Với không gian trưng bày ấn tượng cùng nhiều sản phẩm gốm Biên Hòa xưa và nay tinh xảo, Bảo tàng Đồng Nai đã và đang là điểm đến thu hút người dân và du khách tham quan, tìm hiểu về nghề gốm truyền thống của vùng đất hơn 325 năm hình thành, phát triển.
Người dân và du khách tham quan Triển lãm gốm Biên Hòa xưa và nay tại Bảo tàng Đồng Nai. Ảnh: L.Na
Bằng sự sáng tạo trong lao động, cùng bàn tay khéo léo, những người thợ gốm ở Biên Hòa - Đồng Nai đã và đang làm cho đất “nở hoa”, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đào tạo lao động lành nghề, gìn giữ và phát huy nghề gốm truyền thống.
Thổi hồn gốm xưa vào sản phẩm hiện đại
Đến với Triển lãm Gốm Biên Hòa xưa và nay tại bảo tàng, nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến, chủ xưởng gốm Hiến Nam, phường Hóa An (thành phố Biên Hòa) mang đến những sản phẩm gốm như: bình, tượng, chóe và các đồ thờ cúng… trưng bày, phục vụ người dân và du khách tham quan. Đây là những sản phẩm gốm gần với dòng gốm Biên Hòa xưa, nhiều họa tiết, hoa văn thường thấy trong điêu khắc đình, chùa cổ. Thân thuộc mà không cũ kỹ, bởi chúng được “biến hóa” theo cách nhìn, cảm nhận mới mẻ của nghệ nhân.
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất Biên Hòa, nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến không chỉ tiếp nối dòng chảy truyền thống của quê hương, mà còn là người sáng tạo các sản phẩm gốm mới với màu men đặc trưng xanh đồng. Các tác phẩm gốm của anh khi tham gia các triển lãm của tỉnh, khu vực và toàn quốc đoạt các giải cao.
Bên cạnh việc giới thiệu các sản phẩm gốm, tại triển lãm, nghệ nhân Đinh Công Việt Khôi, giảng viên Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai còn trực tiếp xoay gốm, sáng tạo ra các sản phẩm gốm mới. Kinh nghiệm và kiến thức về gốm giúp nghệ nhân Đinh Công Việt Khôi thể hiện tác phẩm một cách có chiều sâu, mang hơi thở của thời đại, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Nghệ nhân Đinh Công Việt Khôi sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống hơn nửa thế kỷ theo nghề gốm ở Biên Hòa. Nhiều sản phẩm gốm của anh cải tiến, sáng tạo trên nền truyền thống nhưng vẫn sử dụng kỹ thuật đắp nổi hoa văn, tạo ấn tượng như bình rượu vang Thanh Long, bình rượu bưởi Năm Huệ…
Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Cổ vật Biên Hòa Chu Văn Nam chia sẻ: “Đến với triển lãm, CLB giới thiệu hàng chục sản phẩm gốm cổ với những dòng men, kiểu dáng, họa tiết xưa và nay, độc đáo và hấp dẫn được sưu tầm, gìn giữ trong suốt thời gian qua. Từ triển lãm, CLB mong muốn địa phương quan tâm hơn đến phong trào sưu tầm, gìn giữ gốm Biên Hòa nói riêng, gốm Nam Bộ nói chung để các thế hệ biết đến dòng gốm Biên Hòa trứ danh”.
Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Việt Sơn cho biết, Triển lãm Gốm Biên Hòa xưa và nay trưng bày, phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai từ nay cho đến hết Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Qua đó, góp phần gìn giữ, lan tỏa nghề gốm truyền thống Biên Hòa xưa và nay đến công chúng.
Cội nguồn của sự sáng tạo
Theo dòng chảy lịch sử, từ thời tiền sử cách nay hơn 4 ngàn năm, cư dân cổ Đồng Nai nói riêng và Đông Nam Bộ nói chung đã biết chế tạo và sử dụng đồ gốm. Cùng với các di tồn vật chất khác, người cổ trên vùng đất này đã tạo ra văn hóa Đồng Nai xuyên suốt từ thời đồ đá cũ, đến đá mới, sang kim khí và nhà nước sớm.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Hồng Ân cho biết, trong tiến trình ấy, cư dân cổ Đồng Nai đã để lại cho đời sau một kho tàng di sản văn hóa, lịch sử đồ sộ, phong phú, có giá trị tiêu biểu, độc đáo mang tầm khu vực. Trong đó có sản phẩm gốm và nghề làm gốm. Khảo cổ học đã dày công tìm kiếm và phát hiện nhiều di tích khảo cổ học chứa đựng trong tầng văn hóa một số lượng gốm, mảnh gốm các loại với nhiều đồ án hoa văn sinh động phản ánh trung thực thế giới quan và đời sống hiện tại.
Các sản phẩm gốm Biên Hòa trưng bày, phục vụ nhu cầu tham quan của người dân và du khách tại Bảo tàng Đồng Nai.
“Nhiều di tích chứa đựng di tồn gốm và chứng tỏ nghề làm gốm tiền sử đã phát triển đến trình độ cao, mang tính chuyên môn hóa của ngành nghề thủ công với những bậc thầy của gốm. Tiểu biểu như: Cầu Sắt, Suối Linh, Bình Đa, Gò Me, Cái Vạn, Cái Lăng, Bưng Bạc, Suối Chồn, Hàng Gòn…” - ông Ân nói.
Sang thời kỳ Óc Eo và các vương quốc cổ, nghề gốm ở Đồng Nai đã phát triển lên tầm cao mới. Trong những di sản vật chất tìm thấy từ lòng đất chứng tỏ Đồng Nai là nơi giao thoa, hội tụ của nhiều dòng gốm, trong đó đáng kể là gốm Óc Eo, Chăm pa, Khmer. Đến cuối thế kỷ 16 và những thế kỷ sau, những đợt di dân của người Việt và người Hoa từ vùng ngũ Quảng vào khai phá xây dựng vùng đất mới, Biên Hòa - Đồng Nai lại có dòng gốm mới: gốm Việt - Hoa…
Đầu thế kỷ 20, Trường mỹ nghệ Biên Hòa thành lập (nay là Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai). Đây là ngôi trường dạy nghề gốm đầu tiên và duy nhất của xứ Nam Kỳ. Từ đây, gốm mỹ nghệ Biên Hòa bắt đầu chuyển mình mạnh mẽ. Những sản phẩm gốm ra lò được công chúng đánh giá cao bởi men gốm được chế tạo từ nguyên liệu tự nhiên như tro rơm, tro lò, thủy tinh; men xanh đồng, men đá đổ (làm từ đá ong Biên Hòa). So sánh với gốm sành, sứ châu Âu, châu Á thì gốm Biên Hòa được ưa chuộng hơn bởi nó được làm bằng tay, không rót khuôn, khác với sản phẩm làm bằng máy móc.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Hồng Ân, cùng với gốm Lái Thiêu (Bình Dương) và gốm Cây Mai (Sài Gòn), gốm Biên Hòa đã góp phần đánh dấu một giai đoạn phát triển của nghệ thuật gốm Việt mang phong cách Nam Bộ trong giai đoạn cận - hiện đại.
Ly Na