(TITC) - Việt Nam cũng như thế giới đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường; suy thoái đa dạng sinh học; gia tăng nạn săn bắt, mua bán động vật hoang dã... Những vấn đề này càng làm nổi bật tính cấp thiết của phát triển bền vững. Việc nâng cao nhận thức du lịch có trách nhiệm cho du khách cũng như lực lượng lao động trong ngành du lịch là hết sức cần thiết và cấp bách.
Du khách tham gia tour trồng cây gây rừng tại Cần Giờ (TP. HCM)
Du lịch cần gắn liền với trách nhiệm bảo vệ môi trường, đặc biệt là các hệ sinh thái và động vật hoang dã. Du lịch có trách nhiệm không chỉ là tránh gây hại đến môi trường mà còn là tạo ra các giá trị tích cực cho xã hội và kinh tế địa phương thông qua việc bảo tồn thiên nhiên, giữ gìn di sản cho các thế hệ tương lai vì thiên nhiên là nguồn tài nguyên vô giá không chỉ đối với ngành du lịch mà còn với sự sống của loài người.
Ngành du lịch Việt Nam đã có những nỗ lực để phát triển bền vững như phối hợp với các tổ chức quốc tế như WWF và GIZ trong Dự án Giảm cầu ngà voi đã giúp nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của du khách, ra mắt cẩm nang Hướng dẫn thực hành du lịch có trách nhiệm với thiên nhiên và động vật hoang dã dành cho hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú và cơ sở ăn uống du lịch. Ngành cũng tổ chức các chương trình tập huấn cho các hướng dẫn viên du lịch và thực hiện chiến dịch truyền thông về bảo vệ động vật hoang dã…
Doanh nghiệp du lịch cũng cần đóng vai trò chủ động trong việc thúc đẩy các hoạt động du lịch bền vững, từ việc sử dụng các nguồn nguyên liệu thân thiện với môi trường đến việc xây dựng các chương trình du lịch chú trọng vào việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cần kết nối chặt chẽ với các tổ chức bảo tồn và chính quyền địa phương tại điểm đến để đảm bảo các hoạt động du lịch không gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái. Các doanh nghiệp cần thực hiện các giải pháp giảm rác thải nhựa, khuyến khích khách hàng tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, nói không với các sản phẩm được chế biến từ động vật hoang dã như ngà voi, sừng tê giác, lông thú...
Là người đồng hành với du khách trong suốt chuyến đi nên vai trò của các hướng dẫn viên cũng rất quan trọng. Các hướng dẫn viên không chỉ là người truyền tải thông tin về điểm đến mà còn cần là người trực tiếp hướng dẫn du khách bảo vệ môi trường như khuyến khích họ sử dụng các sản phẩm tái chế, hạn chế sử dụng nhựa (sử dụng bình nước cá nhân, bao bì thân thiện môi trường…), tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường (vớt rác, nhặt rác, trồng cây…) cũng như không thực hiện các hoạt động ảnh hưởng đến động vật hoang dã…
Bảo vệ môi trường thiên nhiên không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước mà cần sự chung tay của cả cộng đồng, bao gồm doanh nghiệp du lịch, hướng dẫn viên và du khách. Du lịch bền vững sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho ngành du lịch cũng như đảm bảo sự sự tồn tại của các loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng trên hành tinh của chúng ta.
Trung tâm Thông tin du lịch