Đó là ý kiến được nhiều đại biểu đề xuất tại hội thảo các giải pháp bảo tồn cây xanh đô thị ở TPHCM do Trường Đại học Nông Lâm TPHCM phối hợp với Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 2/12.
Theo TS Chế Đình Lý - Phó Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên, hiện nay TPHCM chưa có quy chế bảo tồn đa dạng sinh học liên quan đến mảng xanh đô thị, bảo vệ cây quý, hiếm, cây đặc biệt, cây di sản. Đồng thời, chưa có quy chế triển khai luật đa dạng sinh học, trong đó, nội dung chính là bảo tồn hệ sinh thái, bảo tồn loài và bảo tồn gien. Do đó, muốn bảo tồn và phát triển cây xanh đòi hỏi phải có một hành lang pháp lý trong việc quản lý vấn đề này. Muốn làm được điều này, vấn đề đầu tiên thành phố phải thực hiện là ban hành quy chế bảo tồn đa dạng sinh học liên quan đến mảng xanh đô thị. Tuy nhiên, do bảo tồn đa dạng sinh học của TP có liên quan đến cây xanh đô thị nên 2 vấn đề này không thể tách rời nhau.
Nhóm nghiên cứu công trình các giải pháp bảo tồn cây xanh đô thị ở TPHCM thuộc Bộ môn Cảnh quan và kỹ thuật hoa viên (Trường ĐH Nông Lâm TPHCM) cho biết: Dựa vào các tiêu chí bảo tồn cây cá thể và quần thể cây xanh; qua quá trình sàng lọc và khảo sát trên địa bàn 19 quận, huyện, bước đầu đã đề xuất bảo tồn một số bộ sưu tập thực vật và cây xanh đô thị, bao gồm: 4 mảng xanh đô thị, đó là Thảo Cầm viên Sài Gòn, Dinh Thống Nhất, Công viên Tao Đàn và Công viên 30-4. Có 3 tuyến đường xanh tiêu biểu là hàng cây dầu rái trên đường Sương Nguyệt Ánh, Huyền Trân Công Chúa và Trương Định (đoạn đi ngang Công viên Tao Đàn) cùng với 152 cây cá thể đề xuất bảo tồn.