Có tiềm năng lớn, nhưng để du lịch Hà Nội trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mà vẫn bảo tồn và duy trì tính nguyên vẹn của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo môi trường trong sạch… thì hướng đi tất yếu phải nghiên cứu, ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn.
Hà Nội đã triển khai mô hình du lịch không khói thuốc ở 30 điểm du lịch, di tích lịch sử văn hóa tại quận Hoàn Kiếm như: Đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, chùa Quán Sứ, chùa Bà Đá...
Khai thác, song hành bảo tồn tài nguyên du lịch
Ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong phát triển du lịch bền vững nhằm đạt được sự cân bằng tốt hơn giữa con người, môi trường và tăng trưởng kinh tế trong suốt quá trình tổ chức hoạt động du lịch; hạn chế một số vấn đề liên quan đến tiêu thụ quá mức, cạn kiệt tài nguyên mà ngành du lịch sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp. Đồng thời, hướng phát triển này sẽ khuyến khích việc tái sử dụng và sửa chữa sản phẩm được tái chế hoặc tái sử dụng phục vụ cho các hoạt động du lịch một cách trực tiếp hoặc gián tiếp để giảm chất thải ra môi trường và thúc đẩy tiết kiệm năng lượng…
Đây là hướng đi phù hợp, được ưu tiên lựa chọn để góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Hà Nội và bảo đảm sự phát triển bền vững trên cơ sở tận dụng ưu điểm của mô kinh tế tuần hoàn. Phát triển kinh tế tuần hoàn nói chung, kinh tế tuần hoàn trong du lịch nói riêng không những mang lại những lợi ích cho thành phố Hà Nội, mà còn đem lại những lợi ích của quốc gia và ở cấp độ toàn cầu.
Với tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển du lịch, trong những năm qua, các địa phương, doanh nghiệp du lịch của Hà Nội đã chủ động áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, áp dụng các giải pháp sản xuất sạch nhằm giảm mức phát sinh chất thải, tiêu thụ nguyên vật liệu, năng lượng và nước, tiết kiệm chi phí sản xuất. Kinh tế tuần hoàn đã được áp dụng hầu hết trong các lĩnh vực cụ thể của du lịch, bao gồm: kinh tế tuần hoàn trong du lịch nông nghiệp và nông thôn; du lịch đô thị, du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực; khách sạn và du khách…
Thành phố cũng kiến tạo môi trường phát triển mạng lưới bền vững cao cấp áp dụng công nghệ có hàm lượng tri thức cao, các hoạt động xuất nhập khẩu, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống; bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội.
Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, từ năm 2019, Hà Nội đã triển khai mô hình du lịch không khói thuốc ở 30 điểm du lịch, di tích lịch sử văn hóa tại quận Hoàn Kiếm như: Đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, chùa Quán Sứ, chùa Bà Đá… Đây là các điểm đến có đông khách du lịch tham quan, vì thế đã nhanh chóng tạo được dấu ấn về một Hà Nội xanh - sạch - đẹp - thân thiện và văn minh.
Bên cạnh đó, nhiều khu du lịch trên địa bàn Hà Nội đã sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể về năng lượng, chính sách an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.
Mô hình du lịch kết hợp nông nghiệp sinh thái phát triển mạnh ở Hà Nội.
Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu, tuy nhiên, tình trạng gia tăng lượng rác thải nhựa hàng ngày từ hoạt động du lịch vẫn còn nhức nhối. Hiện tượng “tiện đâu xả rác đấy” ở nhiều điểm du lịch trên địa bàn TP vẫn còn tồn tại. Trong khi đó, việc xử lý chất thải rắn trong quá trình vận hành hoạt động du lịch ở Hà Nội còn chưa hiệu quả.
Mặt khác, nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi sang phát triển kinh tế tuần hoàn ở thành phố Hà Nội vẫn còn thiếu và yếu. Tỷ lệ lao động chưa được đào tạo chuyên môn sâu còn cao, cơ cấu lao động chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Hoàn thiện thể chế, chính sách về kinh tế, du lịch tuần hoàn
Thực tế hiện nay nhận thức về ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong phát triển du lịch của cộng đồng chưa cao; sự vào cuộc của chính quyền ở một số quận, huyện vẫn còn chưa thật sự quyết liệt. Không ít DN kinh doanh du lịch trên địa bàn Hà Nội vẫn còn ngại chuyển đổi sang kinh doanh tuần hoàn. Quy định về kinh tế tuần hoàn trong phát triển du lịch chưa được hoàn thiện.
Hà Nội có tiềm năng lớn phát triển du lịch.
Do đó, để đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng tuần hoàn, trước hết thành phố cần hoàn thiện thể chế, chính sách kinh tế tuần hoàn trong phát triển du lịch bền vững. Tăng cường ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp du lịch ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn theo hướng đánh thuế cao với những loại năng lượng không thể tái tạo để thu hút các nhà sản xuất sử dụng sản phẩm và năng lượng có thể tái tạo.
Tiếp đến, cần xây dựng mô hình kinh doanh tuần hoàn trong du lịch, phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch bền vững dựa trên nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu vào, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là xử lý rác thải để tái tạo nguyên liệu mới.
Chiến lược kinh doanh tuần hoàn trong du lịch ở thành phố Hà Nội cần quy định lộ trình thay thế sản phẩm sử dụng nguyên liệu nguy hại đến môi trường, thay bằng sản phẩm sử dụng nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều lần, kéo dài thời gian sử dụng hữu ích của sản phẩm, đồng thời sử dụng các nguyên liệu tái chế hoặc các nguồn tài nguyên tái tạo để sản xuất các sản phẩm và dịch vụ du lịch.
Điều chỉnh quy hoạch năng lượng ở Thành phố theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch; kiểm soát, thu hút có chọn lọc dự án đầu tư trên cơ sở xem xét các yếu tố về quy mô sản xuất, công nghệ, kỹ thuật môi trường và vị trí thực hiện dự án.
Để làm được việc này, Sở Du lịch Hà Nội cần phát huy vai trò trong việc dự thảo kế hoạch ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong phát triển du lịch; tổ chức thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án đã được phê duyệt; thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến, giáo dục, theo dõi thực hiện thuộc phạm vi quản lý của mình. Còn phía Hiệp hội Du lịch Hà Nội phải là chỗ dựa cho các doanh nghiệp, làm cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý… góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho các hội viên.
Song song với đó, phải tận dụng triệt để sự phát triển công nghệ, kinh tế số và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong phát triển du lịch bền vững ở Hà Nội. Thành phố cần có định hướng cụ thể về công nghệ xử lý chất thải; lựa chọn công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, phù hợp với thực tế của Hà Nội; triển khai nhân rộng các mô hình sử dụng hiệu quả công nghệ trong phát triển du lịch bền vững để các địa phương trong Thành phố nghiên cứu, thống nhất áp dụng, tránh đầu tư lãng phí.
Công tác truyền thông trong phát triển du lịch bền vững cũng được đặt lên hàng đầu. Theo đó, cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, chính quyền địa phương và đơn vị kinh doanh du lịch theo hướng tuần hoàn; nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất và du khách về trách nhiệm của họ đối với các sản phẩm trong suốt vòng đời của chúng. Bên cạnh đó, Thành phố cần tích cực tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn về kinh tế tuần hoàn trong phát triển du lịch cho các đơn vị kinh doanh du lịch, người dân ở các địa phương trong thành phố. Hỗ trợ và thu hút nhân tài của Thành phố sau khi học tập, trở về làm việc trong lĩnh vực du lịch của Hà Nội.
TS. Nguyễn Đức Toàn - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền