Hải Dương có nhiều làng nghề truyền thống với nhiều tiềm năng khai thác du lịch lớn. Nhưng cần làm gì để định vị du lịch các làng nghề?
Trải nghiệm nghề khắc in mộc bản - nghề truyền thống lâu đời tại Tân Hưng (TP Hải Dương)
Tới Bát Tràng, tôi không chỉ được xem gốm, mua gốm, trải nghiệm làm gốm mà còn được thăm đình làng, văn chỉ, chùa, đền... Những di tích này gắn bó với người dân nơi đây nhiều năm qua. Sau đó, tôi còn được thưởng thức những món ăn độc đáo trong mâm cỗ tiến vua với canh măng mực, chả tôm cuốn lá lốt...
Điều gì giúp Bát Tràng thu hút ngày càng nhiều du khách và khai thác hiệu quả du lịch làng nghề?
Ngay từ khi nhận quyết định công nhận làng nghề là điểm du lịch của Hà Nội, chính quyền nơi đây đã bắt tay ngay vào việc xây dựng mô hình du lịch thông minh. Họ đã sớm lập trang web riêng giới thiệu du lịch Bát Tràng; Cổng thông tin điện tử Bát Tràng; triển khai nhiều tiện ích cho du khách như trải nghiệm wifi miễn phí; nghe thuyết minh tự động... Người dân đầu tư cơ sở vật chất để vừa sản xuất vừa đón khách tham quan. Những món ăn, mâm cỗ mang nét đặc trưng riêng của Bát Tràng được lần lượt giới thiệu đến du khách. Sự thú vị và tiện lợi ở điểm du lịch này đã tạo nên sức hấp dẫn cho Bát Tràng, cho thấy ở đây có sự đồng hành, nỗ lực từ chính quyền đến mỗi người dân.
Hải Dương có nhiều tiềm năng khai thác du lịch làng nghề. Về Hải Dương, các doanh nghiệp lữ hành ngoài đưa khách tới thăm khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc (Chí Linh), khu du lịch sinh thái Đảo Cò (Thanh Miện) thì điểm dừng chân tiếp theo thường là làng nghề sản xuất gốm Chu Đậu (Nam Sách). Nhưng tour nào cũng đưa đến những địa điểm kể trên thì du khách dễ nhàm chán trong khi Hải Dương còn có nhiều làng nghề có thể khai thác, phát triển du lịch thu hút du khách, nhất là khách nước ngoài.
Có thể điểm danh các làng nghề đã từng được du khách tìm đến như: thêu ren Xuân Nẻo (Tứ Kỳ); đồ gỗ Đông Giao (Cẩm Giàng), bánh gai (Ninh Giang); da giày Hoàng Diệu... Nhưng có thể vì các làng này chưa được đầu tư, làm du lịch nửa vời nên chưa thực sự tạo thành điểm đến hấp dẫn.
Trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hải Dương định hướng phát triển du lịch theo hướng bền vững, bảo đảm hài hòa giữa phát triển du lịch kết hợp bảo tồn và phát huy các giá trị của từng địa phương. Phương án phát triển du lịch của tỉnh xác định tập trung khai thác, phát triển du lịch nông thôn, làng nghề. Những làng nghề có truyền thống hàng trăm năm của tỉnh như gốm Chu Đậu (Nam Sách), gỗ Đông Giao (Cẩm Giàng) hay bánh Gai (Ninh Giang) đã được nhắc đến trong quy hoạch này.
Hải Dương có 66 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và 1 làng nghề nông nghiệp. Tỉnh còn có nhiều nghề truyền thống, lâu đời mang đặc trưng riêng của mảnh đất xứ Đông. Phát triển du lịch làng nghề mang lại lợi ích kép về kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống.
Để khai thác hiệu quả du lịch làng nghề tại Hải Dương trước hết cần phải có định hướng cụ thể. Trước hết phải lựa chọn những làng nghề còn nhiều tiềm năng phát triển sản phẩm. Chỉ khi sản phẩm của làng nghề đáp ứng được nhu cầu của thị trường, người dân sống được bằng nghề thì mới có thể khai thác tốt du lịch.
Công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa cũng như khôi phục và phát triển các hoạt động văn hoá dân gian truyền thống trong khu vực làng nghề cần được chú trọng, tạo bản sắc văn hóa riêng của làng nghề nhằm tạo cơ hội thu hút du khách.
Những tiện ích du lịch cũng cần được khai thác như chỗ ăn, nghỉ, trải nghiệm. Nếu trong làng nghề không khai thác được các yếu tố này có thể liên kết với địa phương gần đó để phát triển các dịch vụ đi kèm...
Khi mỗi người thợ, mỗi gia đình ở làng nghề ngoài quan tâm phát huy giá trị nghề truyền thống còn biết định vị, quảng bá thương hiệu, khai thác những lợi thế từ du lịch thì mới có thể tạo ra "lợi ích kép" để phát triển.
Dương Lan