Các nhà khoa học hiến kế cải tạo môi trường hồ Hà Nội 

Cập nhật: 10/05/2010
Cuối tháng 4/2010, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Nội tổ chức Hội thảo cải tạo môi trường các hồ ở Hà Nội. Đây là dịp để các nhà khoa học đóng góp ý kiến, đưa ra các giải pháp nhằm góp phần để các sông, hồ Hà Nội được "sống lại" và đỡ bị ô nhiễm.

Các nhà khoa học hiến kế cải tạo môi trường hồ Hà Nội 

GS.TS Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT TP Hà Nội nhấn mạnh: "Cải tạo môi trường nước hồ và giữ được nước hồ trong sạch bền vững là vấn đề không đơn giản, càng không phải là biện pháp đơn mà phải tổng hợp đa biện pháp. Chúng tôi hy vọng là giữa các nhà khoa học với các doanh nghiệp, các nhà quản lý trao đổi ý kiến về thực trạng chất lượng nước hồ của Hà Nội, tính chất đặc thù của từng hồ và đưa ra các giải pháp phù hợp xử lý nước hồ, bảo đảm chất lượng nước trong sạch, bền vững".

Ông Nguyễn Lê, TGĐ Cty TNHH một thành viên thoát nước Hà Nội cho biết, theo kết quả quan trắc chất lượng nước các hồ trong nội thành Hà Nội trong những năm qua cho thấy, các hồ chưa cải tạo tách nước thải đang ở tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng thuộc mức 4, hàm lượng COD dao động từ 100 đến 150mg/l, các chỉ tiêu phú dưỡng như Nitơ, Phốt pho đều vượt tiêu chuẩn cho phép từ 2-3 lần, nồng độ ô xy hoà tan trong nước hồ ở mức thấp, dao động từ 1-3mg/l. Lưu lượng nước thải chảy vào hồ đã vượt quá khả năng tự làm sạch của hầu hết các hồ, dẫn đến sự suy thoái chất lượng nước, thiếu hụt ô xy và làm tăng trầm tích trong hồ.

Bên cạnh thực trạng ô nhiễm, PGS. TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Hoá học Hà Nội nêu ra thêm một thực trạng khác là do công tác quản lý thiếu chặt chẽ và thống nhất nên niện hay, diện tích ao hồ đang bị lấn chiếm sử dụng với nhiều mục đích khác nhau làm giả khả năng điều hoà. Chẳng hạn, hồ Tây là hồ lớn nhất của Hà Nội với diện tích trước đây khoảng 600ha, đến năm 2004, diện tích bị thu hẹp chỉ còn lại gần 446 ha. Hồ Linh Quang từ 6ha nay chỉ  còn 5,2 ha. Phần lớn các hồ bị lấn chiếm để xây dựng nhà ở và các công trình dân dụng khác...

"Từng hồ tại thời điểm nào đó có thể được làm sạch bằng cách kết hợp các phương pháp cơ học, hoá lý, sinh học... nhưng để nước hồ luôn sạch, bền vững, cần bảo đảm hồ không bị tái ô nhiễm như hiện nay. Muốn thế, mỗi quận, mỗi cụm dân cư cần có trạm xử lý nước sinh hoạt. với các cơ sở sản xuất, bệnh viện nhất thiết phải có trạm xử lý nước riêng và quan trọng là hệ thống xử lý nước phải hoạt động thực sự. Nước thải phải xử lý đạt tiêu chuẩn mới được đưa ra các sông thoát nước của thành phố" -  Bà An nêu các đề xuất.

Nhận xét về hiệu quả xử lý  ô nhiễm nước ở một số hồ ở Hà Nội mà TP đã và đang triển khai thử nghiệm, các nhà khoa học đồng tình, về cơ bản, hầu hết các công nghệ xử lý ô nhiễm nước hồ đều có hiệu quả bởi khả năng giảm các chất gây ô nhiễm. Tuy nhiên, những giải pháp như vậy chỉ có thể bảo đảm chất lượng nước tức thời. Sau giai đoạn xử lý thì các thông số ô nhiễm lại tăng trở lại. Nguyên nhân chủ yếu là ở hầu hết các hồ thử nghiệm, nguồn nước thải sinh hoạt liên tục đổ vào hồ.

Bởi vậy, đề duy trì chất lượng nước hồ lâu dài, cần có cả chuỗi giải pháp tổng hợp, bao gồm cả giải pháp kỹ thuật, công nghệ và quản lý các nguồn nước thải, chất thải rắn vào hồ, đồng thời cần nạo vét định kỳ mọt phần bùn đáy hồ

Nguồn: Báo Hà Nội Mới Online