Thủy điện Sapa sẽ 'phá hủy' sinh thái

Cập nhật: 13/04/2010
Hiện tại, có 5 dự án thủy điện được triển khai xây dựng tại khu du lịch Sapa (gồm các nhà máy thủy điện Lao Chải, Séo Chung Hô, Sử Pán 2, Nậm Coong, Nậm Củm).

Trong tương lai, số nhà máy thủy điện ở Sapa có thể sẽ lên đến 17. Điều này khiến nhiều người lo lắng về hình ảnh Sapa đẹp đẽ và mộng mơ sẽ biến mất.
Phát triển thủy điện ồ ạt sẽ gây tác hại lớn
Theo tiến sĩ Lưu Đức Hải, Chủ nhiệm khoa Môi trường, ĐH Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, địa hình Sapa rất dốc, lại có nhiều sông suối, tận dụng tiềm năng này để phát triển thủy điện là một hướng đúng. Nhưng xây dựng thủy điện với mật độ quá dày có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái và các hoạt động kinh tế xã hội của người dân.  

Tác động tiêu cực dễ nhận thấy nhất mà thủy điện sẽ gây ra ở Sapa là sự thay đổi cảnh quan tại nhiều danh thắng mà sông suối chảy qua như bản Hồ, bản Tả Van, suối Mường Hoa, suối La Ve… làm suy giảm lợi nhuận du lịch.
Hồ chứa của thủy điện sẽ chiếm một diện tích đất không nhỏ, mà trong quá khứ có thể là đất canh tác nông nghiệp của người địa phương. 
Mặt khác, việc xây dựng các công trình thủy điện cũng làm đảo lộn môi trường sinh thái. Từ sông suối có mực nước thấp, dòng chảy mạnh, khi trở thành những hồ chứa nước có mực nước sâu, dòng chảy yếu, sinh ra nhiều khí metal, nhiều loài sinh vật bị tiêu diệt. Việc đắp đập sẽ khiến nhiều loài cá không thể di chuyển đến khu vực sinh đẻ, không còn chỗ tái sinh các thế hệ tiếp theo và có nguy cơ biến mất trên sông suối.
Tiến sĩ Hoàng Xuân Cơ, giảng viên bộ môn Sinh thái môi trường, ĐH Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định: “Các công trình thủy điện cỡ nhỏ như ở Sapa chỉ nên được phát triến nếu đáp ứng được yêu cầu đa mục đích”. Ví dụ, ngoài việc cung cấp năng lượng, đập thủy điện phải phân phối nước cho hoạt động thủy lợi, các hồ chứa có thể tạo cảnh quan phục vụ du lịch, mạng lưới điện được dẫn vào những bản làng chưa có ánh đèn.
Trong trường hợp cái hại nhiều hơn cái lợi, công trình thủy điện không đem về lợi ích gì cho người dân địa phương, lại phá vỡ cảnh quan thiên nhiên vốn có thì dứt khoát không nên xây dựng.
Cần nghiên cứu đầy đủ về tác động của thủy điện
Theo tiến sĩ Lưu Đức Hải, việc quy hoạch nghiên cứu xây dựng các công trình thủy điện phải giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực này, mà thủy điện gây ra cho môi trường và dân cư. “Không thể vì phát triển thủy điện mà ảnh hưởng đến đời sống người dân và hoạt động du lịch. Có phát triển bền vững thì chúng ta mới duy trì được môi trường tài nguyên cho thể hệ mai sau hưởng thụ”, tiến sĩ Hải nói.

Còn tiến sĩ Hoàng Xuân Cơ cho rằng, bản thân các công trình thủy điện không có lỗi, lỗi là ở người làm thủy điện không có đánh giá nghiêm chỉnh và không có phương án kỹ thuật hợp lý để giảm thiểu những tác động tiêu cực của công trình thủy điện tới môi trường. Đây là vấn đề phải nghiên cứu trên phương diện chính sách, công nghệ và nhu cầu thực tế của địa phương. Từ đó, nhà xây dựng sẽ đưa ra đánh giá đúng cho quy hoạch thủy điện, xác định số lượng bao nhiêu là hợp lý, địa điểm nào có thể xây nhà máy, địa điểm nào không.   
Cùng chia sẻ quan điểm trên, ông Trịnh Lê Nguyên, giám đốc Trung tâm Con người và thiên nhiên cho rằng trong quá trình xây dựng công trình thủy điện, việc đắp đập, ngăn sông, xây hồ chứa sẽ gây tác động lớn đến điều kiện tự nhiên ở Sapa. “Những tác động về môi trường sinh thái cần phải được nghiên cứu đầy đủ trước khi các công trình thủy điện ở Sapa được triển khai xây dựng”, ông Nguyên nhận định.

Nguồn: Báo Đất Việt