Vườn quốc gia Cát Tiên bị đe dọa bởi thuỷ điện

Cập nhật: 10/11/2009
Vườn quốc gia Cát Tiên (nằm ở "tam giác" 3 tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước) là một trong số ít vườn quốc gia của cả nước còn tồn tại những loài thú cực kỳ quý hiếm như: Tê giác một sừng, bò tót...

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc phát triển quá nhiều công trình thuỷ điện trên sông Đồng Nai đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến những quần thể thú rừng quý hiếm còn sót lại trong lâm phần của vườn.

Thuỷ điện tràn lan

Ông Phạm Hữu Khánh - điều phối viên DA Phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên - trao đổi: "Mới đây nhất, Quỹ quốc tế Bảo vệ động vật hoang dã Đan Mạch đã đồng ý tài trợ cho Việt Nam 500.000USD để phát triển du lịch sinh thái, bảo vệ các loài động, thực vật tại VQG Cát Tiên. Một trong những mục tiêu quan trọng của DA là bảo vệ những loài thú quý hiếm hiện có ở VQG Cát Tiên".

Trong khi đó gần đây, một quy hoạch về thuỷ điện trên hệ thống sông Đồng Nai đã được lập và nhiều công trình thuỷ điện theo quy hoạch này đã và đang (hoặc sẽ) được xây dựng. Theo đó, chỉ riêng trên dòng chính của sông Đồng Nai đã có đến 9 công trình thuỷ điện được xây dựng mà theo các nhà thiết kế thuỷ điện là có thể khai thác đến gần 3.000MW.

Lo ngại về sự ảnh hưởng của các công trình thuỷ điện đến công tác bảo tồn của vườn, lãnh đạo VQG Cát Tiên đã phải phát văn bản gửi các cơ quan chức năng nhờ can thiệp, xem xét việc xây dựng các công trình thuỷ điện quá gần khu vực vườn.

Trong số các công trình thuỷ điện mà theo các văn bản này cho là có tác động xấu đến môi trường sống của quần thể động vật rừng tại vườn thì Đức Thành và Đạ Kho là hai công trình thuỷ điện đáng lưu ý nhất. Thuỷ điện Đức Thành chỉ nằm cách ranh giới VQG Cát Tiên khoảng 600m, còn thuỷ điện Đạ Kho chỉ cách Trung tâm Cứu hộ các loài linh trưởng hoang dã của vườn chỉ 500m.

Sự lo ngại của lãnh đạo VQG Cát Tiên không phải là không có cơ sở. Bởi lẽ, khi tiến hành xây dựng các công trình thuỷ điện, sẽ có hàng ngàn tấn thuốc nổ được đưa ra sử dụng, hệ sinh thái rừng ven sông bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hệ ngập nước Bàu Sấu (VQG Cát Tiên) bị xâm hại...

Dấu hiệu "động rừng"

Tê giác một sừng ở Cát Tiên là quần thể tê giác một sừng duy nhất còn sót lại của Việt Nam và là quần thể thứ hai của thế giới hiện nay. Ngoài ra VQG Cát Tiên hiện có khoảng trên dưới 20 đàn bò tót (Bos Gaurus) với tổng số lượng cá thể khoảng 120 con đang sinh sống. Những tác động tiêu cực từ bên ngoài đã và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của quần thể bò tót hoàn hảo nhất của Việt Nam (theo đánh giá của các nhà chuyên môn) này.

Ngay sau khi thông tin phát hiện đàn bò tót ở VQG Cát Tiên của Việt Nam được công bố, Quỹ Bảo vệ môi trường thế giới của Pháp và Cơ quan Phát triển Pháp đã đồng ý hỗ trợ cho Việt Nam 580.000EUR để triển khai dự án bảo tồn loài bò hoang dã tại VQG Cát Tiên.

Vẫn theo thông tin từ VQG Cát Tiên, trong những ngày gần đây (từ trung tuần tháng 10 đến nay), tại khu vực rẫy của người dân thuộc các tiểu khu 387, 388 và 389, có một số đàn bò tót rời nơi cư trú trong rừng và "lang thang" ra ngoài phá hoa màu của dân. Dấu hiệu "rời rừng" của đàn bò tót này quả là điều đáng lo ngại của không riêng lực lượng quản lý và bảo vệ rừng tại VQG Cát Tiên.

Sự bày tỏ những quan ngại về môi trường sống bị tác động không tốt bởi những công trình này của những người có trách nhiệm của VQG Cát Tiên và một số lãnh đạo 3 địa phương Lâm Đồng, Bình Phước và Đồng Nai không phải là không có lý.

Do vậy, tín hiệu về việc xem xét lại quy hoạch để vừa khai thác hợp lý tiềm năng thuỷ điện trên sông Đồng Nai nhưng đồng thời bảo vệ tốt môi trường sống của các quần thể động vật hoang dã ở VQG Cát Tiên được phát đi từ cơ quan chức năng cấp trên đang là điều mong đợi của nhiều người.

Nguồn: Lao động