Khu dự trữ sinh quyển sông Hồng - điểm du lịch sinh thái tiềm năng

Cập nhật: 27/05/2010
Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng là khu dự trữ sinh quyển liên tỉnh Nam Định - Thái Bình - Ninh Bình, bao gồm cả Vườn quốc gia Xuân Thủy, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải và các vùng phụ cận. Phát triển du lịch sinh thái, khu vực có nhiều tài nguyên thiên nhiên này đang dần "thức dậy" với nhiều nét đặc sắc của một "trung tâm vùng du lịch lớn" tại Việt Nam.

Điểm đến đầy tiềm năng
Vùng đất ngập nước ven biển cửa sông Hồng cách Hà Nội chừng 100 km, có giao thông thuận tiện cả về đường bộ và đường thủy. Với một hệ thống các đền, chùa, lễ hội của vùng châu thổ sông Hồng, khu dự trữ sinh quyển này có tiềm năng rất to lớn về du lịch sinh thái.

Khu dự trữ sinh quyển đồng bằng sông Hồng hiện lưu giữ những giá trị đa dạng sinh học phong phú với nhiều loài quý hiếm và có tầm quan trọng quốc tế. Nơi đây là bến đỗ của 200 loài chim quý, trong đó có gần 60 loài chim di cư, hơn 50 loài chim nước. Khu dự trữ còn có sinh cảnh đặc sắc là những cánh rừng ngập mặn rộng hàng ngàn ha, đầm lầy mặn, bãi bồi ven biển và cửa sông... với những cái tên nghe rất ấn tượng: Cồn Lu, Cồn Ngạn, Cồn Mờ, Cồn Xanh… Rừng ngập mặn nơi đây cũng cung cấp nguồn lợi thủy sản phong phú cùng với 500 loài động thực vật thủy sinh, cỏ biển và nhiều loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, cá biển, vạng, trai, sò, cá tráp, rong câu chỉ vàng....

Bà Nguyễn Thanh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường, Tổng cục Du lịch cũng cho biết: bên cạnh tài nguyên thiên nhiên, du lịch tâm linh gắn với nhiều di tích lịch sử, sự phát triển của Phật giáo cùng các tôn giáo, tín ngưỡng khác như: quần thể di tích đền Trần, chùa Dâu, chùa Keo, Phủ Giầy… và những di sản văn hóa phi vật thể như múa rối nước, hát chèo, chầu văn… sẽ là sản phẩm du lịch chính của vùng đất này.

Mới đây, các chuyên gia của tổ chức UNESCO cũng cho rằng việc xây dựng "Con đường di sản" vùng ven biển miền Bắc bao gồm: Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà, khu Di sản Thiên nhiên Hạ Long, Vườn quốc gia Bái Tử long sẽ làm nên một dải địa hình ven biển đầy cảnh sắc và có sức hấp dẫn du lịch đến kỳ lạ.

Phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng

Ý tưởng về khu du lịch liên tỉnh vùng đất ngập nước đồng bằng sông Hồng với những điểm đặc sắc của thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hóa có lẽ đã được hình thành từ nhiều năm trước. Song đến năm 2006, ý tưởng đó dần trở thành hiện thực thông qua chương trình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng mà Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) thực hiện tại vùng ven biển tỉnh Nam Định.

Thực hiện ý tưởng đó, xã Giao Xuân, Giao Thủy (Nam Định) được lựa chọn để xây dựng chương trình thí điểm kết hợp du lịch cộng đồng với bảo tồn sinh thái và cải thiện đời sống người dân. Tham gia chương trình các hộ dân được hướng dẫn các kỹ năng phục vụ cơ bản, cách chế biến thực phẩm, nấu ăn. Đặc biệt là tập huấn để biết vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, gọn gàng. Nhờ đó, nhận thức của người dân về vệ sinh môi trường, bảo vệ rừng ngập mặn ven biển đã thay đổi nhiều...

Theo bà Nguyễn Thị Thu Huệ, Giám đốc MCD tại Việt Nam: ở Nam Định, mô hình du lịch sinh thái giờ đã thực sự tạo được sự liên kết, gắn bó quyền lợi của người dân với môi trường thiên nhiên, giống như xây dựng được thêm một hàng rào vô hình bảo vệ môi trường cho khu vực đất ngập nước này. Các "tua" du lịch sinh thái đi thăm Vườn quốc gia Xuân Thủy, làng chài, làng nghề và tuyến đê biển... giờ đã đi vào ổn định, bắt đầu thu hút hàng trăm khách du lịch trong và ngoài nước.

Thành công trong phát triển du lịch sinh thái tại vùng đất ngập nước đồng bằng sông Hồng một lần nữa được khẳng định qua việc khai thác du lịch mang tính chuyên nghiệp tại khu du lịch Vân Long tỉnh Ninh Bình. Từ một xã nghèo ven biển, nhờ phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, xã Gia Vân đã từng bước giúp khu du lịch Vân Long khẳng định được "thương hiệu" với du khách trong và ngoài nước. Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình: hàng năm, khu sinh thái Vân Long duy trì đều đặn số lượng khách đến, trung bình trên 50 nghìn lượt người, chủ yếu là khách quốc tế. Tại khu du lịch này đã có trên 500 lao động trực tiếp làm du lịch, với mức thu nhập trên 700.000 nghìn đồng/người/tháng.

Du lịch sinh thái cũng là cách lựa chọn hàng đầu với tỉnh Thái Bình khi xây dựng quy hoạch phát triển khu vực đất ngập nước Cồn Vành (huyện Tiền Hải). Trong tương lai không xa, tại Cồn Vành sẽ hình thành nên Khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao kết hợp với bãi tắm, bể bơi và khu vui chơi giải trí hiện đại. Đặc biệt, khu cây xanh được bố trí xen lẫn các khu chức năng, các kiến trúc nhà sàn, mái lá gắn với sông biển tạo nên vùng du lịch sinh thái đặc trưng của khu rừng ngập mặn ven biển cửa sông Hồng./.

 

 
Nguồn: : Nguồn: TTXVN