Đắk Lắk có một "sản phẩm" độc đáo mà không một địa phương nào có, ấy là nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng ở Bản Đôn. Xa xưa, người ta đo đẳng cấp của một gia đình bằng số lượng voi. Kèm theo việc nuôi voi nhà là cả một hệ thống tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa có liên quan đến con voi, hình thành nên một "dòng" văn hóa về voi.
Ai từng sống trên mảnh đất này, mới thấm thía hết mọi nhẽ của việc "Đắk Lắk hết voi", mới thấy đó là một "nỗi đau" lớn của cả vùng đất cao nguyên này... Nguyên nhân thì ai cũng biết rồi, đó là do các chủ voi bắt voi làm việc quá sức, trong khi chế độ ăn quá thiếu thốn, khả năng sinh sản hạn chế, nạn săn bắt trộm voi nhà gia tăng...
Mất dần đất sống
Theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu trường Đại học Tây Nguyên, trong 310.000ha rừng tại khu vực có phân bố voi rừng của Đắk Lắk ở 3 huyện Buôn Đôn, Ea Súp và Ea HLeo, chỉ có khoảng 160.000ha rừng là an toàn cho voi (rừng đặc dụng và phòng hộ). Nhưng tình trạng phá rừng ở đây xảy ra liên tục đang làm diện tích đó ngày càng bị thu hẹp, khu vực sinh sống và tuyến di chuyển của voi bị thay đổi. Có những nơi như Ia Lơi, Ya Lốp, Ea RVê của huyện Ea Súp voi phải di chuyển qua vùng canh tác của con người, phải "sống chung" và gây mâu thuẫn với con người. Như thế, số phận của voi rừng cũng chẳng may mắn gì hơn voi nhà. Theo ông Hà Công Bình (Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Đắk Lắk), nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm số lượng đàn voi rừng là do sự "xâm chiếm" của từng đoàn người di cư, sự hiện diện của máy móc trong rừng gây ra tiếng ồn cũng làm đàn voi vốn già yếu càng bị hao mòn dần theo thời gian.
Hãy để voi "yêu nhau"
Hiện nay, voi nhà Đắk Lắk không chỉ ít về số lượng mà còn kém về chất lượng vì khoảng 30% đã trở thành "cụ voi" nên khả năng làm "chuyện ấy" đã "không còn được chị em tin tưởng". Trong suốt 30 năm trở lại đây, chỉ có 7/37 con voi cái đã và đang sinh sản, trong đó có một con voi cái của Công ty Cao su Đắk Lắk đã mang thai được 17 tháng và đang chuẩn bị sinh (theo các nài voi ở Buôn Đôn, voi thường mang thai 24 tháng thì sinh). Như vậy, khả năng sinh sản của voi nhà là có, nhưng tỷ lệ rất thấp 0,6%/năm số voi cái có khả năng sinh sản. Nhưng thời gian qua, lại thiếu môi trường để voi gặp gỡ và giao phối vì chủ voi quản lý voi độc lập, ít thả cùng nhau, tập trung phục vụ du lịch và điều quan trọng là cơ chế phân chia lợi ích giữa chủ voi cái và đực. Chủ voi đực thường không được hưởng lợi trong việc sinh sản, đôi khi phải chịu vạ lây khi voi đực giao phối làm voi cái bị thương nên họ ngại thả voi của mình cùng voi cái.
Theo ông Nguyễn Kim Anh (Chủ tịch UBND xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn), lâu nay voi nhà sinh sản ít là do vào mùa động dục nó rất hung dữ và có thể tấn công cả nài voi, vì thế người ta phải xích vào gốc cây lớn, bỏ đói nhiều ngày làm cho nó kiệt sức để kìm hãm tính hung dữ của nó. Nếu mùa động dục tất cả voi nhà đều được thả vào rừng để chúng được tự do kết bạn thì khả năng có bầu của những con voi cái còn trong độ tuổi sinh đẻ là rất cao. Vì thế trước mắt tỉnh cần giao cho một ngành chức năng, vận động và có chính sách hỗ trợ các hộ dân, các doanh nghiệp có voi, đến mùa động dục (từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau) thì đưa chúng vào Vườn Quốc gia Yok Đôn thả cho chúng được sống tự do. PGS.TS. Bảo Huy (Trưởng nhóm lập dự án Bảo tồn voi Đắk Lắk của trường Đại học Tây Nguyên) cho rằng: "Voi cũng có nhu cầu về môi trường như con người, do vậy phải có môi trường thích hợp để tìm hiểu, gặp gỡ và giao phối diễn ra kín đáo. Môi trường đó không gì ngoài môi trường rừng tự nhiên".
Nhiều chuyên gia khác đề nghị, đã đến lúc tính tới biện pháp thụ tinh nhân tạo cho voi nhà. Đây là phương pháp chưa ai làm cho voi, nhưng hoàn toàn có thể thành công và từ đó sẽ mở ra một cách bảo tồn voi nhà có tính bền vững cao. Ông Nguyễn Kim Anh còn đề nghị: "Nhà nước nên xem xét và cho phép đồng bào mỗi năm vào rừng săn bắt một đến hai con voi rừng, đưa về thuần dưỡng để vừa bổ sung cho đội ngũ voi nhà vừa duy trì một sinh hoạt văn hóa nổi tiếng của Bản Đôn vì hiện voi rừng ở huyện Buôn Đôn và Ea Súp còn khá nhiều (khoảng trên 40 con)".
Thành lập Trung tâm bảo tồn voi ở đâu ?
Sau một năm khảo sát và nghiên cứu (từ tháng 1 đến tháng 12/2009), nhóm Tư vấn trường Đại học Tây Nguyên đã hoàn thành Dự án Bảo tồn voi Đắk Lắk giai đoạn 2010 - 2014 và đề xuất xây dựng Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk với diện tích 200ha tại Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn. Lý do nhóm đề xuất xây dựng Trung tâm này ở đây vì nó giáp sông Sê-rê-pốc nên có nước cho voi sinh hoạt, có rừng khộp để cung cấp thức ăn cho voi, có môi trường và sinh cảnh phù với cuộc sống của voi. Thế nhưng, cuộc sống của voi ở đây sẽ ra sao khi 2 dự án đường Quốc lộ 14C và Nhà máy Thủy điện Sê-rê-pốc 4A đi vào hoạt động. Theo thiết kế, tuyến đường tránh của Quốc lộ 14C đi qua vùng lõi VQG Yok Đôn có chiều dài 56km, từ Km 221 đến Km 264 không ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái của VQG Yok Đôn. Nhưng từ Km 265 tại tiểu khu 253 - 408, do tránh đèo 502 nên chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án Đường bộ V (trực thuộc Cục Đường bộ Việt Nam) phải làm tuyến đường bê tông cấp 4 dài khoảng 13km cắt ngang vùng lõi VQG làm ảnh hưởng đến môi trường sống của voi và bò tót. Trong khi đó, việc xây dựng Nhà máy Thủy điện Sê-rê-pốc 4A có nguy cơ làm cả một đoạn sông Sê-rê-pốc dài khoảng 20km vào mùa khô sẽ cạn nước, có thể lội bộ qua một cách dễ dàng và điều đó có phải sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho lâm tặc qua sông chặt trộm gỗ và săn bắt thú rừng vì đoạn sông này chủ yếu nằm trong lãnh thổ của VQG.
Ông Vong Nhi (Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn) trăn trở: "Chúng ta phải khẳng định là việc phá hết rừng thì voi lấy đâu ra môi trường để sống. Trong khi đó, cách làm giữa các Bộ, ngành không đồng nhất, chồng chéo nhau, đất sống của voi bị thu hẹp. Quy hoạch dân cư ra sao, diện tích lâm nghiệp như thế nào để bảo vệ voi ? Cần có sự rõ ràng, mạch lạc những việc như vậy thì mới nên nghĩ đến việc lập Trung tâm bảo tồn".
Theo số liệu thống kê của Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, vào năm 1980 thì đàn voi nhà của tỉnh có 502 con, năm 1990 còn 298 con và đến năm 2000 giảm xuống còn 96 con. Trong cuộc khảo sát mới đây của nhóm tư vấn khoa Nông - Lâm nghiệp trường Đại học Tây Nguyên, năm 2009 còn 60 con voi nhà tập trung chủ yếu ở các huyện Ea Súp, Buôn Đôn và Lắc.