Nhiều nét mới trong du lịch làng Chăm ở An Giang

Cập nhật: 07/01/2025
Hai làng Chăm Châu Phong (thị xã Tân Châu) và Ða Phước (huyện An Phú) ở hai bờ sông Hậu là điểm đến yêu thích của nhiều du khách trong hành trình đến An Giang.

Xe điện đưa du khách tham quan làng Chăm Châu Phong.

 

Tài nguyên du lịch đa dạng

Những sản phẩm du lịch khi đến với làng Chăm ở An Giang khá đa dạng. Trong đó, tiêu biểu như du lịch sông nước gắn với làng nghề nuôi cá trên nhà bè, du lịch văn hóa tìm hiểu đời sống của cộng đồng Chăm, du lịch ẩm thực với các món ăn đặc trưng của người Chăm, du lịch trải nghiệm các làng nghề truyền thống…

Ðến làng Chăm Châu Phong, du khách thường tham quan thánh đường Mubarak. Ðây là một trong những thánh đường Islam (Hồi giáo) có kiến trúc đẹp, được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Xã Châu Phong còn có nhiều thánh đường với kiến trúc đẹp như Jamiul Azhar và Nia’mah. Bên kia sông, thị trấn Ða Phước cũng có thánh đường Ihsan và Sunnah, với cung đường rất thuận tiện cho du khách ghé thăm.

Một điểm nhấn khác là ở cả Châu Phong và Ða Phước, du khách có thể dễ dàng trải nghiệm quy trình dệt thổ cẩm, tận mắt chứng kiến những người phụ nữ Chăm điêu luyện bên khung dệt, mua sắm các sản phẩm thổ cẩm về làm quà…

Cộng đồng Chăm sinh sống dọc theo hai bờ sông Hậu đã mang đến sắc màu văn hóa đầy khác biệt, thu hút sự tò mò và thích thú từ khách phương xa. Những ngôi nhà sàn cổ kính, những chiếc xà rông trang nhã, những món bánh dân gian ngọt thơm… đã góp phần mang đến cho du khách những trải nghiệm sống động về người Chăm hiền hòa nơi đây.

Là đơn vị chuyên tổ chức tour du lịch về làng Chăm Ða Phước và Châu Phong, chị Nguyễn Thị Anh Tú, Giám đốc Alden Travel, TP Châu Ðốc, cho biết: “Thời gian qua, du khách đến làng Chăm Châu Phong và Ða Phước tăng về số lượng và ngày càng có nhiều du khách quốc tế, giới chuyên môn về văn hóa, sinh viên, học sinh đến đây vừa tham quan, vừa nghiên cứu”.

Những hướng đi mới

Trong hai năm 2023, 2024 vừa qua, nhiều sự kiện văn hóa - du lịch đáng chú ý đã diễn ra, góp phần thúc đẩy thêm sự phát triển du lịch làng Chăm ở An Giang. Cuối năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ghi danh hai di sản của người Chăm Islam ở An Giang vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Nghi lễ vòng đời và Nghề dệt thổ cẩm.

Ðầu năm 2024, sản phẩm du lịch Làng bè Sắc Màu ngã ba sông Châu Ðốc ra đời, với 165 nhà bè nuôi cá trên sông Hậu được sơn theo sáu khối màu rực rỡ. Làng bè đã tạo ra điểm nhấn mới cho du lịch sông nước. Từ đây, du khách có thể kết hợp tham quan làng bè với hai làng Chăm Châu Phong và Ða Phước rất thuận tiện.

Ðịnh hướng phát triển du lịch dựa trên nền tảng văn hóa Chăm của tỉnh An Giang được người dân ủng hộ và hưởng ứng. Ðầu năm 2024, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Làng Chăm An Giang do anh Abdul Alim làm chủ đầu tư đã đi vào hoạt động ở thị trấn Ða Phước, bắt đầu triển khai Khu tham quan sinh thái Jiao Hary, xây dựng sản phẩm du lịch Chợ quê làng Chăm Ða Phước. Cuối năm 2024, Tổ hợp tác Du lịch cộng đồng Làng Chăm Châu Phong cũng được thành lập, với 12 thành viên, do ông Mohamad làm Tổ trưởng. Tổ có nhiệm vụ gắn kết các hộ dân trong xây dựng và phát triển những sản phẩm du lịch cộng đồng tại địa phương.

Thời gian tới thị xã Tân Châu và huyện An Phú sẽ đẩy mạnh đầu tư và mời gọi đầu tư hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, siêu thị… phục vụ khách du lịch. Phòng Văn hóa - Thông tin hai địa phương sẽ hướng dẫn thực hiện mô hình homestay đối với các gia đình đủ điều kiện về không gian và có nhu cầu làm dịch vụ. Song song đó, công tác xúc tiến, quảng bá, tuyên truyền được triển khai qua nhiều hình thức đa dạng.

Bài, ảnh: Triều Phú

Nguồn: Báo Cần Thơ - baocantho.com.vn - Đăng ngày 03/1/2025