Chỉ khoảng hơn chục năm nữa, khi những nghệ nhân voi khuất núi, những con voi nhà cuối cùng chết đi, khi ấy voi Đắk Lắk nói riêng, voi Tây Nguyên nói chung sẽ chỉ còn là hoài niệm.
Trung tuần tháng 12/2009, tỉnh Đắk Lắk đã chi ra khoản tiền hơn 8 tỷ đồng để tổ chức Tuần Văn hóa-du lịch Buôn Ma Thuột. Việc lấy Huyền thoại voi Tây Nguyên làm chủ đề chính cho sự kiện này đã chứng tỏ voi và nghệ thuật săn bắt, thuần dưỡng, điều khiển voi… đang được nhìn nhận là có vai trò quan trọng trong việc tạo một sắc thái riêng, đặc trưng cho ngành du lịch ở vùng đất Cao Nguyên này. Tuy nhiên, số lượng voi nhà ở Đắk Lắk đang suy giảm nhanh chóng, nghệ nhân voi (Gru của các buôn làng) đã già yếu, nghề săn bắt, thuần hóa voi đã mai một...
Tỉnh Đắk Lắk hiện chỉ còn khoảng 60 voi nhà, tập trung chủ yếu ở 3 huyện: Buôn Đôn, Ea Súp và Lắk. Số voi này hầu hết đã xấp xỉ 40 tuổi. Trong điều kiện được chăm sóc tốt thì tuổi thọ trung bình của voi nhà là 60 năm. Như vậy chỉ khoảng 15 đến 20 năm nữa thôi, con voi nhà cuối cùng của Đắk Lắk sẽ chết. Thực trạng này khiến cho người nuôi voi hết sức lo lắng.
Ông Y Răng, nài voi ở Buôn Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn lo lắng: “Bây giờ toàn là voi già. Voi con thì không có”.
5 năm qua, đàn voi nhà ít ỏi của Đắk Lắk mất hơn 10 con, chủ yếu chúng chết vì già. Số lượng đàn voi nhà suy giảm, nghề voi cũng theo đó mà mai một. Huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, nơi tập trung voi nhà và nghệ nhân săn bắt và thuần dưỡng voi nhiều nhất thì hiện nay chỉ còn khoảng 30 người. Tuy nhiên các Gru này đều đã bước qua tuổi 60.
Ông A Ma Kông, Gru nổi tiếng nhất, người đã bắt được 300 con voi rừng, nay đã 99 tuổi. Điều đáng buồn hơn, hầu hết Gru này không còn có voi nữa. Việc truyền dạy nghề, kinh nghiệm cho thế hệ trẻ cũng không được duy trì. Nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng đang nghe “hồi chuông báo tử” ngay tại quê hương của nó.
Anh Y Sa Thích, một trong số ít thợ săn voi trẻ ở Buôn Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, nói: “Đây là nghề cha truyền con nối. Nhà nước nghiêm cấm không cho bắt voi rừng thì nghề này chắc cũng phải mất đi. Voi nhà ngày càng già chết đi. Bỏ nghề truyền thống thì sau này đương nhiên cũng sẽ không có Gru nữa. Thế hệ trẻ mà không có Gru dẫn đầu thì không dám đi bắt voi”.
Nghịch lý về kinh tế hiện nay cũng là nguyên nhân làm suy tàn nghề voi ở Đắk Lắk. Thu nhập do một con voi mang lại cho chủ của nó hiện chỉ khoảng 20 triệu đồng/năm, bằng 1/3 so với thu nhập từ 1 ha cà phê. Đa số chủ voi ở các buôn, làng tại Đắk Lắk hiện nay là người nghèo. Việc nuôi voi hầu như không đủ để họ nuôi sống gia đình. Nhiều người đã nuốt nước mắt bán voi. Số tiền từ 200 triệu đến 300 triệu đồng từ việc bán voi có thể đủ cho họ chuyển sang làm công việc khác dễ sống hơn. Trong số 60 con voi nhà hiện nay, có đến 29 con thuộc về các công ty, doanh nghiệp làm du lịch, những người hầu như không hiểu gì về voi. Với thực trạng này, chỉ vài năm nữa, người bản địa sẽ không còn sở hữu một con voi nào. Lúc đó, văn hóa đặc sắc về voi Tây Nguyên coi như bị xóa sổ. Ông Y Phôi Ni-ê, một nghệ nhân săn bắt và thuần dưỡng voi Buôn Ia-Rông, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn kiến nghị: Sau này, Nhà nước cần nghiên cứu giữa truyền thống săn bắt voi và bảo tồn voi thì đời sống của những người nuôi voi mới có thể phát triển được”.
Hằng năm, Đắk Lắk sử dụng voi vào các lễ hội, các chương trình văn hóa, du lịch nhằm quảng bá hình ảnh của mình, thu hút khách du lịch. Tuy nhiên việc đầu tư cho bảo tồn đàn voi nhà thì chưa được quan tâm. Chưa có một tác động nào để giúp cho người nuôi voi phát triển kinh tế. Chưa có một chính sách cụ thể nào cho việc bảo tồn đàn voi nhà. Việc duy trì đàn voi nhà chủ yếu là do người dân bản địa tự làm để họ có thể sống qua ngày.
Ông Võ Văn Tâm, Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cho rằng: “Người dân sử dụng voi làm du lịch để sống qua ngày, chứ chính quyền chưa nhập cuộc, chưa có một tác động gì để giúp cho chủ voi có điều kiện chi phí nuôi voi. Chúng ta chưa có một cơ chế, chính sách hoặc sự ràng buộc nhất định để quyết tâm bảo tồn đàn voi”.
Khi đàn voi nhà và nghề voi đứng bên bờ vực diệt vong, Đắk Lắk mới gấp rút thành lập Dự án Bảo tồn voi. Việc này tuy đã muộn, nhưng theo các nhà khoa học, vẫn mở ra khả năng lưu giữ được đàn voi nhà của Đắk Lắk. Điều quan trọng là cả xã hội phải có quan điểm đúng đắn, giải pháp đủ mạnh thì việc bảo tồn voi và văn hóa voi mới trở thành hiện thực.
PGS. TS Bảo Huy, người phụ trách chính việc lập Dự án Bảo tồn voi Đắk Lắk nói: “Lẽ ra chúng ta phải thành lập Dự án Bảo tồn voi từ năm 1985-1990. Lúc đó đàn voi nhà và voi rừng ở Đắk Lắk còn khá nhiều. Nhưng rất tiếc, chúng ta chủ quan khi nghĩ rằng việc tồn tại voi nhà là tất yếu của Đắk Lắk. Ta luôn luôn nói đến biểu tượng của voi nhưng không nghĩ đến việc đầu voi bị tuyệt chủng, suy thoái. Bây giờ chúng ta mới đang lập một dự án thì rõ ràng là hơi muộn”.
Nhưng theo PGS Bảo Huy, việc thành lập dự án bảo tồn voi dù muộn nhưng vẫn có khả năng làm được. Điều cơ bản nhất là chúng ta phải nhận thức được bảo tồn voi là bảo tồn đa dạng sinh học, một loài thú lớn còn sót lại. Đồng thời bảo tồn voi là bảo tồn các truyền thống văn hóa tốt đẹp, mang dáng vóc lịch sử của Việt Nam từ ngàn đời.
Voi Tây Nguyên đang dần trở thành hoài niệm. Một sắc thái đặc trưng, một điểm nhấn quan trọng cho cho ngành văn hóa, du lịch Đắk Lắk. Để tránh được tương lai đáng buồn, trách nhiệm không chỉ thuộc về các cấp chính quyền tỉnh Đắk Lắk. Phải có thêm cơ chế hợp lý, sự bảo hộ kịp thời của các Bộ, ngành liên quan, thì khi đó đàn voi nhà cùng văn hóa voi của Đắk Lắk mới có thể trường tồn, góp phần làm phong phú không gian văn hóa cồng chiêng, tạo thêm sức hấp dẫn cho vùng đất này./.