Cộng đồng các dân tộc trên vùng đất biên cương Lạng Sơn đã sáng tạo, lưu giữ được nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian phong phú. Trong đó hát then của đồng bào Tày, Nùng là loại hình mang đậm bản sắc văn hóa xứ Lạng, được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Loại hình diễn xướng này đang tiếp tục được bảo tồn, phát huy giá trị và ngày càng lan tỏa với sự đóng góp công sức của các nghệ nhân ở cộng đồng thôn, bản.
Nghệ nhân Nhân dân Hà Mai Ven (ở giữa) biểu diễn hát then, đàn tính tại lễ hội của xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc. (Ảnh Vi Hùng)
Then đã gắn bó lâu đời với đồng bào Tày, Nùng ở Lạng Sơn và nhiều tỉnh miền núi phía bắc, đến nay tiếp tục được gìn giữ trong các cộng đồng thôn, bản. Không ít nghệ nhân và các nhạc sĩ đã sử dụng một số làn điệu then phổ biến để đưa vào những bài dân ca mới hay các tác phẩm âm nhạc.
Những người “giữ lửa” hát then
Để những giai điệu đàn tính và lời then mượt mà vang xa, phải kể tới sự đam mê, tâm huyết của đội ngũ các nghệ nhân ở thôn, bản, phường, xã trên mảnh đất biên cương xứ Lạng đang ngày đêm gìn giữ, trao truyền các làn điệu then đến cộng đồng, nhất là đến giới trẻ. Nghệ nhân Nhân dân hát then Mông Thị Sấm (phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn) là một người như thế. Ở tuổi 86 nhưng bà vẫn miệt mài gìn giữ điệu hát then cổ và truyền dạy then cho nhiều thế hệ học trò.
Không chỉ thông thạo các nghi lễ then thông thường, bà còn là người nắm giữ, thực hành thông thạo các nghi lễ then cấp sắc, thăng sắc, thăng âm binh, thăng ngựa, đại lễ lẩu then... đạt đến cấp cao tột bậc (15 ngựa, 15 dây). Bà thuộc lòng giai điệu bài hát trong từng chương đoạn: dẫn đoàn âm binh đi tàng bốc (đi đường bộ), tàng nặm (đi đường nước), khao binh khao mạ (khao binh, khao ngựa), săn hươu, săn nai, lượn én, chèo thuyền, qua biển...
Những lễ then của bà luôn thu hút rất đông người đến dự khiến cuộc then trở thành buổi giao lưu, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Với mong muốn bảo tồn gìn giữ những bài then cổ, từ năm 1961, bà Mông Thị Sấm đã bắt đầu truyền nghề cho người khác. Học trò của bà có ở khắp các huyện, thành phố trong tỉnh. Trong số các học trò đó, nổi bật có Chu Văn Minh, 24 tuổi, cháu ngoại của bà. Từ nhỏ, Chu Văn Minh đã theo bà đi biểu diễn then ở khắp nơi, vì vậy, dù còn rất trẻ, nhưng các ngón đàn của Minh đã vô cùng điêu luyện, có thể hát chuẩn xác những làn điệu then cổ mà hiện nay còn rất ít người biết.
Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Thủy Tiên, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca tỉnh Lạng Sơn (một nghệ sĩ trưởng thành từ những làn điệu hát then và đàn tính), chia sẻ: “Những lời hát then của nghệ nhân Mông Thị Sấm được mọi người mến mộ, kính trọng, vì bà thuộc lòng các nghi lễ then với hàng nghìn câu then, thông qua các nghi lễ: cấp sắc, lễ cầu mùa, lễ cúng tổ tiên phản ánh cuộc sống tâm linh, tín ngưỡng của người Tày, Nùng..., giúp họ gắn bó say mê với các làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc mình.
Những năm gần đây, với mong muốn những bài then cổ - vốn di sản văn hóa dân tộc quý giá - không bị thất truyền, tôi và bà đã phối hợp sưu tầm, chép lại các bài then cổ thành văn bản để lưu giữ, phục vụ nghiên cứu, truyền dạy cho hội viên các câu lạc bộ hát then thuộc Hội Bảo tồn dân ca của tỉnh”.
Một tên tuổi nữa mà nhiều người yêu thích dân ca xứ Lạng biết tới là Nghệ nhân Nhân dân Hà Mai Ven. Bà là người khởi xướng và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Điếp then, sli ở xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất quê hương của làn điệu hát then, sli của đồng bào Tày, Nùng, tình yêu dân ca trong bà lớn dần theo năm tháng và thôi thúc bà phải bảo tồn những làn điệu hát then, sli truyền thống trước nguy cơ bị mai một.
Vượt qua khó khăn, bà đã nỗ lực duy trì Câu lạc bộ then, sli - nơi tập hợp những thành viên cùng chung niềm đam mê dân ca và mong muốn lan tỏa tình yêu, niềm đam mê ấy đến giới trẻ. Năm 2017, Câu lạc bộ Điếp then, sli ở xã Thụy Hùng chính thức được thành lập với 18 thành viên, đa dạng về độ tuổi (cao tuổi nhất là hơn 50 và nhỏ tuổi nhất mới lên tám). Bảy năm qua, các sự kiện, lễ hội quan trọng của địa phương, huyện và tỉnh đều có các tiết mục tham gia do các “nghệ sĩ chân đất” của Câu lạc bộ trình diễn.
Thành tích nổi bật nhất là tiết mục “Đồng dao” do nghệ nhân Hà Mai Ven dàn dựng và hướng dẫn các thành viên nhỏ tuổi của Câu lạc bộ trình diễn, giành Huy chương vàng trong chương trình “Em yêu quê hương đất nước” (năm 2019) do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức. Câu lạc bộ như một làn gió mới trong việc lan tỏa tình yêu dân ca truyền thống trong cộng đồng... Đến nay, Nghệ nhân Nhân dân Hà Mai Ven đã có hơn 33 năm nỗ lực gìn giữ, truyền dạy các làn điệu then, sli cùng nhiều đóng góp cho công tác nghiên cứu, sưu tầm, cải biên, sáng tác đặt lời hơn 200 bài then, sli...
Tìm hướng bảo tồn bền vững
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Đặng Ân cho biết, các nghệ nhân dân gian nơi thôn, bản, phường, xã đã góp nhiều công lao để then được khôi phục và có một phong trào rộng khắp ở xứ Lạng như hiện nay. Hiện toàn tỉnh Lạng Sơn có 20 câu lạc bộ then và hát dân ca với khoảng 500 hội viên, góp phần thúc đẩy công cuộc bảo tồn và trao truyền các giá trị nghệ thuật diễn xướng dân tộc.
Lạng Sơn tổ chức thường xuyên các hội thi, hội diễn và những sự kiện văn hóa tại các chợ phiên, nhà văn hóa cộng đồng; tôn vinh và nhân rộng phong trào văn nghệ quần chúng nhân các sự kiện kỷ niệm lớn của địa phương, của đất nước để đề cao nghệ thuật diễn xướng dân gian.
Đến nay, phong trào hát then đã dần khôi phục và phát triển ở xứ Lạng, song vẫn còn không ít khó khăn. Công tác bảo tồn và phát huy dân ca, trong đó có hát then vẫn còn hạn chế do việc đầu tư, huy động các nguồn lực cho phong trào hạn hẹp. Nguồn kinh phí dành cho hoạt động văn hóa nói chung, công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật dân tộc chưa đáp ứng yêu cầu. Lực lượng nghệ nhân ngày càng giảm do tuổi cao, trong khi dưới những tác động của nhịp sống hiện đại, một bộ phận lớp trẻ có nguy cơ ngày càng xa rời văn hóa truyền thống của dân tộc.
Điều này đòi hỏi cần những cơ chế, chính sách liên quan đến việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, khuyến khích, ưu đãi và tôn vinh các nghệ nhân, người có công lưu giữ, truyền dạy then, trong đó cần dành một phần kinh phí thỏa đáng, hỗ trợ hoạt động của các nghệ nhân để họ truyền dạy làn điệu then cho thế hệ trẻ và đào tạo người kế nghiệp.
Cách bảo tồn và phát huy giá trị di sản then tối ưu là việc tự gìn giữ, trao truyền, phát huy giá trị trong cộng đồng mà các nghệ nhân ở thôn, bản đã và đang làm; đồng thời hát then cần được đưa vào các chương trình du lịch, để vừa tôn vinh bản sắc xứ Lạng, vừa tạo điều kiện cho then “sống” và phát triển trong không gian cộng đồng.
Năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch số 42 về thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030” với tổng kinh phí lên tới hàng chục tỷ đồng... |
Hùng Tráng và Cao Sơn