Việt Nam: Nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu

Cập nhật: 09/12/2009
Là 1 trong 10 nước bị ảnh hưởng nặng nề, Việt Nam mang đến Hội nghị về biến đổi khí hậu tổ chức tại Copenhagen (Đan Mạch) quyết tâm cùng thế giới hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ảnh hưởng nặng nề

Hầu hết các kịch bản về biến đổi khí hậu (BĐKH) đều cho thấy, Việt Nam là một trong các nước trên thế giới có khả năng chịu tổn thương cao nhất do nước biển dâng. Theo các kịch bản này, nếu mực nước biển dâng 1m sẽ làm ảnh hưởng tới khoảng 5% diện tích, 11% dân số, 7% sản lượng nông nghiệp và làm giảm 10% GDP của Việt Nam.

Theo chuyên gia Carew Reid, nếu sử dụng số liệu địa hình số để mô phỏng ngập lụt do nước biển dâng 1m thì đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long là hai khu vực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất. Các kết quả mô phỏng của Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo Việt Nam sử dụng mô hình số độ cao cũng cho kết quả tương tự.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, BĐKH và nước biển dâng tại vùng ven biển sẽ làm trầm trọng hơn các vấn đề đang tồn tại. Thí dụ, tại khu vực ven biển nước ta đang có hàng loạt các vấn đề cần được giải quyết như: bão, nước dâng, sóng lớn, triều cường, ngập lụt, xói lở…

TS. Vũ Thanh Ca, Viện Nghiên cứu quản lý biển - Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam nêu ví dụ: “Bờ biển Nam Định đoạn từ Văn Lý tới Thịnh Long hiện đang bị xói lở nghiêm trọng. Đặc biệt, trong cơn bão số 7 ngày 27/9/2005, rất nhiều đoạn đê biển trong khu vực này như đê biển Hải Triều, Hải Hoà, Hải Thịnh đã bị vỡ, gây ngập lụt cho những khu vực rộng lớn ven bờ. Đây là những khu vực có đông dân cư sinh sống với nhiều hoạt động kinh tế và du lịch nên thiệt hại do gió bão, nước biển xâm thực gây ra lên tới hàng trăm tỷ đồng”.

Ông Đinh Văn Đức, Sở NN&PTNT Ninh Bình cho biết: “Trong những năm gần đây, tại Ninh Bình, các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lũ, ngập úng, xói lở, xâm nhập mặn có dấu hiệu gia tăng. Các sự khác thường của thời tiết đã làm mùa mưa bão có chiều hướng đến sớm và kết thúc muộn hơn. Nắng nóng kéo dài làm xuất hiện hiện tượng tảo nở hoa, sứa rêu làm môi trường ô nhiễm… khiến các đầm nuôi tôm sú bị chết hàng loạt”. Còn ông Chu Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Ninh Bình nhận định: “Nếu như mực nước biển dâng cao khoảng 1m vào những năm cuối thế kỷ này thì phần lớn diện tích thuộc các huyện Kim Sơn, Yên Khánh và Yên Mô, tỉnh Ninh Bình sẽ bị ngập chìm trong nước, phần lớn diện tích đất nông nghiệp của tỉnh sẽ bị nhiễm mặn không thể canh tác được. Có thời điểm xâm nhập mặn đã vào sâu đất liền tới 12km, các hoạt động sản xuất nông nghiệp đều bị ảnh hưởng nặng”.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, mực nước biển dâng có thể gây hậu quả nghiêm trọng tới sinh kế và cuộc sống của người dân tại khu vực ven biển. Có khả năng là các vùng đất màu mỡ sẽ bị ngập lụt hoặc nhiễm mặn. Các cánh đồng nuôi tôm, cua có thể phải di chuyển tới những nơi khác. Nghề cá ven bờ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Các vùng cửa sông có thể bị thay đổi do thay đổi chế độ triều và dòng chảy. Các đầm lầy ven biển, là khu vực sinh sống của nhiều loài cua cá và chim biển, sẽ bị đe doạ do nước biển dâng. Đa dạng sinh học của Việt Nam có thể bị suy giảm mạnh và các khu vực sinh cư đặc thù của động vật biển có thể biến mất. Điều này làm tăng áp lực khai thác đất đai và sẽ làm gia tăng nạn phá rừng để làm nhà và trồng trọt. Kết quả của phá rừng là đa dạng sinh học sẽ bị suy giảm, xói lở gia tăng và ngập lụt trở nên nghiêm trọng hơn.

Nâng cao nhận thức và năng lực ứng phó

Theo GS.TSKH Trương Quang Học, Trưởng ban Biến đổi khí hậu (Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường), dù chịu ảnh hưởng nặng nề như vậy nhưng nhận thức của đa số người dân và cả cán bộ chính quyền, đoàn thể quần chúng về BĐKH còn rất mơ hồ, về cả phạm vi và mức độ tác động cũng như các biện pháp thích ứng. Hầu như người dân mới chỉ hiểu đơn giản BĐKH là thiên tai trong khi các cấp chính quyền lại chưa có khái niệm về trách nhiệm và các giải pháp có thể tổ chức cho cộng đồng ứng phó với BĐKH, trừ một số kinh nghiệm phòng chống thiên tai truyền thống.

Cũng theo ông Học, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương trong ứng phó với BĐKH còn thiếu. Lãnh đạo các cấp chưa có nhận thức đầy đủ về những kỹ năng cần thiết để tích hợp các yếu tố BĐKH vào từng quy hoạch, kế hoạch và chương trình phát triển, đặc biệt chưa gắn kết biến đổi khí hậu với các hoạt động giảm đói nghèo và tạo việc làm. “Vấn đề đầu tiên chúng ta cần phải làm ngay đó là nâng cao nhận thức và năng lực của cán bộ, của tất cả các nhóm đối tượng trong cộng đồng”, ông Học nói.

TS. Vũ Thanh Ca đưa ra 16 khuyến nghị như: nâng cao nhận thức cộng đồng; bổ sung hoàn thiện chương trình cộng đồng ứng phó BĐKH; tạo sinh kế, chuyển đổi nghề nghiệp cho những cộng đồng có khả năng bị ảnh hưởng BĐKH; trồng rừng ngập mặn; tăng cường công tác bảo vệ môi trường.../. 

Nguồn: Đài Tiếng nói Việt Nam