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới. Đây là nơi tập trung hầu hết các tài nguyên thiên nhiên với nhiều thắng cảnh, như: Ao Tiên, đảo Bà Góa, đền An Mã, động Puông, thác Đầu Đẳng, thác Tát Mạ, sông Năng, động Hua Mạ, động Nà Phoòng (căn cứ đầu tiên của Đài tiếng nói Việt Nam), hang Thẳm Kít, hang Thẳm Phầy…
Các cánh rừng nguyên sinh, các bản nhà sàn ven hồ vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào, tạo nên cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Bắc Kạn có động Nàng tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (Na Rì); Sinh vật cảnh nam Xuân Lạc, đỉnh Phja Khao (Chợ Đồn); hồ Bản Chang, thác Nà Khoang (Ngân Sơn); thác Bạc, thác Rọom (thành phố Bắc Kạn)…
Cùng với đó là phong tục, tập quán và văn hóa truyền thống đa dạng đã tạo nên nguồn tài nguyên du lịch nhân văn phong phú với các lễ hội tiêu biểu như: Lễ hội Lồng tồng Ba Bể (xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể); Lễ hội Lồng tồng xã Hà Vị, Lễ hội Phủ Thông (huyện Bạch Thông); Lễ hội Bằng Vân (huyện Ngân Sơn); Lễ hội Mù Là (xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm); Hội xuân thành phố Bắc Kạn và Hội chợ Văn hóa Truyền thống Xuân Dương Na Rì (mỗi năm họp một lần vào ngày 25/3 âm lịch)…
Một góc thắng cảnh hồ Ba Bể. (Ảnh: Tuấn Sơn)
Độ đậm đặc về văn hóa dân tộc vùng cao Bắc Kạn thể hiện ở sự phong phú các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc. Người Tày có Lượn Cọi, Phong Slư, hát Quan làng (hát đám cưới), hát then, hát pụt, múa bát, múa quạt, múa đàn tính. Người Nùng có hát Sli, lượn Nàng ới, hát then, múa Xiêng tang. Người Dao có hát Páo dung, múa chuông, múa bắt Ba Ba, thổi khèn Pí lè, Lễ cấp sắc. Người Mông có múa khèn, thổi sáo mèo, lễ hội gầu tào…
Đến với Bắc Kạn, du khách còn có dịp được hiểu thêm về tiếng nói, chữ viết, tri thức dân gian, trang phục, kiến trúc nhà ở, nghề thủ công, văn hóa ẩm thực… rất phong phú, độc đáo và đa dạng của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nằm trong vùng chiến khu Việt Bắc, Bắc Kạn có dày đặc các di tích lịch sử cách mạng thuộc An toàn khu (ATK) Chợ Đồn, di tích Nà Tu, di tích Đồn Phủ Thông, di tích chiến thắng Đèo Giàng...
Những di tích này in đậm dấu ấn một thời về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, nhà nước, quân đội và nhân dân Bắc Kạn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Tổng cộng Bắc Kạn có 152 di tích lịch sử và danh thắng, trong đó có 02 di tích quốc gia đặc biệt, 06 di tích cấp quốc gia, 36 di tích cấp tỉnh và 108 di tích đã kiểm kê nhưng chưa xếp hạng, là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng.
Đánh thức tiềm năng
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 12/8/2021 về phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Tỉnh đề ra mục tiêu phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với dịch vụ du lịch đa dạng, chất lượng, đáp ứng nhu cầu khách du lịch trong nước và quốc tế.
Trong 3 năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện hoàn thành một số nhiệm vụ theo nội dung Nghị quyết đề ra, như: xây dựng đề án trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Khu du lịch Ba Bể trở thành khu du lịch quốc gia; trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ phát triển điểm du lịch Bắc Kạn; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ và phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn…
Cảnh sắc hùng vĩ của các bản làng chung quanh hồ Ba Bể. (Ảnh: Tuấn Sơn)
Bắc Kạn đã và đang triển khai các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất nhằm khai thác và phát huy tài nguyên du lịch. Trọng điểm là các dự án: Cải tạo sửa chữa đường tỉnh ĐT258; cải tạo, nâng cấp đường 258 đoạn qua Vườn quốc gia Ba Bể; hạ tầng giao thông khu vực chung quanh hồ Ba Bể; đường Quảng Khê - Khang Ninh, huyện Ba Bể; đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang, Tuyên Quang; cao tốc Chợ Mới - thành phố Bắc Kạn… Nhờ những thay đổi về chính sách phát triển và kết cấu hạ tầng nên lượng du khách đến với Bắc Kạn đã tăng hẳn so với những năm trước đây. Riêng năm 2023, tỉnh đã đón gần 800.000 lượt khách, trong đó có gần 12.000 lượt khách quốc tế.
Nhiều nhà đầu tư lớn, như: Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn Thái Bình, Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Onsen Fuji, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam, Tập đoàn Mường Thanh… đã đến tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư du lịch. Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2025, Khu du lịch Ba Bể trở thành khu du lịch quốc gia, đón ít nhất 32.000 lượt khách quốc tế và 1 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 1.000 tỷ đồng.
Tuấn Sơn