Môi trường du lịch an toàn

Cập nhật: 04/06/2010
Tại hội thảo quốc tế “Liên kết phát triển du lịch biển đảo và sông vùng đồng bằng sông Cửu Long” diễn ra tại Phú Quốc (Kiên Giang) hôm 28.5 vừa qua, có nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ của các chuyên gia du lịch nước ngoài. Đây được xem như sự phản hồi bổ ích, thiết thực để chúng ta có những chính sách hợp lý nhằm khai thác có hiệu quả thị trường du lịch quốc tế.

Môi trường du lịch an toàn

Giám đốc Công ty PADECO (Nhật Bản), ông Hiroyuki Kanzaki cho biết: “Khách du lịch Nhật Bản hỏi tôi: Sang Việt Nam du lịch có an toàn không? Đối với những quốc gia khác thì tôi không chắc để trả lời. Nhưng đối với Việt Nam, tôi khẳng định ngay với họ: môi trường du lịch Việt Nam còn an toàn hơn cả ở Nhật Bản”.

Ông Kanzaki chỉ rõ những điều mà du khách Nhật Bản mong muốn và thích thú, thường chọn sử dụng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chính là những tour du ngoạn thưởng thức cảnh quan thiên nhiên đồng quê, những tour du lịch đường sông.

Tham quan những vườn cây ăn trái, những khu sinh thái miệt vườn,... và thưởng thức những món ăn cá nướng,... Mặt khác, người Nhật cần đến những hướng dẫn viên biết nói tiếng Nhật, diễn tả được bằng ngôn ngữ Nhật Bản và ứng xử thân thiện. Ông Kanzaki khẳng định đây là những nhu cầu, sở thích lý thú của du khách Nhật Bản.

Khi được hỏi sẽ quay lại Việt Nam lần sau hay không thì chỉ có 39,5% khách du lịch Nhật Bản trả lời muốn trở lại Việt Nam lần thứ 2. Trong khi đó nhu cầu phục vụ du khách Nhật thỏa mãn đến 80%. Phải chăng chất lượng dịch vụ các khách sạn, hướng dẫn viên du lịch có những ứng xử để lại những ấn tượng không hay đối với khách du lịch Nhật Bản? Ông Kanzaki nhấn mạnh rằng một trong những vấn đề Du lịch Việt Nam phải quan tâm là yếu tố con người, tiếp đến là xây dựng thương hiệu, cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, cung cấp những tuyến mới, nhất là đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.

Vì hiện nay thị trường du lịch Việt Nam còn nhiều sản phẩm chưa được khách du lịch Nhật Bản biết đến. Những điều này có thể khai thác tốt ở ĐBSCL, đây cũng chính là khu vực có sức hút lớn đối với du khách Nhật Bản.

Hãy lưu ý đến những vấn đề nhỏ và rất nhỏ

Là vùng có tiềm năng để khai thác các loại hình sản phẩm du lịch chợ nổi trên sông, thế nhưng với những gì đang diễn ra, ĐBSCL còn nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm từ Thái Lan. Đó là cách quản lý các chợ nổi; khi du khách đến tham quan chợ nổi mà không có đầy đủ toilet hay bãi đậu xe, điểm trung chuyển ra vào thì thật khó để mời gọi khách du lịch. Vì thế, kinh nghiệm cho thấy là phải đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng để thỏa mãn nhu cầu thuận lợi đi lại cho du khách. Đây là những chia sẻ của các chuyên gia du lịch Thái Lan.

Các chuyên gia Thái Lan phân tích, vấn đề nguồn nhân lực, cách quản lý phải được giải quyết triệt để. Thực tế, Thái Lan đã có những chương trình quản lý du lịch, có ngành đào tạo công nghiệp du lịch. Điều quan trọng đặc biệt là các doanh nghiệp hài lòng với chất lượng và số lượng đào tạo. Để làm được điều này, Chính phủ Thái Lan huy động nhiều ngành tham gia làm du lịch.

Đối với Thái Lan, có những vấn đề phức tạp trong quá trình phát triển du lịch như tại một số cộng đồng địa phương, người dân bản địa không biết cách phục vụ khách du lịch. Vì thế bộ phận phát triển nguồn nhân lực nước này đi khắp đất nước để tuyên truyền, đào tạo và phân tích để họ hiểu, chung tay với Chính phủ làm du lịch sẽ mang lại lợi ích cho chính họ. Điều này được thực hiện tại nhiều cơ quan chứ không đơn thuần giao nhiệm vụ cho một cơ quan độc lập.

Do đó, các chuyên gia Thái Lan cho rằng du lịch ĐBSCL có thể khởi đầu bằng trách nhiệm của cơ quan chính phủ, Tổng cục Du lịch, các Sở VHTTDL địa phương phải tham gia suy nghĩ, tìm cách để phát triển sản phẩm du lịch khác biệt của địa phương mình.

Đặc biệt là phải trình bày đến cộng đồng dân chúng lợi ích du lịch mang lại đối với họ. Đồng thời phải xây dựng kế hoạch ngắn hạn, dài hạn để nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ, nếu không kế hoạch của các địa phương sẽ mâu thuẫn với kế hoạch của Chính phủ.

Mặt khác, hãy biết lắng nghe, lưu ý đến những vấn đề rất nhỏ từ các doanh nghiệp du lịch. Vì đó là những phản hồi bổ ích thực tế của các nhà làm du lịch, những người trực tiếp bán các sản phẩm du lịch. Riêng đối với đảo Phú Quốc cần phải xem xét lại thực trạng, thực tế hiện nay như thế nào? Một chuyên gia Thái Lan dẫn chứng: “Trong giờ giải lao của hội thảo, tôi dạo quanh khu Resort Thiên Hải Sơn (thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc) và quan sát rất kỹ. Tôi giật mình khi nhìn thấy các đường dẫn thoát nước từ khu du lịch này đổ thẳng ra biển tắm, tôi tự hỏi nếu khách du lịch vô tình nhìn thấy hình ảnh nước thải đổ thẳng ra biển như thế này thì liệu họ có dám tắm biển hay không?”.

Những vấn đề trên Thái Lan đã từng gặp phải, các chuyên gia phát triển dự án du lịch Thái Lan đã nhìn thấy và đề ra yêu cầu là các nhà hoạt động du lịch phải lưu ý đến nhiều yếu tố, dù là nhỏ nhất trong phát triển du lịch.

 

Nguồn: Báo Văn hóa