Xác định tầm quan trọng của mô hình du lịch cộng đồng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phát huy lợi thế sẵn có, huyện Krông Ana (Đắk Lắk) đã và đang huy động các nguồn lực tích cực phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững.
Với sự tham gia tích cực của người dân, trung tuần tháng 3/2024 buôn Kuốp (xã Dray Sáp) - buôn đầu tiên của huyện Krông Ana được công bố buôn du lịch cộng đồng (DLCĐ).
Buôn Kuốp có 73% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chủ yếu là dân tộc Êđê và M’nông. Buôn hiện còn 50 ngôi nhà dài, các hình thức biểu diễn văn nghệ, sinh hoạt văn hóa truyền thống lâu đời, nhiều nét đặc sắc trong phong tục, trang phục, ẩm thực cùng một số lễ hội (cúng bến nước, mừng lúa mới, cúng mừng thọ)… vẫn được người dân lưu giữ. Lợi thế hơn nữa là trên địa bàn buôn có khu du lịch Cụm thác Dray Sáp thượng - Dray Nur; thác Dray Sáp thượng được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, tạo ra nhiều thuận lợi để kết nối khách tham quan.
Du khách thưởng thức ẩm thực của dân tộc Êđê tại buôn Kuốp (xã Dray Sáp).
Thông qua sự hỗ trợ từ Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND, ngày 13/8/2021 của HĐND tỉnh về "Hỗ trợ phát triển DLCĐ tại các thôn, buôn đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021 - 2025", buôn Kuốp đã được bố trí hơn 1 tỷ đồng đầu tư nhiều hạng mục phục vụ du khách. Cụ thể, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời, mua sắm máy vi tính, xây dựng trang thông tin điện tử du lịch, xây dựng bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn, lắp đặt các biển báo, biển chỉ dẫn du lịch, bảng thông tin, nội dung thuyết minh điểm đến, cải tạo cảnh quan môi trường (trồng cây xanh, hoa, trang bị ghế đá tạo điểm dừng nghỉ cho khách du lịch), xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm, đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch…
Ông Hoàng Minh Giám, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, để DLCĐ phát triển, chính quyền địa phương đã tập trung kêu gọi các nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm phát triển hạ tầng cơ sở, dịch vụ phục vụ du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái vùng đồng bào DTTS.
Theo đó, các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với UBND xã Dray Sáp quy hoạch bãi giữ xe, khu vui chơi thể thao, ẩm thực, khu biểu diễn, giao lưu văn nghệ, diễn tấu cồng chiêng; hướng dẫn, vận động các hộ trong buôn khôi phục một số nhà dài, nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần; phục hồi đội chiêng, tập luyện các bài chiêng truyền thống, truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ; vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, trồng hoa, cây xanh hai bên đường; tập huấn nâng cao năng lực, nhận thức của người dân về DLCĐ...
Song song với đó, huyện cũng chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp, thúc đẩy liên kết phát triển sản phẩm du lịch. Đặc biệt, Khu vui chơi giải trí Hồ Sen có diện tích 151,98 ha (phê duyệt theo Quyết định số 2200/QĐ-UBND ngày 26/9/2012 của UBND tỉnh về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030) đã và đang được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 15 tỷ đồng để phục vụ phát triển du lịch. Huyện đã đầu tư các hạng mục: trồng cây cảnh quan, làm đường vành đai Hồ Sen, xây dựng bờ kè mái thượng Hồ Sen…
Tuy nhiên, hoạt động du lịch trên địa bàn huyện Krông Ana còn nhiều hạn chế như: kết cấu hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ phục vụ cho hoạt động du lịch thiếu đồng bộ, chưa khai thác hết các tiềm năng du lịch trên địa bàn; hạ tầng giao thông tuy đã được nâng cấp nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn về phát triển du lịch, nhất là DLCĐ; sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn, chưa có sự khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao; nhận thức, kinh nghiệm, kỹ năng của người dân về làm du lịch còn hạn chế...
Biểu diễn cồng chiêng tại Lễ công bố du lịch cộng đồng buôn Kuốp (xã Dray Sáp).
Quyết tâm khai thác mạnh mẽ loại hình du lịch này, huyện Krông Ana tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư ở lĩnh vực du lịch; triển khai xây dựng các điểm sản xuất, trình diễn, trải nghiệm, cung ứng nông sản sạch, phát triển các sản phẩm đặc trưng phục vụ khách du lịch, đặc biệt quan tâm phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
“Huyện tập trung các nguồn lực để khai thác lợi thế về văn hóa, cảnh quan khu vực nông thôn, triển khai chương trình “mỗi xã một sản phẩm” để thúc đẩy phát triển DLCĐ ở địa phương. Từ đó, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân và tăng cường sự tham gia tích cực của cộng đồng tham gia làm du lịch” - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Ana Hoàng Minh Giám. |
Đỗ Lan