Công bố Khu Dự trữ sinh quyển thế giới lớn nhất Việt Nam

Cập nhật: 28/06/2010
Tối 24/6, UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức công bố Khu Dự trữ sinh quyển thế giới (DTSQTG) Kiên Giang. So với 5 Khu DTSQTG khác của Việt Nam đã được UNESCO công nhận thì đây là Khu DTSQTG lớn nhất tại VN cho đến thời điểm này.

Khu DTSQTG Kiên Giang có diện tích hơn 1,1 triệu ha, được UNESCO công nhận tại kỳ họp thứ 19 của Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển.

Tại lễ công bố, ông Bùi Ngọc Sương, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, Khu DTSQTG Kiên Giang tập trung sự phong phú, đa dạng và đặc sắc về cảnh quan và hệ sinh thái. Nơi đây hội tụ đầy đủ các yếu tố từ rừng tràm trên đất ngập nước, rừng trên núi đá - núi đá vôi đến hệ sinh thái biển. Tiêu biểu là thảm cỏ biển gắn liền với loài động vật quý hiếm là bò biển... Ông Sương cho biết thêm, để được UNESCO công nhận là Khu DTSQTG, công việc chuẩn bị trải qua nhiều gian nan. Các nhà khoa học trong nước và quốc tế phải liên tục tiến hành những cuộc khảo sát, nghiên cứu sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, từ tự nhiên đến xã hội của toàn bộ diện tích đề cử UNESCO công nhận.

Khu DTSQGTG Kiên Giang gồm có cả biển, đất liền và hải đảo với các vùng lõi thuộc Vườn Quốc gia (VQG) U Minh Thượng, VQG Phú Quốc và Bảo tồn biển, Khu rừng bảo vệ cảnh quan Kiên Lương và rừng ngập mặn ven biển. Có 6 hệ sinh thái, gồm hệ sinh thái rừng nguyên sinh và rừng thứ sinh với ưu thế cây họ dầu, rừng trên núi đá với ưu thế của ổi rừng, rừng ngập chua phèn, rừng ngập mặn, hệ sinh thái rú bụi ven biển, hệ sinh thái rạn san hô cỏ biển. Hơn 2.300 loài động thực vật, trong đó có 1.480 loài thực vật với 116 loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ và 57 loài đặc hữu; khoảng 860 loài động vật với 78 loài quý hiếm, trong đó có 36 loài đặc hữu.

Ông Lương Thanh Hải, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Kiên Giang cho biết, rừng ngập chua phèn trong khu vực rừng U Minh Thượng là hệ sinh thái điển hình. Trong vùng lõi có gần 3.000 ha rừng úng phèn được xếp hạng độc đáo, hiếm quí trên thế giới, mang những đặc điểm của rừng cực đỉnh nguyên sinh bởi các ưu hợp rừng tràm hỗn giao và rừng tràm trên đất than bùn. Bên cạnh đó, VQG U Minh Thượng được ví như một “Bảo tàng sống”. Chương trình MAB (Con người và Sinh quyển) Quốc tế khẳng định rằng, khó có thể tìm được một khu tương tự có tổng điểm giá trị ngang bằng với rừng U Minh Thượng của Việt Nam. Ngoài ra, còn có quần đảo Phú Quốc gồm 40 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó đảo Phú Quốc với diện tích 563 km2 là đảo lớn nhất nước ta. Hệ thống núi đá vôi Kiên Lương được đánh giá là đa dạng sinh học bậc nhất trên thế giới. Tại đây, các nhà khoa học đã tìm được nhiều loài động thực vật đặc hữu và loài mới bổ sung cho danh mục của thế giới. Đặc biệt Vườn Quốc gia Phú Quốc có rừng thường xanh nhiệt đới với rất nhiều loài cây cổ thụ nguyên sinh, thích hợp cho du lịch du khảo.

Không chỉ đa dạng về sinh cảnh, địa hình, Khu DTSQTG Kiên Giang có hệ thống di sản văn hóa rất phong phú và đa dạng, với 38 di tích lịch sử văn hóa và danh thắng được công nhận cấp quốc gia và cấp tỉnh. Đặc biệt, VQG U Minh Thượng là trung tâm của Di tích căn cứ cách mạng U Minh Thượng với 21 di tích. Đến U Minh Thượng, du khách có thể vào rừng câu cá, hái rau rừng, ăn những món ăn dân dã từ thời mở đất và tìm về với cội nguồn lịch sử dân tộc. Di tích lịch sử - thắng cảnh Hòn Đất với hệ thống hang đá chằng chịt ăn thông với nhau, là chỗ dựa vững chắc cho căn cứ cách mạng trong thời kỳ chống ngoại xâm.

Bên cạnh đó, Hà Tiên được ví như “bức tranh lụa thiên nhiên”.  Nơi đây có nhiều danh thắng và di tích quốc gia như Thạch Động, Mũi Nai, núi Đá Dựng, đầm Đông Hồ...

Với giá trị và tiềm năng vô cùng to lớn của Khu DTSQTG Kiên Giang, ông Sương khẳng định, chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang sẽ quyết tâm gìn giữ, bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường của Khu DTSQTG Kiên Giang để thu hút các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, bạn bè quốc tế tham gia bảo tồn, phát huy và khai thác hợp lý tiềm năng của Khu DTSQTG này.

Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam: Tài sản quý ứng phó với tác động xấu của biến đổi khí hậu
Trưởng đại diện của UNESCO tại Việt Nam cho biết, Khu DTSQTG Kiên Giang là một thành viên quan trọng của mạng lưới toàn cầu các Khu DTSQ của UNESCO. Trong đó, Kiên Giang đại diện cho những hệ sinh thái nhiệt đới và đa dạng nhất, là một trong những Khu DTSQ có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Nơi đây những cơ hội tuyệt vời cho phát triển du lịch, đặc biệt là sinh thái, đồng thời là tài sản quý để ứng phó với những tác động xấu của biến đổi khí hậu. Vì thế, Kiên Giang cần có mục tiêu gắn kết bảo tồn hệ sinh thái qua các nghiên cứu khoa học và những hoạt động quản lý cẩn trọng, với những cam kết tích cực, cần có sự chủ động của cộng đồng địa phương để cùng chung tay xây dựng mối quan hệ hài hoà giữa con người và thiên nhiên.

ĐBSCL là vùng chịu ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển tại Hội thảo quốc tế về “Giải pháp thích nghi với biến đổi khí hậu tại vùng ĐBSCL” do Diễn đàn Hợp tác Kinh tế ĐBSCL tổ chức sáng qua (24.6), tại Kiên Giang với sự chủ trì của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ TN&MT và UBND tỉnh Kiên Giang.

Tham dự hội thảo có đại diện các Bộ, ngành liên quan; các nhà khoa học, chuyên gia môi trường trong và ngoài nước; các tổ chức quốc tế GTZ, UNDP, UNESCO... Ông Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, ĐBSCL là vùng có tiềm năng kinh tế dồi dào nhưng cũng là vùng dễ tổn thương và chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu. Ông Hiển dự báo đến năm 2100, mực nước biển có thể dâng lên 1m, khi đó khoảng 40% diện tích của ĐBSCL sẽ bị ngập. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hệ thống hạ tầng trong vùng.

Tối qua, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế ĐBSCL cũng đã tổ chức vinh danh 10 tổ chức, 30 doanh nghiệp và 5 cá nhân đã có những đóng góp và thành tích xuất sắc vì sự nghiệp phát triển bền vững của vùng ĐBSCL trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, có những đóng góp quan trọng để ứng phó với biến đổi của khí hậu, hướng đến nền sản xuất xanh, tạo động lực thu hút các nhà đầu tư.

P.V

Hoàng Hải