Nhiều năm thương nhớ nét xưa cũ của Hà Nội, nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn đã dành nhiều công sức và tâm sức, bền bỉ thực hiện những dự án nghệ thuật công cộng cho Thủ đô. Gắn với cây cầu Long Biên trăm tuổi bắc qua sông Hồng, ga Long Biên là nơi lưu giữ ký ức của người dân Hà Nội những thế kỷ trước, mới đây đã được phục dựng lại bởi nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn cùng nhóm họa sĩ Vũ Xuân Đông, Cấn Văn Ân và các cộng sự.
Mảnh ghép kết nối ký ức về Hà Nội
Cùng với cầu Long Biên lịch sử, nhà ga Long Biên đến nay đã hiện diện trong đời sống của người dân Hà Nội hơn 3 thế kỷ.
Không chỉ là đầu mối quan trọng kết nối các tỉnh, thành ở phía Bắc, ga Long Biên còn đóng vai trò trong sự chuyển mình của Hà Nội.
Bức tranh 3D tái hiện hình ảnh đầu tàu tại Ga Long Biên đã đưa khách tham quan vào một “cuộc chơi thị giác”.
Ga Long Biên trước đây còn có tên gọi là Ga Đầu Cầu, được đưa vào hoạt động từ năm 1902, là một trong số ít các công trình kiến trúc trên một trăm năm tuổi của Thủ đô Hà Nội.
Câu chuyện về ga Long Biên còn gắn liền với phố Gầm Cầu, nơi người dân tập trung buôn bán, trao đổi hàng hóa và Chợ Gạo (nay là phố Chợ Gạo), là khu chợ chuyên doanh về gạo thóc, nơi đây nhanh chóng trở thành địa điểm giao thương tấp nập và hòa nhập với đời sống của người dân.
Việc nâng cấp hệ thống hạ tầng đã đánh dấu bước phát triển của Hà Nội, từ thành thị sang đô thị hiện đại và đưa Hà Nội lúc bấy giờ trở thành Thủ đô của ba nước Đông Dương.
Từ chất liệu của đời sống và không gian lịch sử, dự án nghệ thuật công cộng tại Ga Long Biên mong muốn đánh thức ký ức của cộng đồng, nhắc nhớ người dân địa phương và khách tham quan về Hà Nội của nhiều năm về trước.
Một cô gánh hàng rong xuất hiện trong không gian nghệ thuật công cộng Ga Long Biên, tạo ra sự giao thoa đầy thú vị giữa nghệ thuật và hiện thực cuộc sống. Ảnh: Nguyễn Quốc Vương
“Câu chuyện của Ga Long Biên là một mảnh ghép rất quan trọng để hoàn thiện bức tranh tổng thể về Hà Nội, nối liền với dự án nghệ thuật ở phố bích họa Phùng Hưng và vườn hoa Cửa Nam. Những câu chuyện đó góp phần mang nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, đồng thời mở rộng không gian công cộng ở Hà Nội.
Đặc biệt, nghệ thuật ở đây không chỉ có vai trò làm đẹp thuần túy mà còn tạo ra những đối thoại về văn hóa, lịch sử. Đồng thời, gợi nhớ cho chính cộng đồng cư dân sinh sống ở thành phố này, đặc biệt là thế hệ trẻ có cơ hội được thấy ký ức của dân tộc vẫn đang chảy trong đời sống đương đại”, giám tuyển nghệ thuật Nguyễn Thế Sơn chia sẻ thông điệp muốn truyền tải qua dự án.
Mang nghệ thuật vào cuộc sống
Ở một khúc cong của ngôi nhà gần lối lên xuống cầu thang phía sau ga Long Biên, tác phẩm tranh 3D khổ lớn của nhóm họa sĩ trẻ Cấn Văn Ân đã tạo ấn tượng thị giác mạnh tới du khách với hình ảnh đầu tàu như đang đâm xuyên qua bức tường, kết hợp với tranh vẽ bánh xe lửa trên những bậc cầu thang, qua đó mang đến trải nghiệm siêu thực giữa đời thường.
Trong không gian của dự án, cụm tác phẩm sắp đặt ánh sáng đến từ những chiếc đèn lồng khổ lớn của họa sĩ Vũ Xuân Đông đã khắc họa hình ảnh những chiếc đèn hiệu hỏa xa từ thời trước đây mà nhân viên nhà ga chuyên dùng. Tác phẩm được trang trí bởi họa tiết cách điệu từ vân mây và khói tàu, được làm bằng nhựa composite trong suốt trong khoảng thời gian một tháng.
Những chiếc đèn lồng lấy cảm hứng từ đèn hiệu hỏa xa trước đây được trang trí bởi họa tiết cách điệu từ vân mây và khói tàu.
Trên nền của bức tranh nghệ thuật công cộng ấy, cụm tác phẩm điêu khắc của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn với tạo hình về những người buôn gánh bán bưng như gọi dậy không gian sinh hoạt cộng đồng cư dân tại khu nhà ga Long Biên lịch sử. Sử dụng chất liệu sắt tấm kết hợp với inox gương và tương tác trên bức tường đá xưa, dáng dấp của những cư dân thành thị lúc ẩn khi hiện trong không gian của nhà ga cổ kính, gợi sự tấp nập và khẳng định vai trò của cộng đồng những người dân lao động trong việc xây dựng và bồi đắp nên sự phát triển của nơi này.
Cụm tác phẩm điêu khắc của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn với tạo hình về những người buôn gánh bán bưng.
Vừa ngắm nhìn bức tranh 3D vẽ đầu tàu, cô Nguyễn Thị Thương (53 tuổi, Hải Phòng) chia sẻ: “Nhân dịp 20/10, tôi cùng gia đình ra thăm Hà Nội. Thật sự tôi rất ngạc nhiên với những công trình công cộng như thế này, cả bên phố Phùng Hưng và cầu đi bộ Trần Nhật Duật. Nó đem lại cho tôi những trải nghiệm thú vị về phần nhìn để tôi muốn nghe thêm và tìm hiểu sâu hơn những giá trị ẩn chứa trong đó. Tôi mong có thể nhìn thấy những bức tranh như vậy trên khắp các tuyến phố của Hà Nội, điều đó như một dấu ấn riêng của nơi này và những thông tin liên quan đến lịch sử cũng cần thiết đối với thế hệ trẻ và khách du lịch như tôi”.
Không gian nghệ thuật công cộng Ga Long Biên được nhóm họa sĩ mang đến một diện mạo mới trên nền không gian cũ của phố phường Hà Nội. Với mong muốn kéo gần khoảng cách giữa nghệ thuật với đời sống cộng đồng, dự án như là một nỗ lực tiếp theo của quận Hoàn Kiếm trong việc kết nối các bên liên quan để cùng chung sức, đồng lòng, xây dựng thêm nhiều không gian nghệ thuật công cộng gắn liền với câu chuyện về bản thân nơi chốn ấy.
Không chỉ ga Long Biên mà những dự án nghệ thuật công cộng nói chung của giám tuyển Nguyễn Thế Sơn đều sử dụng thủ pháp lồng ghép cũ - mới, giao thoa giữa chất liệu lịch sử và nghệ thuật đương đại.
“Về bản chất, nghệ thuật công cộng chính là một phần của nghệ thuật đương đại, với mong muốn xóa nhòa ranh giới giữa nghệ thuật kinh viện và nghệ thuật phổ thông. Đặc biệt, nghệ thuật công cộng là một thiết chế dân chủ trong xã hội, ai cũng có quyền được tiếp cận và tiếp cận một cách tự do, miễn phí. Do đó, có thể nói, nghệ thuật công cộng chính là giải pháp của một xã hội đương đại, trở thành động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế và du lịch cho một quốc gia”, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn nhấn mạnh.
Du khách thích thú chụp ảnh kỷ niệm cùng không gian nghệ thuật công cộng tại Ga Long Biên.
Ngoài ra, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn cũng bày tỏ mong muốn: “Nghệ thuật sẽ không chỉ là ngành chuyên biệt của giới nghệ thuật mà trở thành một phần của cuộc sống”. Để hiện thực hóa lý tưởng đó, anh vẫn đang tiếp tục miệt mài thực hiện nhiều dự án nghệ thuật công cộng cùng những người cộng sự của mình, bằng tình yêu sâu đậm với Hà Nội và khát khao làm đẹp cho quê hương, đất nước.
Cuối tháng 10, quận Hoàn Kiếm kết hợp cùng nhóm họa sĩ của giám tuyển Nguyễn Thế Sơn, cho ra mắt một bức tượng gánh phở bán rong, tái hiện nét văn hóa ẩm thực - phở gánh, của Hà Nội một thời. Tác phẩm được điêu khắc bằng đồng và dự định đặt ở đầu phố ẩm thực Tống Duy Tân, nhằm tạo sự móc nối với dự án nghệ thuật Vườn hoa Cửa Nam trước đó.
Hương Thảo