Trà tuyết trên non cao

Cập nhật: 06/11/2009
Hà Giang là vùng trồng trà shan tuyết lâu đời ở Việt Nam, phân bố hầu khắp các huyện với các vùng trà cổ thụ ở độ cao 300-1.000m như Phìn Hồ, Lũng Phìn (Đồng Văn), Tham Vè, Bó Đướt (Vị Xuyên - vùng chè cổ xưa nhất Việt Nam). Những gốc trà cổ thụ có lá to, búp và lá non bên dưới có một lớp lông trắng như tuyết nên được gọi là trà shan (sơn) tuyết.

Cuối tháng 3 đầu tháng 4, người ta bắt đầu hái vụ trà đầu tiên (thời điểm trà cho chất lượng cao nhất), vụ thứ hai vào tháng 5 và tháng 6 (vụ có năng suất cao nhất trong năm), vụ ba vào tháng 8 và vụ bốn vào tháng 10-11.

Tháng 10 là lúc bắt đầu vào vụ hái trà shan tuyết cuối cùng trong năm của 41 hộ gia đình người Dao ở bản Phìn Hồ (xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) nằm trên núi ở độ cao 1.300m so với mặt biển. Để lên đến bản Phìn Hồ chỉ có một cách duy nhất là vượt con đường hơn 10km ngoằn ngoèo như bắc thang lên trời bằng xe ôm Minxkơ của dân bản xứ. Phìn Hồ theo tiếng Dao có nghĩa “hồ trên núi”: từ trên đỉnh núi nhìn xuống bản làng có một hồ nước giữa vùng trồng trà rộng tới 120ha mà phần lớn là những cây trà cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

Những cây trà shan tuyết mọc chênh vênh ở các triền núi làm nên vẻ đẹp như trong một bức tranh thủy mặc. Trà shan tuyết Hà Giang trồng nơi cao sơn khí hậu trong lành, thanh sạch nên có vị thơm ngon đặc trưng, là một trong những danh trà Việt Nam.

Người Dao ở Phìn Hồ coi cây trà là báu vật mà thiên nhiên ban tặng, cũng là tài sản vô giá được các gia đình truyền từ đời này qua đời khác. Cây trà shan tuyết là một biểu tượng văn hóa tinh thần, đồng thời cũng là nguồn thu nhập chủ yếu của họ trong những năm gần đây. Uống trà hàng ngày đã trở thành một nghi thức và thói quen không thể thiếu đối với người Dao ở Phìn Hồ.

Nguồn: 24h