Cao Bằng: Chung tay bảo vệ và phát huy các giá trị di sản, phát triển bền vững

Cập nhật: 17/09/2024
Với chủ đề “Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng Công viên địa chất (CVĐC)”, Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới CVĐC Toàn cầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APGN-8) năm 2024 tổ chức tại Cao Bằng đã diễn ra thành công, để lại những dấu ấn tốt đẹp và tiếp tục mở ra nhiều hướng hợp tác mới trong mạng lưới các CVĐC trong khu vực và toàn thế giới.

Thành tựu 20 năm mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO

Non nước Cao Bằng được biết đến với nhiều danh lam thắng cảnh cùng kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, các di sản địa chất độc đáo có giá trị; nơi lưu giữ những minh chứng tuyệt vời cho sự tiến hóa và thay đổi trên 500 triệu năm của trái đất. Cao Bằng là địa phương thứ 2 tại Việt Nam chính thức trở thành thành viên của mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO (GGN) và mạng lưới GGN khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ tháng 4/2018. Mang trong mình những giá trị đặc sắc, riêng biệt so với các CVĐC toàn cầu khác, những năm qua, Cao Bằng luôn kiên định mục tiêu phát triển CVĐC toàn cầu gắn với bảo tồn các giá trị di sản, tài nguyên môi trường, bảo tồn nghề truyền thống, phát triển du lịch bền vững và giáo dục thế hệ tương lai, phát triển mạng lưới đối tác, chung tay vì cộng đồng phát triển vững mạnh. Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tích cực đồng hành và hỗ trợ Cao Bằng nói riêng và các địa phương Việt Nam nói chung trên chặng đường bảo tồn và phát huy giá trị của các danh hiệu được UNESCO công nhận.

Hai năm một lần, Hội nghị được tổ chức luân phiên tại một quốc gia tiêu biểu trong khu vực với mục tiêu chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm về xây dựng, phát triển danh hiệu CVĐC. Trước những đóng góp tích cực của CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng trong mạng lưới, tỉnh Cao Bằng vinh dự, tự hào được trao quyền đăng cai Hội nghị APGN-8 và chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trong công tác chuẩn bị tổ chức hội nghị với chuỗi các hoạt động trong khuôn khổ và hoạt động bên lề.

Ban điều hành Mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO trao chứng nhận, tôn vinh những cá nhân có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO.

Một điểm nhấn đặc biệt trong khuôn khổ Hội nghị APGN-8 là chương trình Kỷ niệm 20 năm thành lập GGN (2004 - 2024). Từ một sáng kiến ban đầu của các nhà địa chất, Đại hội đồng UNESCO đã đề ra sáng kiến xây dựng mạng lưới toàn cầu các di sản địa chất nhằm đẩy mạnh việc bảo vệ các di sản địa chất trên thế giới, nâng cao giá trị của khoa học địa chất trong cộng đồng, đồng thời tôn trọng, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa cộng đồng các dân tộc… nhằm tạo thêm cơ hội việc làm và tìm kiếm các hướng phát triển kinh tế mới cho địa phương. GGN ban đầu chỉ có 25 thành viên, đến tháng 9/2024 đã có 228 CVĐC ở 48 quốc gia của 5 châu lục và đạt được nhiều thành tựu với những dấu ấn quan trọng; trong đó Việt Nam có 4 CVĐC toàn cầu: Hà Giang, Cao Bằng, Đắc Nông, Lạng Sơn. Quá trình phát triển mạng lưới hợp tác giữa các CVĐC toàn cầu lan tỏa khắp các châu lục và được UNESCO triển khai xây dựng nhiều chương trình, hành động nhiều ý nghĩa nhân văn. 

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị nhấn mạnh: Chúng ta tự hào về những đóng góp thiết thực của GGN trong việc tăng cường gắn kết, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản địa chất gắn với đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa, vì phát triển của cộng đồng, sinh kế của người dân và phát triển bền vững ở khu vực và toàn cầu. Chia sẻ thông điệp của Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay nhân Ngày quốc tế về đa dạng địa chất: “Hiểu biết về địa chất giúp chúng ta khám phá quá khứ, sẵn sàng cho tương lai bất định và quản lý bền vững đất đai, sông ngòi, đại dương để ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời di sản địa chất và đa dạng sinh học đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng và là nền tảng cho quá trình chuyển đổi xanh, vừa góp phần xóa đói giảm nghèo vừa giảm thiểu thiên tai”, 

Đồng hành bảo vệ và phát huy giá trị di sản, thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc cho biết: Di sản CVĐC toàn cầu là tài sản vô giá của loài người, hoạt động của mạng lưới CVĐC toàn cầu góp phần tích cực vào bảo vệ trái đất và nhân loại cho hành tinh. Cao Bằng chọn mô hình CVĐC là hướng đi đúng đắn và đã làm tốt các khuyến nghị của mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO theo hướng bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình di sản để phát triển du lịch bền vững, bảo vệ tài nguyên môi trường, phát triển kinh tế xanh. Hội nghị APGN-8 là sự kiện, diễn đàn quan trọng để các thành viên của GGN khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các nhà nghiên cứu, quản lý, các học giả từ các nước thành viên có cơ hội được gặp gỡ, kết nối, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm để không ngừng hoàn thiện công tác xây dựng, vận hành và phát huy vai trò CVĐC toàn cầu gắn với các mục tiêu phát triển bền vững.

Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương với sự tham dự của trên 800 đại biểu trong nước và quốc tế.

Trong khuôn khổ Hội nghị APGN-8 đã diễn ra các cuộc họp của hội đồng CVĐC toàn cầu để đánh giá các hồ sơ thẩm định và tái thẩm định, cuộc họp của ban điều phối và ban cố vấn của GGN khu vực châu Á - Thái Bình Dương; các phiên hội thảo chuyên đề khoa học với hơn 160 bài tham luận của các nhà khoa học, nghiên cứu, quản lý, các học giả... mang nhiều thông tin, tư liệu quý, kinh nghiệm xoay quanh các chủ đề đa dạng từ giá trị di sản địa chất, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tới các hoạt động của CVĐC toàn cầu gắn với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc theo chương trình Nghị sự 2030. 

Tại hội nghị, các cuộc thảo luận, diễn đàn nhấn mạnh đến việc hoạch định chính sách, đẩy mạnh hoạt động giáo dục về bảo vệ môi trường, sự tham gia tích cực của lực lượng thanh niên, lao động trẻ, nâng cao năng lực của cộng đồng trong ứng phó với tác động tiêu cực biến đổi khí hậu, vừa giúp tận dụng cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại nhằm tạo nên một thế giới an toàn hơn cho nhân loại và các thế hệ tương lai. Nhiều biên bản, thỏa thuận hợp tác giữa các CVĐC toàn cầu đã được ký kết nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác nhiều bên, hợp tác quốc tế lâu dài và bền vững trong một số lĩnh vực vì lợi ích và quan tâm chung của các CVĐC thành viên của mạng lưới nhằm tăng cường công tác quản lý, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị CVĐC gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ trái đất - ngôi nhà chung của nhân loại.

Định vị CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng trên bản đồ di sản thế giới

Ông Nickolas Zouro, Chủ tịch GGN khẳng định: CVĐC Toàn cầu Non nước Cao Bằng là mô hình tiêu biểu trong ứng dụng những sáng kiến, kinh nghiệm của GGN và tổ chức UNESCO trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, gắn kết xã hội, bảo vệ môi trường, động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, nâng cao sinh kế của người dân. 

Hội nghị APGN-8 là dịp để Cao Bằng tiếp tục học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng và phát huy giá trị mô hình CVĐC với các nước trên thế giới; là cơ hội xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Cao Bằng, tiềm năng du lịch, miền đất và con người Cao Bằng nói riêng và các CVĐC của Việt Nam tới đại biểu trong nước, đặc biệt là đại biểu quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, khát vọng tạo thương hiệu du lịch Cao Bằng. Qua đó, cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương, chương trình hành động của tỉnh, mở ra cho du lịch Cao Bằng nhiều cơ hội mới, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đột phá, từng bước vững chắc hướng tới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. 

Trong hành trình đến với Non nước Cao Bằng có nền văn hóa đậm đà bản sắc mang dấu ấn riêng, các đại biểu đã có những trải nhiệm tuyệt vời, những phút giây hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên, khám phá các di sản địa chất trên những tuyến du lịch trong vùng CVĐC và gặp gỡ những người dân bản địa thân thiện, nồng hậu, mến khách... Đến từ CVĐC toàn cầu Ngorongoro Lengai (Tanzania) xa xôi - nơi có miệng núi lửa Ngorongoro, với sự đa dạng về động vật hoang dã, bà Agness OnnaGianda bày tỏ: Thật tuyệt vời khi tôi được đến Cao Bằng và gặp gỡ những vị khách đặc biệt từ các quốc gia. Tôi đã tìm hiểu nhiều thông tin và rất ấn tượng về các vùng CVĐC của Việt Nam, nhất là CVĐC Non nước Cao Bằng. Khi đặt chân đến và được trải nghiệm, thực sự vượt xa trí tưởng tượng và mong đợi của tôi bởi quá tuyệt đẹp, con người nơi đây thật gần gũi, sống chan hòa với thiên nhiên và đặc biệt là những giá trị văn hóa bản địa được lưu giữ. 

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và các đại biểu thưởng thức di sản văn hóa phi vật thể hát Then - đàn tính tại không gian văn hóa các dân tộc tỉnh Cao Bằng.

Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Khoa học Tự nhiên Lidia Brito đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Cao Bằng để tổ chức hội nghị trong bối cảnh đang phải tập trung khắc phục những tổn hại nghiêm trọng từ siêu bão Yagi và mưa lũ sau bão. Bà chia sẻ về vai trò đặc biệt quan trọng của lực lượng thanh niên, những người trẻ đối với sự phát triển chung của toàn cầu cũng như trong thực hiện các chiến lược, chính sách phát triển của mỗi quốc gia. Hy vọng, mô hình CVĐC Toàn cầu Non nước Cao Bằng tiếp tục là một nguồn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, phát triển bền vững của tỉnh. UNESCO cam kết tiếp tục đồng hành chặt chẽ, hỗ trợ Việt Nam, hỗ trợ Cao Bằng để thúc đẩy tiến trình này trong tương lai.

Tuyên bố Cao Bằng được đưa ra trong phiên bế mạc Hội nghị APGN-8 đã khẳng định sự thành công của hội nghị, lan tỏa thông điệp “Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng CVĐC”. Những kết quả đạt được từ Hội nghị APGN-8 là bước chuẩn bị quan trọng cho định hướng hợp tác về CVĐC chất toàn cầu sẽ đệ trình lên Kỳ họp 220 Hội đồng chấp hành, Hội nghị Thượng đỉnh tương lai cũng như Kỳ họp 42 Đại hội đồng UNESCO vào năm 2025. Qua việc tổ chức thành công hội nghị là minh chứng rõ rệt khẳng định việc hiện thực hóa những cam kết mạnh mẽ của CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng đối với mạng lưới cũng như thể hiện quyết tâm cao tiếp tục thực hiện sứ mệnh của danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO, chung tay vì sự phát triển bền vững của đất nước, khu vực, toàn cầu và các thế hệ tương lai.

Bảo Bình

Nguồn: Báo Cao Bằng - baocaobang.vn - Đăng ngày 16/9/2024