Trong mùa nước nổi, cuối tháng 9, chúng tôi theo con đường nhựa từ thị trấn Thanh Bình (huyện Thanh Bình) để đến thị trấn Tràm Chim (huyện Tam Nông). Dưới nền đường cao vút, nước đã ngập lé đé những ruộng mạ xanh dờn.
Vườn Quốc gia Tràm Chim thuộc huyện Tam Nông (Đồng Tháp) là điểm du lịch sinh thái rất hấp dẫn của đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Được xếp trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam, trở thành Vườn Quốc gia từ năm 1998 nhằm bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước của vùng Đồng Tháp Mười, bảo vệ khu vực di trú cho các loài chim di cư, đặc biệt là sếu đầu đỏ và bảo tồn các loài động, thực vật, các nguồn gen quý hiếm, duy trì những điều kiện thích hợp cho việc nghiên cứu môi trường tự nhiên và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Vào tràm chim bát ngát
Buổi sáng, chúng tôi thuê chiếc vỏ lãi composite để đi tham quan. Máy nổ bành bạch, vỏ xé nước lao trên dòng kinh đỏ màu tràm, bông súng ma nở cánh thì trắng tinh, cánh lai tim tím, hoặc phớt hồng. Vỏ lướt qua vạt rau tràng nở bông trăng trắng; một vùng tràn ngập, hàng hà sa số những chiếc lá sen xanh, lấm tấm điểm những búp sen hồng hoặc những cánh sen mãn khai.
Vun vút lướt qua mắt chúng tôi là vạt rừng tràm mỏng rồi cánh đồng lúa ma xanh dờn tới chân rừng tràm. Người địa phương gọi đây là lúa trời, còn sử gia Trịnh Hoài Đức viết trong Gia Định thành thông chí là “quỷ cốc”. Hằng năm, vào khoảng tháng Tư Âm lịch, trời bắt đầu mưa, lúa bắt đầu mọc. Đến tháng 4 Dương lịch, lúa nhú cao chừng năm tấc, thân cứng, lá to bản. Mùa nước nổi (từ tháng 8 đến 12 Dương lịch) lúa trổ đòng.
Nước dâng tới đâu, ngọn và hột lúa vươn cao lên khỏi nước tới đó. Một tháng sau lúa chín. Nắng lên thì lúa rụng, tiếp tục nảy mầm... Lúa trời là đặc sản của thiên nhiên, người xưa thu hoạch bằng cách bơi xuồng con, chính giữa căng bức màn. Khi xuồng lướt qua ruộng lúa, người ta dùng sào đập cho lúa chạm bức màn rơi xuống khoang.
Lúa thu hoạch về ngâm nước khoảng ba ngày rồi đem phơi cho rụng đuôi trước khi xay, giã thành gạo nấu ăn. Gạo lúa ma rất ngon cơm, dẻo và thơm. Ngày nay, lúa ma được bảo tồn như sản phẩm độc đáo của đất trời, đồng thời làm nguồn thực phẩm cho chim chóc.
Tới ruột rừng, nơi có căn nhà sàn nhân viên giữ rừng ở và căn nhà sàn dài làm nơi ăn uống, chúng tôi leo lên một đài cao quan sát cảnh hồng hoang của Vườn quốc gia. Rừng tràm rộng 1.800ha, nuôi dưỡng 100 loài động vật có xương sống, 40 loài cá và 147 loài chim nước.
Các loài chim thường gặp gồm cò trắng, cò bợ, cò lửa, cò lép, vạc, diệc lửa, diệc xám, điên điển, cồng cộc, tu hú, cu ngói, cu cườm, cu... Trong số đó có 13 loài chim quý hiếm thế giới, đặc biệt là hạc, thường gọi sếu đầu đỏ hoặc sếu cổ trụi. Đầu hạc màu đỏ mỏ dài, chân và cổ cao trụi, mình có bộ lông xám tro. Mỗi con hạc nặng tối đa khoảng chục ký.
Hạc về Tràm Chim vào tháng Giêng, tìm bạn tình vào tháng Năm (trước mùa mưa), sau đó di chuyển tìm nơi đẻ trứng, nuôi con. Thực phẩm khoái khẩu nhất của hạc là củ năn nhỏ như hột bắp, giống củ cỏ cú.
Tại “ruột rừng”, trên nhà thủy tạ xây gạch vững chãi, rộng rãi, chúng tôi thoải mái bày bàn nhậu. Thực phẩm mua ngoài chợ Tràm Chim đem theo với bếp, than, củi nhúm, vài lít rượu và thùng trà đá “chữa lửa”. Mâm nhậu là những tờ báo trải trên nền gạch bông, toàn các món nướng cho gọn. Những con rắn bông súng nhỏ cỡ ngón tay cái cuốn tròn như chiếc rế nồi đặt trong vỉ cháy nám đen. Loại này dùng tay bẻ từng khúc ngắn chấm nước mắm me ăn vừa giòn da, vừa ngọt thịt, nhai được luôn xương.
Cá lóc nướng trui ở Đồng Tháp có vẻ “cao cấp” hơn. Ở đây người ta không gói cá lóc, rau rác bằng bánh tráng, mà bằng bẹn sen (những chiếc lá sen non vành lá cuốn quấn vào trong). Những chiếc bẹn sen mọc nhiều theo kênh, phải nhanh tay hái khi vỏ lướt qua. Cầm bẹn sen banh ra, nhét thịt cá lóc nướng trui cùng bún và rau rác, chấm nước mắm me, ăn nghe chát chát mùi hoang dã.
Đến gáo giồng hoang sơ
Rời Vườn quốc gia Tràm Chim, chúng tôi đi trên con đường tắt xuyên ruột tỉnh Đồng Tháp đến Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng (thành phố Cao Lãnh), là một trong vài “lõm” hoang sơ của Đồng Tháp Mười xưa. Con đường đan xuyên qua những xóm làng trù mật, có hai hàng tràm xanh mướt phủ bóng mát rượi. Vào cửa Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng tốn 10.000 đồng/người, nhưng uống trà, ăn hột sen rang, xem phim giới thiệu khu du lịch, nằm võng, câu được cá nhờ nhà bếp nấu nướng đều miễn phí.
Chúng tôi mua vé đi xuồng chèo tham quan rừng tràm, thuê nguyên chiếc hết 30.000 đồng/chuyến (một chiếc chở tối đa bốn người). Có khoảng mười chiếc xuồng ba lá với những tay chèo là thiếu nữ bận bà ba màu thiên thanh, xinh xắn với chiếc khăn rằn quấn cổ và chiếc nón lá duyên dáng choàng ôm mái tóc đen mượt. Mái chèo khua nước, xuồng lướt êm trên con kinh rập rờn bèo cám.
Càng đi sâu, càng thấy bèo cám xanh mượt như tấm thảm phủ kín hàng vạn gốc tràm già chôn chân trong nước trong diện tích hơn 1.600ha. Sân chim rộng khoảng 35ha, có hơn 15 loài lông vũ sinh sống, đặc biệt có diệc lửa và nhan điển - hai loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Xuồng ghé rìa sân chim. Nhìn lên các tán tràm, bao nhiêu cánh chim chao lượn như thuở hồng hoang. Gáo Giồng còn là nơi trên chim dưới cá.
Thủy sản ở đây phong phú, đủ loài như cá lóc, cá bông, cá sặc, cá chốt, cá lăng, cá bống, cá nhái… Mùa nước nổi từ tháng 8 đến tháng 10 hằng năm, nước từ sông Mekong tràn về phủ ngập đồng, Gáo Giồng thật sự là một ốc đảo giữa trời mênh mông và nước cũng mênh mông. Mùa này, cá linh từ Biển Hồ (Campuchia) theo con nước trôi về từng đàn. Đó cũng là lúc điên điển trổ bông vàng.
Cá linh non nấu me non chấm bông điên điển là món ăn đặc trưng mang đậm sắc thái của người dân Nam bộ. Nhưng “ngon nhứt xứ” là mắm kho bằng mắm cá linh xay và cá linh tươi chấm bông điên điển, bông súng, rau dừa... Càng ăn càng thấy thấm câu ca dao: “Muốn ăn bông súng mắm kho/Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm”.
Sau khi ngắm cảnh vật hoang sơ đã mắt, chúng tôi được một thiếu nữ bơi xuồng đưa về bến. Hành trình dài 2,5km mất 45 phút đi về. Dân thành thị mấy ai biết đi xuồng, nên khi đặt chân lên tấm ván mũi xuồng, xuồng lắc lư, bỗng thấy sợ. Loại xuồng này nhỏ, ngắn đòn, mỏng mảnh nên khi ai đó nghiêng mình quan sát cảnh vật là xuồng bị nghiêng, nước mấp mé nhanh chóng tràn vào be nhưng không sợ chìm vì nước kênh cạn.