Hải Phòng: Phát triển mô hình vườn cây du lịch sinh thái ở đảo Cát Bà

Cập nhật: 29/12/2009
Với đặc thù địa hình vườn đồi xen kẽ các khu vực dân, các xã ở đảo Cát Bà như Trân Châu, Gia Luận, Xuân Đám.. đang phát triển mô hình vườn cây ăn quả du lịch sinh thái. Đây là mô hình mang lại lợi ích thiết thực, tăng thu nhập từ sản phẩm hoa quả và dịch vụ du lịch đi kèm.

Một số địa phương vận động người dân trồng cây theo mô hình vườn rừng kết hợp phát triển làng du lịch sinh thái trong đó trồng các loại cây ăn quả đặc sản của địa phương như cam giấy. Đây là cách đón đầu cơ hội phát triển, thu hút khách du lịch, nhất là du khách nước ngoài, đến khám phá thiên nhiên tại đảo Cát Bà ngày càng đông, đặc biệt từ khi có chủ trương xây dựng khu  du lịch suối khoáng nóng Xuân Đàm. Trừ chi phí, mỗi năm các gia đình ở đây có thu nhập từ  20 đến 40 triệu đồng từ hoa quả và dịch vụ du lịch.

Nhiều gia đình ở Gia Luận, Xuân Đàm, Trân Châu…mạnh dạn phát triển mô hình vườn- rừng, đưa phương thức canh tác bền vững trên đất dốc và sản xuất, vừa phủ đất xang trống, đồi trọc, vừa tạo sản phẩm du lịch sinh thái. Ngoài cam giấy, nhiều gia đình ở Gia Luận, Xuân Đám mở rộng diện tích trồng thông khai thác nhựa kết hợp nuôi ong mật, trồng cây hồng, vải, nhãn.. tạo những  sản phẩm đặc thù ở khu Dự trữ sinh quyển Thế giới Cát Bà.

Chủ tịch UBND xã Trân Châu Đỗ Văn Lượng cho biết, tuyến đường du lịch sinh thái dẫn vào khu leo núi mạo hiểm ở thôn Liên Minh là sự kết hợp phát triển kinh tế vườn, dịch vụ du lịch mà nhiều hộ dân tận dụng.

Thực tế, đây là một khu vực có nhiều vườn đồi cây ăn quả thu hút đông khách đến dã ngoại, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên. Một số gia đình kết hợp cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng, khám phá vườn đồi với chế biến nhiều món ăn đặc trưng như gà Liên Minh, dưa chuột rau xanh vườn đồi... phục vụ du khách có nhu cầu.

Theo các hộ dân Liên Minh, làm du lịch qua mạng rất tiện ích. Leo núi là sở thích của nhiều vị khách nước ngoài, nhưng thưởng thức hoa quả ở đảo Cát Bà như cam, bưởi, hồng đến sản vật địa phương như mật ong rừng, gà liên Minh… cũng rất thú vị.

Đến Cát Bà, không chỉ khách nước ngoài, mà ngay cả du khách đến từ Hà Nội, Đà Nẵng hoặc người dân phương Nam luôn kèm theo lời nhắn: “hãy đưa chúng tôi đến những nơi mà du khách chưa ai đến”. Và họ cảm thấy thật sự mãn nguyện khi được sống trong thiên nhiên hoang dã và có những trải nghiệm về cuộc sống nơi đây.

Tuy nhiên, để phát triển mô hình rộng rãi, hiệu quả và nâng cao chất lượng, ngoài sự tìm tòi, tự làm của người dân, rất cần những  định hướng phát triển theo vùng, chính quyền huyện và người dân về vốn, kỹ thuật phát triển cây trồng vườn đồi. Mặt khác, nên hỗ trợ cách thức quảng bá, thu hút du khách như đến với Cát Bà ngoài tiềm năng về du lịch thăm các vịnh, hệ thống bãi tắm, vườn quốc gia, du khách còn được khám phá du lịch sinh thái tự nhiên. Nhiều du khách rất thích thú với tour du lịch sinh thái ở Cát Bà, được đi bộ, ở tại các nhà sàn trong rừng, được sống trong hơi thở của rừng nguyên sinh theo kiểu “du lịch sạch” và gắn với sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Để mô hình này được nhân rộng, chính quyền địa phương cần nghiên cứu, hợp tác triển khai những mô hình sinh thái cụ thể để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, độc đáo phục vụ du khách.

Nguồn: Báo Hải Phòng