Công viên địa chất (CVĐC) là một mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững, khuyến khích những hoạt động thân thiện với môi trường, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể của các loại hình di sản.
Chợ Phja Đén, Thành Công (Nguyên Bình, Cao Bằng) mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.
Những năm qua, thực hiện tốt công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị CVĐC toàn cầu, Cao Bằng tích cực phối hợp cùng các chuyên gia khảo sát thực địa tại các địa phương CVĐC toàn cầu, đánh giá và định hướng phát triển. Trong xây dựng, phát triển, quản lý hiệu quả các CVĐC, công tác phối hợp giữa Ban Quản lý CVĐC với các sở, ban, ngành và địa phương liên quan được chú trọng thực hiện. Cùng với đó là việc mở rộng hợp tác với các mạng lưới quốc tế cần được đẩy mạnh qua đó tạo điều kiện hơn nữa các hoạt động phối hợp, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của CVĐC toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng.
Nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân về CVĐC được nâng cao. Các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng được bảo tồn và phát huy. Đặc biệt, hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị CVĐC toàn cầu. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình danh hiệu, di sản UNESCO, công tác định kỳ kiểm tra, đánh giá các điểm di sản, cơ sở vật chất trên các tuyến du lịch CVĐC Non nước Cao Bằng được nâng cao. CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng được công nhận từ năm 2018, với diện tích trên 4.000 km và có trên 130 di sản địa chất đa dạng, phong phú, trong đó có nhiều di sản hóa thạch, cảnh quan đá vôi, hang động, thác nước... đã tạo thành cảnh quan đẹp nổi tiếng như: Thác Cúc đá tay cuộn, Kéo Yên (Hà Quảng), thác Bản Giốc - Động Ngườm Ngao, Mắt Thần núi, sông Quây Sơn (Trùng Khánh)… Với các di sản địa chất đa dạng, phong phú, CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng là nơi lý tưởng để du khách tìm hiểu quá trình kiến tạo vỏ trái đất trên 500 triệu năm và được trải nghiệm sự đa dạng về di sản văn hóa, lịch sử của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Để bảo tồn và phát huy giá trị CVĐC, tỉnh kết hợp hiệu quả giữa đẩy mạnh bảo tồn, phát huy các giá trị di sản địa chất với phát triển du lịch. Với mục tiêu phát triển du lịch - dịch vụ bền vững giai đoạn 2020 - 2025 phù hợp với chủ trương của tỉnh, huyện Nguyên Bình xác định vùng trung tâm phát triển du lịch là xã Thành Công gồm: Khu vực Phja Oắc - Phja Đén, rừng trúc Bản Phường, nhà trình tường Nà Rẻo, khu du lịch sinh thái Kolia, chợ phiên Phja Đén, xã Quang Thành với du lịch cộng đồng Hoài Khao đậm nét văn hóa bản sắc dân tộc gắn với các nghề thủ công truyền thống. Là địa phương có đa số đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống nên việc phát triển du lịch trên nền tảng văn hóa địa phương trở thành cơ hội và thách thức nhất định. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân nỗ lực thực hiện, bước đầu có những kết quả tích cực. Đặc biệt, huyện quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở trong vùng công viên địa chất, tổ chức bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng làm du lịch, kết hợp trải nghiệm các làng nghề gắn với du lịch cho người dân. Hoạt động du lịch, dịch vụ có khởi sắc, hằng năm thu hút du khách đến địa bàn tăng so với năm trước. Điều kiện hạ tầng cơ sở được nâng cao, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, người dân có thêm việc làm, thu nhập, đời sống ổn định hơn.
Làng đá cổ Khuổi Ky (Trùng Khánh) hơn 400 năm tuổi.
Đến với những trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên, trong tuyến trải nghiệm phía Đông của CVĐC Non nước Cao Bằng, du khách được khám phá những ngôi làng cổ đầy hấp dẫn, đặc biệt hòa mình vào nơi đa sắc màu làng nghề thuyền thống cổ xưa của huyện Quảng Hòa. Nơi đây phong cảnh, bản sắc văn hóa dân tộc say đắm lòng người, đặc biệt du khách được trải nghiệm các làng nghề đã được lưu truyền hàng trăm năm tuổi, như: Làng rèn Phúc Sen, làng hương Phja Thắp, làng giấy bản Rìa Trên, làng ngói máng Lũng Rì, đường mía Bó Tờ… phía cuối hành trình du khách lạc vào sứ sở thần tiên của Thác Bản Giốc được mệnh danh là thác lớn và đẹp thứ tư thế giới, trong số các thác nước ở biên giới giữa các quốc gia, là thác nước nằm trong top 10 thác nước kỳ vĩ nhất thế giới. Trải nghiệm đồi cỏ cháy Ba Quáng (Hạ Lang) với sắc vàng cháy kỳ ảo, nơi thả hồn của những tín đồ yêu nghệ thuật… Với lợi thế đặc sắc đa dạng nét văn hóa truyền thống, với hệ thống các làng nghề truyền thống trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng, các địa phương đã nỗ lực phát triển gắn với du lịch một cách bài bản và lâu dài, gắn kết đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội. Các huyện đầu tư cơ sở vật chất tại các điểm du lịch, các làng nghề, hỗ trợ người dân về bồi dưỡng kiến thức nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm đầu ra cho các sản phẩm, đảm bảo cảnh quan môi trường đáp ứng nhu cầu của du khách.
Đồi cỏ cháy Ba Quáng (Hạ Lang) điểm đến hấp dẫn khi đến với Cao Bằng.
Thời gian qua, nhiều tạp chí ở các quốc gia phát triển đã bầu chọn Cao Bằng là điểm đến lý tưởng để ngắm cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, thơ mộng và trải nghiệm văn hóa bản địa đặc sắc. Đặc biệt, tháng 9/2024, Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APGN), “Tuyên bố Cao Bằng” được thông qua, góp phần lan tỏa trách nhiệm giải quyết thách thức toàn cầu trước những biến đổi mới. Với sự ra đời của Tuyên bố Cao Bằng, những kinh nghiệm, chia sẻ quý báu trong công tác xây dựng và phát triển danh hiệu CVĐC theo các tiêu chí của UNESCO sẽ góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu hiện nay, đặc biệt là nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và người dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình di sản và tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch bền vững. Từ những kết quả đạt được, Cao Bằng đã bảo vệ giá trị di sản CVĐC, nâng tầm và phát huy hiệu quả giá trị di sản, góp phần phát triển du lịch, thu hút du khách.
H.C