Ngày 14/8, Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo chương trình liên kết phát triển du lịch Hội An - Điện Bàn - Duy Xuyên với chủ đề "Điểm đến du lịch xanh - làng quê, làng nghề".
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Báo Văn hóa
Đây là hoạt động nhằm thực hiện chủ trương phát triển du lịch xanh của tỉnh Quảng Nam theo Nghị quyết 13/NQ-TU ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy về phát triển thương mại, du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời giới thiệu, quảng bá những tiềm năng và điểm tham quan du lịch tại Hội An - Điện Bàn - Duy Xuyên, tham vấn ý kiến để xây dựng chương trình thỏa thuận, đồng hành, cùng liên kết phát triển du lịch theo hướng xanh và bền vững.
Hội thảo thu hút hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức du lịch cộng đồng, các chuyên gia du lịch bền vững trong nước và quốc tế.
Hội thảo tập trung trao đổi về khả năng áp dụng kinh nghiệm và chứng nhận quốc tế về phát triển du lịch xanh, đổi mới phát triển sản phẩm, quản lý điểm đến, quảng bá du lịch bền vững tại Quảng Nam. Các đại biểu cũng thảo luận về các chính sách nhằm cải thiện và tăng cường tính bền vững của ngành du lịch tỉnh dựa vào kết quả đánh giá theo Bộ chỉ số phát triển du lịch Việt Nam 2023.
Đại diện lãnh đạo 3 địa phương Hội An - Điện Bàn - Duy Xuyên tại hội thảo. Ảnh: Báo Quảng Nam
Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết việc triển khai đạt hiệu quả ban đầu Bộ tiêu chí du lịch xanh tại tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua có sự hỗ trợ tích cực từ Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO). Cộng đồng doanh nghiệp, người dân, và du khách nhiệt tình hưởng ứng và góp phần lan tỏa thương hiệu điểm đến du lịch xanh của tỉnh. Trong thời gian tới, Quảng Nam sẽ tập trung xây dựng cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân tạo mô hình du lịch xanh thí điểm ở nông thôn và miền núi để mở rộng không gian du lịch ở phía Tây và phía Nam của tỉnh.
Làng du lịch cộng đồng Triêm Tây. Ảnh: Báo Văn hóa
Chia sẻ tại hội thảo, bà Sibylle Bachmann, Trưởng ban hợp tác - Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam cho biết: “Thông qua SECO, Chính phủ Thụy Sỹ đang hỗ trợ thành phố Hội An trở thành điểm đến du lịch bền vững được công nhận trên toàn thế giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh Quảng Nam cập nhật tiêu chí du lịch xanh và giúp các doanh nghiệp du lịch tiếp cận chứng nhận du lịch bền vững quốc tế. Đồng thời, chúng tôi khuyến khích đối thoại công-tư để thúc đẩy việc xây dựng và thực thi các chính sách tại địa phương nhằm đẩy mạnh phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững”.
Điểm đến làng nghề mộc nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp. Ảnh: Báo Văn hóa
Các doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng chia sẻ, trao đổi ý kiến và gợi ý định hướng phát triển sản phẩm du lịch xanh, tiêu chí, tiếp thị, quảng bá; Xây dựng tour du lịch xanh 3 địa phương Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên phù hợp với thị trường khách du lịch. Kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc - Viện sĩ Viện Hàn Lâm kiến trúc Pháp đã trao đổi, chia sẻ câu chuyện về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển du lịch xanh để giữ làng Triêm Tây qua câu chuyện xây dựng kè sinh học.
Thăm xưởng đất nung của nghệ nhân Lê Đức Hạ. Ảnh: Báo Văn hóa
Cũng trong ngày, các đại biểu, đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các công ty lữ hành; các chuyên gia du lịch cũng trải nghiệm thực tế tour du lịch “Một hành trình - nhiều trải nghiệm xanh”, khám phá mô hình du lịch xanh tại làng nghề Đông Khương (thị xã Điện Bàn), làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu (huyện Duy Xuyên), và làng mộc Kim Bồng (thành phố Hội An).
Đoàn đã đi qua nhiều điểm đến của 3 địa phương như làng nghề mộc mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp; Xưởng đất nung Terra Cotta Studio của nghệ nhân Lê Đức Hạ; làng du lịch cộng đồng Triêm Tây của thị xã Điện Bàn.
Đến làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu, huyện Duy Xuyên để trải nghiệm đi thuyền thúng tại rừng dừa nước, nghe câu chuyện về làng quê, sông nước, câu chuyện lịch sử, nuôi giấu chiến sĩ cách mạng…
Khảo sát, trải nghiệm các điểm du lịch tại làng mộc Kim Bồng, TP Hội An, nghe giới thiệu lịch sử văn hoá làng nghề, tham quan cơ sở đóng tàu, dệt chiếu, đan giỏ bội, đan thúng chai và làng nghề truyền thống mộc Kim Bồng.
Về làng ngư nghiệp để nghe kể chuyện về bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn; bảo tồn nguồn lợi thủy sản trên sông; trải nghiệm đời sống sông nước của làng chài…
Làng mộc Kim Bồng - Hội An. Ảnh: Báo Văn hóa
Hội thảo và tour du lịch xanh được triển khai với sự tài trợ của Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO). Kể từ năm 2018, Thụy Sỹ có nhiều hoạt động hỗ trợ tỉnh Quảng Nam thúc đẩy phát triển du lịch bền vững với việc tư vấn và hỗ trợ xây dựng Bộ tiêu chí du lịch xanh cũng như phát triển các mô hình và sản phẩm du lịch xanh tại tỉnh.
Trung tâm Thông tin du lịch