Kết quả quan trắc mới đây về chất lượng không khí giao thông do Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM (CCBVMT) công bố cho thấy tình trạng ô nhiễm không khí do bụi, chì, tiếng ồn đang báo động mạnh.
Theo đó, TP vẫn còn 89% mẫu kiểm tra không khí tại 6 trạm quan trắc không đạt tiêu chuẩn cho phép và ở mức nguy hại.
Ô nhiễm bao vây thành phố
Đây là kết quả công bố mới nhất trong năm 2009 được đo tại các địa điểm trên địa bàn TPHCM với năm thông số để đánh giá mức độ ô nhiễm không khí bao gồm: Bụi, chì, tiếng ồn, khí oxít-cacbon (CO) và oxít-nitơ.
Theo Cục Bảo vệ Môi trường (CBVMT), ô nhiễm không khí ở mức độ cao tập trung chủ yếu ở các khu vực: Xung quanh ngã tư An Sương, quận 12, Khu công nghiệp Tân Bình, Khu chế xuất Tân Thuận, Linh Trung... Nồng độ chì đo được tại các trạm quan trắc này từ đầu năm 2009 đến nay thường dao động ở ngưỡng 0,22 - 0,38g/m³. Nồng độ NO2 đo được tại các trạm quan trắc cũng vượt tiêu chuẩn cho phép.
Theo CCBVMT, mức độ ô nhiễm nhất là bụi và tiếng ồn tăng dần lên. Điển hình tháng 1/2009, tại ngã ba Huỳnh Tân Phát - Nguyễn Văn Linh, nồng độ bụi cao hơn từ 1,03-1,23 lần so với tiêu chuẩn cho phép thì trong tháng 2.2009 nồng độ bụi nơi đây cao hơn gần 2,47 lần.
Tại ngã tư An Sương mức độ ô nhiễm do bụi ở đây có lúc lên tới 1,44mg/m³, vượt tiêu chuẩn cho phép 4,8 lần.
Trong khi đó, tiếng ồn trong các năm từ 2006 đến cuối năm 2009 vẫn chưa được cải thiện. Các chỉ số ở trạm quan trắc tại ngã tư An Sương cho thấy 100% số liệu quan trắc về ô nhiễm tiếng ồn ở đây đều vượt tiêu chuẩn cho phép.
Bệnh hô hấp tăng từng năm
Tại hội nghị khoa học bệnh phổi toàn quốc được tổ chức vào tháng 11/2009 ở TPHCM, các chuyên gia đã cảnh báo: 26 bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng đều liên quan đến ô nhiễm môi trường. VN thuộc nhóm quốc gia có tỉ lệ tử vong do các nguyên nhân liên quan đến ô nhiễm không khí ngoài trời cao nhất, khoảng 200-230 ca/triệu dân/năm.
Hàng năm, ước tính VN có 16.000-20.000 ca bệnh có căn nguyên từ ô nhiễm không khí ngoài trời. VN có tỉ lệ tử vong do ô nhiễm không khí trong nhà cao ở mức thứ hai, khoảng 300-400 ca/triệu dân/năm, tương đương 24.600-32.800 ca bệnh/năm.
Trẻ em ở lứa tuổi học đường sống quanh các nút giao thông có biểu hiện triệu chứng rõ rệt tới sức khoẻ như kích thích các hệ cơ quan mắt, mũi, họng, da và thần kinh thực vật. Theo thống kê năm 2008, tại TPHCM, các BV: Chợ Rẫy, Nhân dân Gia Định, 115, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Trãi, Tai - Mũi - Họng và hai BV nhi là Nhi Đồng 1, 2 cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân bị đường hô hấp và bệnh phổi đang tăng mạnh so với nhiều năm trước đó.
Thống kê trong vòng 10 năm trở lại đây tại BV Nhi Đồng 1 TPHCM, cho thấy số trẻ nhập viện do các bệnh liên quan đến hô hấp, bệnh viêm tai giữa, bệnh suyễn hay dị tật bẩm sinh tăng mạnh từng năm...
Theo PGS-TS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hô hấp TPHCM, tỉ lệ bệnh nhân hen được kiểm soát bệnh tại VN vẫn còn cực kỳ thấp: Chỉ 1%! Theo bà Lan, yếu tố làm gia tăng bệnh nhân hen hàng đầu hiện nay tại TPHCM là do ô nhiễm môi trường "không thể tưởng tượng được".
Theo khuyến cáo của các BS khoa Tạp bệnh phổi - Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Phạm Ngọc Thạch TPHCM thì, với môi trường sống và lao động ngày càng ô nhiễm như hiện nay thì nguy cơ mắc phải những bệnh về đường hô hấp và bệnh phổi là không thể tránh khỏi.
Các chuyên gia y tế cũng như môi trường đều xác định nồng độ bụi (TSP, PM10) và CO vượt tiêu chuẩn cho phép là một trong những “hiểm họa” cần báo động.