Rừng thông Đà Lạt đứng bên bờ vực

Cập nhật: 23/11/2009
Mới đây, theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Đà Lạt, hiện đơn vị này đã nhận được từ các hộ dân hơn 140 lá đơn xin hạ trên 200 cây thông nội ô Đà Lạt để "đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản người dân".
Chặt thông - việc chẳng đặng đừng.

Lãnh đạo của Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cho biết, từ sau cơn bão số 9 (cuối tháng 9/2009) có thông ngã đổ đè chết người đến nay, "phong trào" xin chặt thông bỗng rộ lên ở nhiều địa phương, đặc biệt là Đà Lạt.

Trong một văn bản trả lời báo chí, ông Vũ Xuân Hùng - Chánh Văn phòng UBND TP.Đà Lạt - cho biết: Qua thống kê, mỗi năm, trên địa bàn rừng nội ô Đà Lạt có khoảng 130 cây thông chết khô cần phải được chặt hạ. Bên cạnh đó, cũng trên địa bàn Đà Lạt, từ nhu cầu giải phóng mặt bằng và để chủ động đề phòng mưa bão gây hậu quả xấu, có khoảng 60 - 80 cây thông khác cần được chặt hạ. Riêng trong năm 2009, đã có 80 cây thông phải chặt hạ khẩn cấp, bởi nguy cơ ngã đổ cùng với 60 cây thông bị đốn để giải phóng mặt bằng và khoảng 200 cây thông chết khô cần đốn hạ.

Về việc người dân tác động làm chết cây xanh, cũng trong văn bản trên, Chánh Văn phòng UBND TP.Đà Lạt thẳng thắn thừa nhận: "Đây là vấn đề hết sức bức xúc, cần phải ngăn chặn kịp thời". Để chứng minh cho điều này, ông Vũ Xuân Hùng đã nêu ra 3 trường hợp người dân tác động làm chết thông bị phát hiện và đã bị xử lý theo quy định từ đầu năm đến nay.

Việc chặt hạ thông Đà Lạt là chuyện chẳng đặng đừng; hay nói theo UBND TP.Đà Lạt là việc phải chặt hạ thông do chết khô tự nhiên, do phải giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình, cây có nguy cơ ngã đổ trong mùa mưa bão... là "bất khả kháng". Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, việc lợi dụng "cây ngã đổ gây chết người" để đốn thông là một việc làm cần xem lại.

Theo Quyết định số 959/QĐ-UB ngày 25.6.2007 của UBND tỉnh Lâm Đồng thì Công ty quản lý công trình đô thị Đà Lạt là đơn vị có nhiệm vụ quản lý 431ha rừng nội ô và cây xanh thuộc địa bàn TP.Đà Lạt. Không có số liệu đánh giá chất lượng rừng thông hiện tại, nhưng theo đơn vị quản lý này, rừng thông Đà Lạt đang xuống cấp là một thực tế đáng báo động.  

Chờ cho thông... già?

Cách nay hơn 10 năm, các nhà khoa học ở Lâm Đồng đã cảnh báo rừng thông Đà Lạt đang lão hoá; hằng năm sẽ có hàng loạt cây thông bị ngã đổ do già cỗi. Để cải tạo 10.000ha rừng thông Đà Lạt với thời gian 20 năm, Nhà nước cần bỏ ra 70 tỉ đồng (thời giá năm 1995).

Và, cũng tính theo thời điểm đó, nguồn gỗ từ việc chủ động trẻ hoá rừng thông Đà Lạt thu lại được tương đương 1.350 tỉ đồng. Song rất tiếc, bài toán trẻ hoá rừng thông không được chính quyền lưu tâm.

Bức xúc trước thực trạng rừng thông xuống cấp, UBND TP.Đà Lạt đã ra quy định: Khi buộc phải chặt hạ một cây thông bởi những lý do chính đáng thì phải  trồng lại 5 cây thông con.

Trường hợp phải chặt thông để giải phóng mặt bằng, nhưng không có quỹ đất trong khuôn viên thì chủ hộ phải nộp tiền để trồng lại cây theo quy định vào quỹ phát triển cây xanh thành phố; quỹ này có trách nhiệm trồng cây ở những vị trí thích hợp trên địa bàn Đà Lạt.

Trong thực tế, việc biến chủ trương này thành hiện thực vẫn còn một khoảng cách. Những gốc thông già ngã đổ tự nhiên vẫn tiếp tục xảy ra, trong khi Đà Lạt chưa thực sự chú trọng đến công tác trẻ hoá rừng. 

Nguồn: Lao Động