Sáng 18/11/2009, công việc hút bùn lòng hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm) chính thức được bắt đầu theo đúng tiến độ Dự án “Phục hồi và ổn định bền vững Hồ Gươm” do Phó Giáo sư Hà Đình Đức làm chủ nhiệm.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã giao cho Sở Khoa học và Công nghệ chỉ đạo thực hiện dự án này. Việc nạo hút bùn được thực hiện thí điểm trên diện tích 1.000m2 (chiếm khoảng 1% diện tích toàn hồ) ở khu vực từ đền Ngọc Sơn đến giáp đường Lê Thái Tổ.
Theo khảo sát của các nhà khoa học, phạm vi tiến hành hút bùn thí điểm có độ sâu lớp bùn trung bình từ 1 đến 1,1m. Các chuyên gia đã rào khu vực được chọn cải tạo thí điểm để không ảnh hưởng đến đời sống các sinh vật trong hồ, đặc biệt không gây nguy hiểm cho sự sống của loài rùa quý.
Ông Vũ Như Hạnh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết, dự án “Phục hồi và ổn định bền vững Hồ Gươm” được thực hiện trên cơ sở triển khai thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Khoa học-Công nghệ Việt Nam với Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức, theo công nghệ hút bùn của Đức. Các thiết bị đều được đưa từ Đức sang, với sự hướng dẫn trực tiếp của các chuyên gia Đức.
Các chuyên gia đã xác định độ dày của tầng bùn, các thông số về cấu trúc, tính chất của tầng bùn, tầng đáy hồ, xác định các khu vực trong hồ... Trên cơ sở đó, chia diện tích hồ thành nhiều ô nhỏ để hút bùn nhằm không tạo sự thay đổi đột ngột cho môi trường sống của sinh vật trong hồ. Cũng theo ông Hạnh, máy hút bùn ngầm Sedturtle nhỏ được sử dụng ở dự án này có công suất hút 30m3 hỗn hợp bùn, nước mỗi giờ, nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến khu vực xung quanh.
Nước được xử lý sau khi ép bùn bảo đảm độ trong, sau đó được kiểm nghiệm bảo đảm không gây ảnh hưởng đến hệ thủy sinh của hồ thì mới được dẫn trả lại hồ.
Dự kiến, công việc hút bùn tại khu vực thí điểm sẽ hoàn tất vào ngày 27/11. Sau khi thí điểm, các chuyên gia sẽ theo dõi tính chất hóa lý của nước trong lòng hồ và sự sống của các sinh vật trong hồ để quyết định có mở rộng việc nạo vét Hồ Gươm hay không.