Vườn quốc gia Tà Đùng (tỉnh Đắk Nông) có giá trị quan trọng trong bảo tồn các loài gen đặc hữu và phòng hộ môi trường. Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực này được tỉnh Đắk Nông chú trọng triển khai.
Vườn quốc gia (VQG) Tà Đùng thuộc địa bàn xã Đắk Som, huyện Đắk Glong với diện tích 20.937,7 ha, trong đó có 16.176,65 ha đất có rừng. Tà Đùng có thảm thực vật rừng rộng lớn với sự đa dạng của các hệ sinh thái và sinh cảnh phù hợp cho sự cư trú, sinh trưởng, phát triển của khu hệ động vật phong phú. Theo kết quả điều tra, VQG Tà Đùng có hơn 1.400 loài thực vật với 89 loài thực vật có nguy cơ bị tuyệt chủng, 59 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam; khoảng 650 loài động vật với 70 loài nguy cấp quý hiếm, 61 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam.
VQG Tà Đùng được xác định là địa điểm bảo tồn quan trọng thuộc khu vực bảo tồn cảnh quan lưu vực sông Đồng Nai, khu vực bảo tồn cảnh quan Nam Trường Sơn, một phần của khu vực chim đặc hữu cao nguyên Đà Lạt - một trong bốn vùng chim đặc hữu của Việt Nam và một trong 222 vùng chim đặc hữu trên toàn thế giới. Do đó, công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, bảo vệ đa dạng sinh học tại khu vực này được đẩy mạnh triển khai.
Vườn quốc gia Tà Đùng (tỉnh Đắk Nông) có giá trị quan trọng trong bảo tồn các loài gen đặc hữu và phòng hộ môi trường sinh thái.
Cùng với giá trị về tài nguyên thiên nhiên, VQG Tà Đùng được đánh giá là điểm đến hấp dẫn, lý tưởng cho khách du lịch. Với khí hậu trong lành, mát mẻ, nhiều nét văn hóa đặc trưng, nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ như: Thác Granite (là một trong những điểm thuộc Di sản Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông); thác mặt trời, suối Đắk Rteng, Đắk Plao...
Hạt Kiểm lâm VQG Tà Đùng cho biết, công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân là do địa bàn rộng, địa hình phức tạp, chia cắt, dân di cư ngoài quy hoạch diễn biến phức tạp có nguy cơ tác động đến công tác bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học bất cứ lúc nào. Mặt khác, hiện nay vẫn còn một bộ phận người dân có lịch sử canh tác lâu đời đang sinh sống trong vùng lõi rất khó quản lý, có nguy cơ tác động đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học từ việc săn bắn, khai thác các sản vật rừng.
Thời gian qua, để thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý phòng cháy rừng, phòng chống tội phạm đa dạng sinh học, Ban quản lý VQG Tà Đùng đã thành lập các tổ khoán rừng với lực lượng nòng cốt là cộng đồng người dân tộc ở hai vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng. Các tổ khoán rừng cùng với cán bộ của Vườn, lực lượng kiểm lâm thường xuyên tuần tra phòng cháy rừng, phát hiện các đối tượng săn bắt động vật trái phép. Ngoài ra, tổ khoán rừng còn tích cực cùng với kiểm lâm, ban quản lý vườn tham gia phòng chống các hoạt động vi phạm đến môi trường rừng như săn bẫy động vật, phá rừng làm nương rẫy, vi phạm vào diện tích đất rừng. Các hộ nhận khoán chia tổ, phân công lịch tuần tra rất rõ ràng, mỗi hộ tham gia tuần tra 3 - 4 lần/tháng.
Cộng đồng dân cư như buôn B'Tổng, xã Đắk P'Lao, huyện Đắk Glong trong những năm qua đã tích cực triển khai các giải pháp bảo vệ rừng tại khu vực VQG. Cả buôn chia làm 5 tổ để luân phiên nhau đi tuần tra. Theo người dân địa phương, trước đó bà con cắt cử để trông coi rừng. Mấy năm nay thì hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng với Nhà nước, mỗi tháng được hỗ trợ mấy trăm nghìn, có thêm thu nhập ngoài làm rẫy. Từ khi nhận công việc này, trách nhiệm của người dân buôn B'Tổng đối với khu rừng ngày càng cao.
Ngoài chi trả kinh phí giao khoán rừng, Ban quản lý VQG Tà Đùng còn thuê nhân công là các hộ dân sinh sống quanh phần đệm làm việc cho Vườn, giúp họ có thêm việc làm, kinh tế cải thiện. Mọi người tích cực tham gia vào công tác bảo vệ rừng, phòng chống nạn săn bắn, mua bán động vật hoang dã. Người dân tham gia vào quản lý, trồng rừng bảo vệ rừng còn được trang bị thêm kiến thức về bảo tồn đa dạng sinh học.
VQG Tà Đùng đang giao khoán bảo vệ hơn 3.000 ha rừng cho 153 hộ dân người dân tộc thiểu số sinh sống tại các xã Đắk Som, Đắk R’măng (Đắk Glong, Đắk Nông) và xã Phi Liêng, Đạ K’Nàng (Đam Rông, Lâm Đồng). Phương án khoán bảo vệ rừng giai đoạn 2021 - 2025 đã góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho các hộ gia đình sống trong vùng đệm của VQG với mức thu nhập hơn 12 triệu đồng/năm.
Công tác bảo vệ, phát triển rừng được đẩy mạnh triển khai tại VQG Tà Đùng.
Thời gian qua, Ban Quản lý VQG Tà Đùng đẩy mạnh công tác tuyên truyền quản lý bảo vệ rừng, lợi ích của rừng, phổ biến Luật Lâm nghiệp cho người dân sinh sống chung quanh Vườn quốc gia. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các Trường đại học và tổ chức trong nước như: Đại học Lâm nghiệp; Đại học Tây Nguyên; Trung tâm nhiệt đới Việt Nga; Viện Sinh học Nhiệt đới; Viện Sinh thái rừng… thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học tại Vườn quốc gia như điều tra cây gỗ lớn tại VQG Tà Đùng, điều tra khu hệ nấm… góp phần từng bước ổn định cơ sở dữ liệu về bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG Tà Đùng.
Cùng với đó, đơn vị cũng được sự quan tâm của chính quyền địa phương, giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức đối tác trong lĩnh vực lâm nghiệp nên công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học tại đơn vị luôn được bảo đảm, luôn hài hòa giữa nhiệm bảo tồn thiên nhiên gắn với hỗ trợ người dân dân phát triển sinh kế bền vững.
Không chỉ có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, VQG Tà Đùng có khoảng 36 dân tộc cùng sinh sống. Các cộng đồng này còn lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc. Văn hóa truyền thống và nơi sinh sống của các dân tộc sẽ tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo đặc trưng tại VQG Tà Đùng… Để phát triển du lịch sinh thái gắn với quản lý bảo vệ rừng bền vững, tỉnh Đắk Nông đã Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát triển bền vững VQG Tà Đùng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, quy hoạch nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng tốt tiềm năng, thế mạnh của VQG Tà Đùng.
Cụ thể, tỉnh sẽ xây dựng các loại hình du lịch để khai thác hiệu quả các tiềm năng như: du lịch sinh thái, nghiên cứu đa dạng sinh học, du lịch thể thao mạo hiểm, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí gắn với cảnh quan. Sản phẩm du lịch ở VQG Tà Đùng gắn với nghiên cứu, khám phá văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh sẽ triển khai quy hoạch, xây dựng Khu phức hợp du lịch - nghỉ dưỡng - sân golf Tà Đùng. Khu phức hợp có quy mô lớn, với nhiều loại hình du lịch.
Các sản phẩm du lịch bảo đảm phát huy, khôi phục các giá trị sinh thái tự nhiên sẽ được tỉnh chú trọng. Trong đó, tỉnh bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy vai trò trụ cột của hệ thống rừng. Mục tiêu của tỉnh đưa VQG Tà Đùng là sớm trở thành trung tâm du lịch lớn nhất Đắk Nông. Mục tiêu của VQG Tà Đùng trong thời gian tới là vừa quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả, vừa bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp du lịch sinh thái bền vững. Với hệ sinh thái rộng lớn, đặc thù, tính đa dạng sinh học cao, nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật, VQG Tà Đùng mong muốn sớm biến những lợi thế, tiềm năng này thành các sản phẩm phục vụ du lịch qua đó không những phát huy hiệu quả giá trị tài nguyên mà góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.
P. Vui