(TITC) - Cô Tô, viên ngọc xanh của vùng Đông Bắc, đang thu hút nhiều du khách đến khám phá, trải nghiệm đồng thời cũng nổi lên là một trong những địa phương đi đầu trong các hoạt động bảo vệ môi trường hướng tới phát triển du lịch bền vững.
Một góc Cô Tô
Cô Tô là huyện đảo của tỉnh Quảng Ninh với gần 50 hòn đảo lớn nhỏ. Sở hữu khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, nên thơ… nơi đây được ví như viên ngọc xanh giữa biển trời Đông Bắc. Hệ sinh thái biển phong phú, những bãi tắm đẹp hoang sơ, những cánh rừng nguyên sinh… là tiềm năng to lớn để Cô Tô phát triển du lịch.
Cách đây 10 năm, ngay từ năm 2014, Cô Tô đã triển khai xây dựng các quy hoạch, nhất là quy hoạch phát triển du lịch bền vững nhằm định hướng không gian phát triển, đưa Cô Tô trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao với các chức năng vui chơi giải trí tổng hợp, dịch vụ du lịch, lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp. Cô Tô kết nối với tuyến du lịch Cát Bà - Hạ Long - Vân Đồn - Cô Tô - Móng Cái qua tuyến cao tốc Hạ Long - Móng Cái; sân bay Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long tạo thành vùng kết nối du lịch.
Những năm qua, Cô Tô luôn nỗ lực thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Rõ rệt nhất là việc triển khai thực hiện Đề án Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa. Sau thời gian thực hiện thí điểm đề án, nhận thức, thói quen, hành vi của nhân dân và du khách trong bảo vệ môi trường đã có nhiều thay đổi và môi trường biển đảo Cô Tô đã có sự chuyển biến tích cực.
Nhằm nâng cao hiệu quả hơn nữa, huyện Cô Tô tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của đề án với yêu cầu bắt buộc tất cả các hành khách không mang túi nilon và đồ nhựa dùng một lần ra đảo để giảm thiểu chất thải nhựa, giảm ô nhiễm môi trường biển; các cầu cảng ở đảo Cô Tô có tổ kiểm soát để nhắc nhở du khách, yêu cầu du khách tập kết túi nilon, đồ nhựa dùng một lần vào thùng rác hoặc thiết bị lưu, chứa đặt tại cầu cảng.
UBND huyện Cô Tô cũng yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị, trường học, chợ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các phương tiện tàu vận chuyển khách, vận chuyển hàng hóa, đánh bắt hải sản... trên địa bàn không được sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần (hộp nhựa, cốc nhựa, ống hút nhựa dùng một lần...) và các vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển. Đồng thời Sở Giao thông Vận tải, Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh, Cảng vụ đường thủy nội địa tại Vân Đồn - Cô Tô có trách nhiệm phối hợp tuyên truyền tới các hãng tàu vận tải hành khách, hàng hóa đến Cô Tô; kiểm tra, yêu cầu chủ các phương tiện, hành khách không mang túi nilon, chất thải nhựa dùng một lần lên đảo; chỉ cấp lệnh xuất bến cho các hãng tàu đã đảm bảo thực hiện quy định trên.
Là huyện đảo, Cô Tô cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi rác thải đại dương theo các đợt sóng, thủy triều, gió mùa; đặc biệt là rác thải nhựa. Rác thải trôi dạt vào bờ biển không chỉ gây ra tình trạng mất mỹ quan, ảnh hưởng tới hoạt động du lịch mà còn tác động xấu tới môi trường tự nhiên, nhất là hệ sinh thái biển. Do vậy, hoạt động làm sạch biển, thu gom và tái chế rác đã và đang được các cấp chính quyền Cô Tô rất quan tâm. Chung tay cùng chính quyền địa phương, một số doanh nghiệp cũng có những hoạt động hưởng ứng như tổ chức cho nhân viên thi nhặt rác bãi biển trong kỳ nghỉ ở Cô Tô; một số nhà nghỉ, khách sạn trên đảo đã sáng tạo ra tour du lịch nhặt rác thu hút rất đông du khách...
Du lịch có trách nhiệm, du lịch thân thiện với môi trường đã góp phần làm Cô Tô thay đổi, văn minh lên từng ngày, tiến tới xây dựng Cô Tô trở thành huyện đảo có nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, hướng tới là đô thị sinh thái biển thông minh với kết cấu hạ tầng hiện đại, chốn du lịch “thiên đường” vùng Đông Bắc.
Trung tâm Thông tin du lịch