Để cứu di tích gò Đống Thây

Cập nhật: 21/06/2010
Sau khi Báo Du Lịch số 13 ra ngày 9/4/2010 đăng bài “Tiếng kêu cứu từ gò Đống Thây” phản ánh thực trạng khu di tích lịch sử gò Đống Thây (phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân, Hà Nội) bị xâm phạm, Toà soạn đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh của bạn đọc. PV Báo Du Lịch đã đến trao đổi với các cơ quan chức năng, người dân địa phương về những giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử gò Đống Thây…

Xâm chiếm di tích hàng chục năm nay

Nằm cách đường Nguyễn Trãi sầm uất và ồn ã không xa, từ lâu khu di tích lịch sử gò Đống Thây được Bộ VHTT trước đây (nay là Bộ VHTTDL) công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia cần được bảo tồn từ năm 1990) trở lên hoang phế, nhếch nhác với rác thải và cỏ dại cộng với sự xâm lấn của hàng chục ngôi nhà tạm siêu vẹo của một số hộ dân. Dẫn chúng tôi đi tham quan khu di tích, bà Nguyễn Thị Mùi, người đã gắn bó với di tích này suốt thời gian dài cho biết: “Gò Đông Thây gồm 7 gò thất tinh, là chiến trường quân Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của người anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ đại thắng 29 vạn quân Thanh, đây cũng là nơi chôn xác giặc năm 1789”. Vừa thắp nén nhang thơm khấn thần Gò, bà Mùi vừa tâm sự với chúng tôi: “Là người dân địa phương chúng tôi rất buồn trước sự hoang tàn của di tích lịch sử này, nguyên nhân một phần di tích chưa được đầu tư tu bổ nhiều nhưng ý thức của người dân sống ở nơi đây trong việc bảo tồn và gìn giữ di tích còn kém, hậu quả là rác thải vương vãi khắp nơi, ngày ngày tôi vẫn thường xuyên quét dọn, nhưng dọn đằng trước thì đằng sau lại có người bày bừa”. Không những vậy, theo sự tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay tại di tích gò Đống Thây có hai ngôi nhà chứa các hiện vật quý được khai qụât tại Xã Tắc và Nam Giao”.

Ông Nguyễn Hữu Kha, một người dân ở gần gò Đống Thây cho biết, trước đây gò Đống Thây chưa được đầu tư nên chỉ là gò đất hoang vơi cỏ dại và rác thải, ngày đó nhiều người đến đây chiếm đất của Gò để làm nhà sinh sống. Năm 1990, thực hiện theo quyết định số 993/QĐ-VHTT của Bộ Văn hóa Thông tin trước đây, gò Đống Thây được xếp hạng là di tích lịch sử nên các cấp chính quyền đã quan tâm đầu tư. Năm 1998, UBND TP. Hà Nội ký văn bản chỉ đạo Sở VHTT phối hợp với Sở Xây dựng, UBND quận Thanh Xuân và các đơn vị có liên quan lập dự án bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích gò Đống Thây. Trước hết là xử lý nghiêm tình trạng vi phạm đổ rác thải, phế liệu thải và các vi phạm về trật tự xây dựng, lấn chiếm đất trái phép tại khu di tích. Chính nhờ giải pháp đó, gò Đống Thây đã được xây tường bao kiên cố, một số hạng mục trong Gò cũng được tôn tạo. Thế nhưng, nói về thực trạng của Gò hiện nay, ông Kha ngán ngẩm cho biết: “Sau đó đến nay, hầu như gò Đống Thây lại không được đầu tư quan tâm đúng mức, ngay cả hàng rào bảo vệ được xây dựng cũng bị xuống cấp, khiến người dân nơi đây tiếp tục đổ rác thải vào khu di tích, tập kết vật liệu xây dựng, gạch ngói, sỏi đá... trong khuôn viên của gò dẫn đến cảnh nhếch nhác”.

Đến đây tìm hiểu sâu hơn về thực trạng di tích gò Đống Thây, chúng tôi thực sự bất bình trước sự ngang nhiên lấn chiếm khuôn viên di tích của một số hộ dân nơi đây. Họ đã bất chấp tất cả, cố tình xây nhà trên khuôn viên di tích, lấn chiếm diện tích đất di tích để mở hang quán, với ngổn ngang rác thải.

Giải pháp nào bảo tồn di tích Gò Đống Thây?

Luật Di sản Văn hóa quy định, di sản văn hóa là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại và nghiêm cấm các hành vi vi phạm di tích lịch sử văn hóa và ghi rõ: Bảo vệ di sản văn hóa không chỉ là nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức xã hội để giữ gìn vốn tài sản quý giá đó cho con cháu đời sau. Sự thiếu ý thức của người dân cộng với sự thờ ơ của cơ quan chức năng khiến nhiều di tích lịch sử có giá trị ngày càng xuống cấp trầm trọng, gò Đống Thây là một điển hình.

Theo sự quan sát của chúng tôi, một số hộ dân xây nhà ở trong khuôn viên của di tích đã vi phạm khoản b điều 32 Luật Di sản Văn hóa, việc xây dựng nhà tạm bợ, không chỉ vi phạm vành đai bảo vệ di tích mà còn làm ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích. Điều đáng nói, dù biết mình đang vi phạm trên đất di tích nhưng nhiều hộ dân sống ở nơi đây vẫn cố bám trụ bởi phần nhiều họ đều là người ở nơi khác đến, nếu di rời khỏi nơi đây thì họ không biết sẽ ở đâu. Bà Nguyễn Thị Nguyên sống trong khuôn viên di tích đã hàng chục năm nay cho biết, bà đang vi phạm khuôn viên di tích nhưng giờ không biết đi đâu. Nếu như các cơ quan chức năng có chính sách hỗ trợ thì gia đình bà sẵn sàng dọn đi nơi ở khác.

Ông Trần Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung cho biết, năm 1998 theo quyết định của UBND TP. Hà Nội, di tích lịch sử gò Đống Thây đã được bàn giao cho BQL danh thắng, Sở VHTT quản lý. Trong thời gian này khuôn viên di tích gò Đống Thây đã có 40 lều dựng tạm trong khuôn viên di tích. Từ đó đến nay, phường Thanh Xuân Trung đã nhiều lần ra quân giải tỏa những căn nhà tạm nhưng do nhiều lý do việc này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Phường cũng điều động người thường xuyên trông coi di tích gò Đống Thây, ngăn chặn các tệ nạn xã hội tại Gò.

Ở góc độ quản lý, Bà Nguyễn Thị Hòa, Phó BQL di tích danh thắng Hà Nội cho biết, năm 2009, trên cơ sở Quận Thanh Xuân cho tờ trình xin được đầu tư tu bổ di tích gò Đống Thây, UBND TP. Hà Nội đã quyết định giao cho Quận Thanh Xuân lập dự án tu bổ phát huy giá trị Gò. Trong tháng 7/2010, BQL di tích danh thắng Hà Nội sẽ tiến hành cho dọn dẹp vệ sinh, vận chuyển rác thải ra khỏi khu vực di tích.

Để di tích lịch sử gò Đống Thây phát huy hết giá trị, trở thành điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, nhất là vào dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, các cơ quan chức năng liên quan cần khẩn trương triển khai những giải pháp đầu tư tôn tạo, nâng cao ý thức của người dân, giải quyết các vấn đề còn tồn tại ở khu di tích để gò Đống Thây thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn của Du lịch Hà Nội.

Bảo Thưởng

Nguồn: Báo Du lịch