Các nước giàu ngày 16/12 đã cam kết đóng góp khoảng 22 tỷ USD để cấp tài chính cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, động thái được coi là "liều thuốc bổ lớn" cho Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu, đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ do những bất đồng về khoản đóng góp và mức cắt giảm khí thải cácbon giữa các nước.
Nhật Bản là quốc gia đi đầu trong nỗ lực trên khi cam kết đóng góp một khoản tiền khổng lồ 1.750 tỷ yen (19,5 tỷ USD), trong đó có 1.300 tỷ yen quỹ công, để giúp các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu, nếu một thoả thuận toàn diện được ký kết tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu, bế mạc ngày 18/12 tại Copenhagen (Đan Mạch).
Nhật Bản, cùng với 5 nước là Australia, Anh, Pháp, Na Uy và Mỹ, nói rằng họ sẽ thành lập một quỹ "chống thất thoát rừng", vì nạn chặt phá rừng là một trong những căn nguyên then chốt làm nhiệt độ Trái Đất nóng lên mà giới khoa học cảnh báo có thể gây ra hạn hán và bão lụt nếu vấn đề này không được kiểm soát.
Châu Âu cam kết sẽ đóng góp 7,2 tỷ euro (10,2 tỷ USD) cho quỹ, dự kiến trị giá 30 tỷ USD, để giúp các quốc gia đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2010-2012.
Tại thời điểm này, Mỹ vẫn chưa chính thức công bố khoản đóng góp cụ thể của mình, song Washington đã đánh tiếng rằng nước này sẽ cấp một "khoản hậu hĩnh".
Trong một tuyên bố chung, Chính phủ các nước Nhật Bản, Australia, Anh, Pháp, Na Uy và Mỹ cũng cho hay họ sẽ đóng góp tổng cộng 3,5 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2012, trong một động thái mà họ hy vọng sẽ chỉ là điểm khởi đầu cho quỹ "chống phá rừng" do các nước giàu lập nên.
Các tuyên bố và cam kết nói trên được mong đợi sẽ tạo đà mới cho Hội nghị Copenhagen khi các đại biểu lo ngại rằng vẫn còn một khối lượng công việc rất lớn chưa làm được để ký một thoả thuận cuối cùng. Bộ trưởng Môi trường Anh Ed Miliband quan ngại rằng thoả thuận có thể bị đổ vỡ.
Trong khi đó, các nước đang phát triển, dẫn đầu là Trung Quốc, đã cáo buộc nước chủ nhà Đan Mạch thiếu minh bạch khi sử dụng ngôn ngữ trong thoả thuận mà không có sự tham vấn đầy đủ của tất cả 194 nước tham gia hội nghị.
Tổng thống Venezuela Hugo Chaves nói: "Hiện có một nhóm quốc gia nghĩ rằng họ có thiện chí với thế giới thứ ba hơn chúng tôi".
Hội nghị Copenhagen sẽ lên đến cực điểm vào ngày 18/12, khi các nhà lãnh đạo, trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama, đưa ra một chiến lược giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu vào cuối năm 2012, thời điểm Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực.
Ông Obama đã đề xuất mức cắt giảm 17% lượng khí thải cácbon của Mỹ vào năm 2020 từ mức của năm 2005, thấp hơn nhiều so với cam kết giảm của Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản.
Các cuộc thương lượng tại Hội nghị Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu ở Copenhagen, Đan Mạch, đã lâm vào bế tắc tối 16/12 khi chỉ còn 48 giờ nữa là đến thời điểm bế mạc hội nghị và là lúc cộng đồng thế giới hy vọng đón nhận một cam kết cuối cùng, được coi là công cụ hiệu quả bảo vệ môi trường Trái Đất.
Các nguồn tin cho biết không khí căng thẳng bao trùm hội nghị, khi có những thông tin về một dự thảo thỏa thuận mới do nước chủ nhà Đan Mạch đề xuất. Nhiều nước cho rằng nội dung của dự thảo này đã không "đếm xỉa" đến những đề xuất mà các nhóm làm việc đưa ra. Mặc dù trước đó một số nước giàu đã có những cam kết đóng góp tài chính cho các nỗ lực chống biến đổi khí hậu, đặc biệt chống sa mạc hóa.
Các nước Nhóm 77 (gồm hơn 130 nước đang phát triển) cảnh báo sẽ không chấp nhận một văn bản thương lượng mà nội dung không phải là những gì mà các nhóm làm việc đã đề xuất.
Nhà thương lượng chính của Trung Quốc tại hội nghị cho rằng đề xuất của Đan Mạch thể hiện cách làm việc không minh bạch và xem thường những nỗ lực thương lượng chuẩn bị cho hội nghị từ hai năm qua. Một số nhà thương lượng của các nước đang phát triển còn bi quan cho rằng Hội nghị Copenhagen sẽ như con tàu Titanic, sẽ chìm trong thất bại.