Bắc Cạn được thiên nhiên ban tặng hồ Ba Bể, là một trong 20 hồ nước ngọt đẹp nhất trên thế giới và được công nhận là di sản thiên nhiên của ASEAN, hồ nằm trên độ cao 500 m so với mực nước biển và được bao bọc bởi bốn bề là rừng núi đá xanh mướt của Vườn quốc gia Ba Bể. Nơi đây, núi non hùng vĩ, quanh năm khí hậu trong lành, nên có ưu thế về du lịch cảnh quan và nghỉ dưỡng. Bắc Cạn nằm trong chiến khu Việt Bắc, là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Ngày nay những di tích này là địa chỉ đỏ thu hút khách tham quan tìm hiểu lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng. Trên địa bàn tỉnh có nhiều hang động, thác nước đẹp; đồng bào dân tộc thiểu số cư trú lâu đời với những bản sắc văn hóa độc đáo, đây là tiềm năng để du khách bốn phương tìm hiểu, khám phá; địa hình hiểm trở, núi non trùng điệp là thế mạnh để tỉnh phát triển du lịch mạo hiểm.
Những tiềm năng và thế mạnh đó đến nay vẫn chưa được tỉnh khai thác có hiệu quả để phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, thu nhập cho nhân dân địa phương. Nguyên nhân chủ yếu là do, công tác tuyên truyền, quảng bá còn hạn chế, nên du khách nhiều nơi chưa biết về vẻ đẹp tiềm ẩn của hồ Ba Bể, đặc biệt là hạ tầng du lịch thấp kém không thu hút được khách. Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bắc Cạn Cao Sinh Hanh cho biết: Hạ tầng du lịch trên địa bàn không đồng bộ, vừa yếu, vừa thiếu, dịch vụ phục vụ du khách còn đơn sơ, chưa có sản phẩm đặc thù, đội ngũ cán bộ làm du lịch chưa chuyên nghiệp, được đào tạo cơ bản còn ít. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 1.300 phòng nghỉ các loại, nhưng chỉ có một khách sạn với gần 90 phòng nghỉ đạt tiêu chuẩn ba sao. Tại Vườn quốc gia Ba Bể, đến nay mới chỉ có ba nhà nghỉ với sức chứa 130 du khách, nhưng điều kiện ăn uống, nghỉ ngơi chưa đáp ứng được nhu cầu, không có chỗ vui chơi giải trí, nên không tạo được dấu ấn. Ðây là nguyên nhân chủ yếu làm cho du khách chỉ lưu lại trong thời gian ngắn và không muốn quay trở lại lần thứ hai. Vì thế, năm 2009 chỉ có khoảng 150 nghìn khách du lịch đến Bắc Cạn, trong đó có khoảng 10% là khách du lịch quốc tế và doanh thu du lịch đạt khoảng 40 tỷ đồng.
Thu hút đầu tư phát triển du lịch
Mặc dù hạ tầng du lịch trên địa bàn tỉnh còn yếu kém, nhưng Bắc Cạn không có vốn để đầu tư, hằng năm chỉ có nguồn vốn ít ỏi của chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương đầu tư về du lịch trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là từ năm tái thành lập tỉnh (1997) đến nay có khoảng 60 tỷ đồng được đầu tư vào hạ tầng du lịch trên địa bàn, trong đó chủ yếu đầu tư đường giao thông vào một số điểm du lịch. Ðể thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư phát triển du lịch, UBND tỉnh Bắc Cạn đã ban hành danh mục các dự án, chính sách thu hút, khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng du lịch. Theo đó, doanh nghiệp nào đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch thì tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, áp dụng các ưu đãi về thuế, miễn tiền thuê đất 15 năm, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực và ưu tiên khai thác một mỏ vàng. Mặt khác, doanh nghiệp nào khai thác một mỏ vàng thì phải đầu tư một dự án du lịch có mức đầu tư thấp nhất là 25 tỷ đồng, tỉnh không chấp nhận doanh nghiệp chỉ muốn khai thác vàng mà không đầu tư cho du lịch. Vì thế, chính sách này đến nay đã phát huy hiệu quả bước đầu.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Cạn Trương Chí Trung cho biết thêm: Bắc Cạn có tiềm năng, nhưng hạ tầng du lịch lại yếu kém nên tỉnh đang triển khai các chính sách ưu đãi thúc đẩy đầu tư phát triển hạ tầng du lịch phù hợp điều kiện đặc thù của Bắc Cạn. Khu vực bến xuồng Buốc Lốm ở xã Khang Ninh cách hồ Ba Bể 6 km trước đây là một bãi đất trống, chỉ toàn là cây dại và là bãi chăn thả gia súc của nhân dân địa phương, nay đang được Tổng Công ty cổ phần khoáng sản Na Rì HAMICO đầu tư 28 tỷ đồng xây dựng khu nghỉ dưỡng, giải trí có sức chứa 120 du khách. Chủ tịch HÐQT Tổng Công ty Nguyễn Văn Dĩnh khẳng định: Hiện nay chúng tôi đang đẩy mạnh xây dựng khu du lịch này với các khách sạn mi-ni, nơi ăn uống, khu vui chơi giải trí, tắm sóng, xông hơi, tạo cảnh quan để làm hài lòng du khách và dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác vào năm tới. Song song với việc đầu tư dự án du lịch này, Tổng Công ty cổ phần khoáng sản Na Rì HAMICO đang khai thác mỏ vàng sa khoáng Nà Làng ở huyện Na Rì. Thời gian qua Công ty cổ phần khoáng sản Long Ðạt cũng đã đầu tư 25 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp các khách sạn, xây dựng nhà đón tiếp khách, nhà hàng tại khu trung tâm Vườn quốc gia Ba Bể đạt tiêu chuẩn hai sao. Khu vực Thác Bạc - Áng Toòng cách thị xã Bắc Cạn 10 km trước đây toàn cây tạp, rừng nghèo kiệt, nhưng thời gian qua đã được Công ty cổ phần 19-8 tạo mặt bằng để đầu tư các khách sạn mi-ni, nhà hàng ăn uống, đường đi bộ, khoanh nuôi, trồng rừng, xây dựng khu du lịch sinh thái.
Sau gần hai năm, đến nay đã có 12 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh lập 12 dự án đầu tư du lịch trên địa bàn, trong đó đã có năm doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký 640 tỷ đồng và các doanh nghiệp đã giải ngân cho các dự án 82,5 tỷ đồng. Tỉnh cũng có biện pháp để các doanh nghiệp có dự án đầu tư khai thác vàng trên địa bàn chú trọng tham gia đầu tư du lịch. Theo đó, mỗi doanh nghiệp phải đặt cọc số tiền ít nhất bằng 20% dự án du lịch.
Tại Vườn quốc gia Ba Bể, hiện nay một số điểm du lịch cũng đã được đầu tư hoàn thiện về hạ tầng, động Hua Mạ là một trong những điểm nhấn thu hút du khách đã được đầu tư đường vào, điện chiếu sáng trong động, bãi đỗ xe; đường đi bộ đến Ao Tiên đã được làm mới. Hạ tầng khu du lịch động Nàng Tiên ở huyện Na Rì cũng đã được hoàn thiện để đón khách tham quan. Bên cạnh đó, tuyến đường từ thị trấn Phủ Thông (huyện Bạch Thông) vào khu du lịch hồ Ba Bể dài hơn 60 km đang được nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp 4 miền núi. Quốc lộ 279 kết nối quốc lộ 2 với quốc lộ 3 đi qua huyện Ba Bể sang huyện Na Hang (Tuyên Quang) đang được khẩn trương xây dựng. Khi cả hai tuyến đường này hoàn thành, không những kích thích phát triển kinh tế, xã hội các huyện phía bắc tỉnh Bắc Cạn mà du lịch hồ Ba Bể sẽ có thời cơ để phát triển. Ngành giao thông vận tải đã có chủ trương xây dựng tuyến đường cao tốc từ Thái Nguyên lên huyện Chợ Mới (Bắc Cạn), các tuyến tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh đã có kế hoạch để nâng cấp. Với việc hoàn thiện hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, tiềm năng du lịch của Bắc Cạn sẽ được đánh thức, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Việc thu hút đầu tư phát triển du lịch được doanh nghiệp đồng tình hưởng ứng, nhân dân ở những địa phương có tiềm năng du lịch ủng hộ. Nhưng đến nay có một số dự án du lịch chậm được triển khai, còn có vướng mắc bởi các thủ tục hành chính. Nguyên nhân chủ yếu là do, trong quá trình triển khai còn thụ động, lúng túng; năng lực tư vấn lập dự án phát triển du lịch còn nhiều hạn chế, nhiều điểm du lịch chưa có quy hoạch chi tiết nên có dự án mà chưa thể đầu tư.
Ðể giải quyết vấn đề này, thời gian tới tỉnh cần lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực, có tâm huyết đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn để tránh tình trạng lập dự án du lịch mà chậm hoặc không đầu tư. Mặt khác, tỉnh cần tăng cường chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư phát triển du lịch. Ðôn đốc, kiểm tra việc đầu tư các dự án du lịch nhằm bảo đảm các yêu cầu về tiến độ, quy mô, chất lượng, bảo vệ cảnh quan, môi trường; bản thân các doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng các dịch vụ để làm cho các dự án du lịch phát huy hiệu quả trong thực tiễn.