"Đà Nẵng cần ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; khai thác có hiệu quả các khu công nghệ thông tin tập trung, khu công viên phần mềm để thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin" - Nghị quyết Chương trình hành động của Chính phủ về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ.
Theo đó, thực hiện Kết luận số 79-KL/TW ngày 13/5/2024 của Bộ Chính trị, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 169/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu hoàn thiện thể chế; xác định tư duy, tầm nhìn chiến lược, khát vọng phát triển thành phố Đà Nẵng. Cụ thể, tập trung rà soát toàn diện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong triển khai thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị; nghiên cứu, đề xuất việc hoàn thiện thể chế, ban hành các cơ chế, chính sách, xác định tư duy, tầm nhìn chiến lược, khát vọng phát triển; nhận diện đầy đủ, chính xác các tiềm năng, lợi thế, dư địa, tạo ra không gian, động lực phát triển mới; nghiên cứu có giải pháp đột phá, khả thi, phù hợp, giải quyết dứt điểm các hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra; quyết liệt, trách nhiệm hơn trong tổ chức thực hiện, kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ.
Đổi mới tư duy, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển, quyết tâm vươn lên, khắc phục khó khăn, tạo sức bật mới nhằm phát triển Đà Nẵng xứng đáng với vai trò là trung tâm và là đầu tầu, dẫn dắt của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Phát huy cao độ truyền thống lịch sử, văn hóa, tiềm năng, thế mạnh về con người và tài nguyên thiên nhiên để xây dựng Đà Nẵng phát triển toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đà Nẵng - đầu tàu kinh tế khu vực miền Trung. Ảnh minh họa.
Nghị quyết 169/NQ-CP xác định nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực chính, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Theo đó, Đà Nẵng cần triển khai hiệu quả chuyển đổi số để phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất mới, y tế, giáo dục. Tiếp tục phát triển các dịch vụ đô thị thông minh, sàn giao dịch thương mại điện tử. Tập trung đầu tư phát triển các lĩnh vực mũi nhọn của thành phố; có cơ chế, chính sách đặc thù nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh hợp tác công - tư (PPP), thu hút nhà đầu tư chiến lược trong nước và quốc tế. Xây dựng và phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, đô thị biển quốc tế, đô thị du lịch lớn gắn với kinh tế biển; là trung tâm nghề cá hiện đại gắn với ngư trường Hoàng Sa và bảo vệ an ninh chủ quyền biển, đảo. Thành phố Đà Nẵng phối hợp với Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; khai thác có hiệu quả các khu công nghệ thông tin tập trung, khu công viên phần mềm để thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và vi mạch bán dẫn. Phát triển mới trạm cập bờ cáp quang biển; đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu quy mô quốc gia. Xây dựng và phát triển khu công nghệ cao và thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.
Đầu tư phát triển văn hóa, con người đồng bộ, ngang tầm với phát triển kinh tế, đưa hình ảnh Đà Nẵng văn minh, đậm đà bản sắc dân tộc đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Xây dựng "nếp sống văn hóa - văn minh đô thị", phát triển con người Đà Nẵng toàn diện, tuân thủ pháp luật, hội nhập quốc tế và có giá trị bản sắc riêng. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, các di tích, danh lam, thắng cảnh gắn với phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí.
Đầu tư hoàn thiện mạng lưới y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, nhất là chăm sóc sức khỏe chuyên sâu, dịch vụ y tế chất lượng cao và mô hình kết hợp giữa du lịch và khám, chữa bệnh. Quản lý, khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên rừng, biển, đất đai. Xây dựng kế hoạch hành động của địa phương nhằm triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Trước đó, ngày 2/11/2023, Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch Thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại Quy hoạch này, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030, về kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,5-10%/năm và phấn đấu đạt 12%/năm theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị, trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp - thủy sản tăng 2,5-3%; công nghiệp - xây dựng tăng 10-10,5% (công nghiệp tăng 11,5-12%); dịch vụ tăng 9,5-10%. Cơ cấu kinh tế: nông, lâm nghiệp - thủy sản chiếm khoảng 1-2%; công nghiệp - xây dựng khoảng 29-30%; dịch vụ khoảng 61-62%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 8-9%. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 8.000-8.500 USD.
Để hoàn thành các mục tiêu nêu trên, Đà Nẵng đề ra 7 nhiệm vụ trong tâm. Cụ thể: Tái cơ cấu và xây dựng mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển đổi thích nghi và phù hợp với giai đoạn phát triển mới, thu hút nguồn lực, điều chỉnh cơ cấu đầu tư phù hợp, nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tạo nền tảng nâng cao tính tự chủ và khả năng chống chịu với các tác động từ bên ngoài;
Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin được định hướng là một trong 3 trụ cột trong thời kỳ mới của nền kinh tế Đà Nẵng; Phát huy nội lực và lợi thế vị trí địa lý để phát triển các ngành dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ du lịch và dịch vụ vận tải, kho bãi; đến năm 2030, đưa Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm du lịch, vận tải và logistics, cảng biển của cả nước;
Tập trung phát triển Đà Nẵng thành Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực, hình thành Khu phi thuế quan, khu thương mại tự do, phát triển dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, y tế, giáo dục - đào tạo chất lượng cao; Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; Quy hoạch phát triển đô thị dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế và nguyên tắc phát triển của một đô thị hiện đại; Đảm bảo sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nước, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hoài An