Trên nền tảng Nghị quyết 19-NQ/TU của tỉnh Hà Giang đã tạo ra những bước tiến vững chắc trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên Địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn; khẳng định quyết tâm của địa phương và sự đồng lòng của cộng đồng trong phát triển vùng Cao nguyên đá.
Ngay sau khi Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 26.11.2021 về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị CVĐCTC UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030 (Nghị quyết 19-NQ/TU) được thông qua, các sở, ngành và chính quyền địa phương đã phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh để ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn. Các tài liệu này giúp triển khai nhiệm vụ bảo tồn và phát triển CVĐCTC theo đúng tiêu chí UNESCO, đồng thời giải quyết linh hoạt các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Trong đó, ngành VHTTDL đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, thông qua các chương trình tập huấn và tuyên truyền giáo dục. Hội thi “Em là Hướng dẫn viên du lịch” được tổ chức trong các nhà trường không chỉ giúp học sinh hiểu rõ hơn về giá trị của Cao nguyên đá mà còn khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm bảo tồn di sản. Việc đưa bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch vào trường học cũng là một sáng kiến sáng tạo, giúp thế hệ trẻ thấm nhuần ý thức bảo vệ môi trường và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Những bước đi này đã tạo nền móng quan trọng cho sự phát triển bền vững của vùng Công viên Địa chất (CVĐC).
Ban quản lý Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn cùng đoàn chuyên gia Hàn Quốc. Ảnh: Lê Hải
Trong năm 2024, tỉnh đã đầu tư trên 41 tỷ đồng để nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng tại khu vực CVĐC. Nổi bật là các dự án cải tạo tuyến đường từ Pả Vi đi sông Nho Quế 1, xây dựng Quảng trường trung tâm huyện Mèo Vạc và Công viên tượng đài Bác Hồ… Các điểm dừng chân như Mã Pì Lèng, Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ và bến thuyền lòng hồ thủy điện Nho Quế 1 đều được nâng cấp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Những cải tiến này giúp cải thiện trải nghiệm của du khách, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.
Tỉnh đã làm tốt công tác hợp tác quốc tế, là cầu nối quảng bá di sản ra thế giới như tham gia Hội nghị quốc tế về Công viên Địa chất khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 8 tại tỉnh Cao Bằng, Hà Giang đã có cơ hội giới thiệu Cao nguyên đá Đồng Văn đến bạn bè quốc tế. Các chương trình như tour du lịch online trên nền tảng kỹ thuật số nhằm quảng bá, giới thiệu về CVĐCTC UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn đến chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng địa phương và khách du lịch của CVĐC Cao nguyên đá Miné-Akiyoshidai, Nhật Bản; kết nối các doanh nghiệp lữ hành, khách du lịch và phát triển thị trường khách du lịch Nhật Bản; tổ chức đón tiếp các đoàn đại biểu quốc tế đến thăm, làm việc và khảo sát trên vùng CVĐC. Qua đó, góp phần tạo cơ hội giao lưu văn hóa, kết nối doanh nghiệp lữ hành và mở ra cơ hội phát triển du lịch bền vững.
Đoàn công tác Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Mudeungsan (Hàn Quốc) khảo sát Bảo tàng không gian văn hóa các dân tộc vùng Cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: Hoàng Tuyến
Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng thường xuyên kiểm tra, đánh giá các điểm di sản trên 4 tuyến du lịch chính của vùng nhằm đánh giá hiệu quả các di tích, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, các cụm di sản địa chất và hệ thống hang động đã đưa vào khai thác. Kiểm tra các điểm mỏ khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng, các công trình xây dựng, các hoạt động dân sinh và du lịch trong vùng lân cận khu vực di tích, di sản có khả năng gây ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên, môi trường và hoạt động của các điểm du lịch. Từ đó đề xuất việc điều chỉnh đầu tư 4 tuyến du lịch đang khai thác nhằm phục vụ du khách tốt hơn trong giai đoạn 2024 - 2027. Đồng thời, đôn đốc các địa phương thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản CVĐCTC theo các tiêu chí và khuyến nghị của chuyên gia Mạng lưới tại kỳ tái thẩm định lần thứ III năm 2022. Từ đó nâng cao hiệu quả khai thác du lịch và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, giảm thiểu tác động tiêu cực từ các hoạt động dân sinh và xây dựng.
Những kết quả đạt được từ Nghị quyết 19-NQ/TU đã khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng chiến lược rõ ràng, khoa học trong bảo tồn di sản. Để đạt được mục tiêu theo kế hoạch, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng nhân lực trong ngành du lịch, đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Từ đó phát huy được giá trị của CVĐCTC UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, gìn giữ cho thế hệ mai sau.
Lê Hải