Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Lào Cai giai đoạn 2006-2010

Cập nhật: 09/07/2010
Đề án "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Lào Cai" giai đoạn 2006-2010 nhằm sử dụng bản sắc văn hóa các dân tộc làm nguồn lực, thế mạnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, việc khôi phục tổ chức các lễ hội truyền thống, điều tra, khảo sát, kiểm kê các di sản văn hóa dân gian của các dân tộc được chú trọng.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Lào Cai" giai đoạn 2006 – 2010 đã thu được những kết quả đáng ghi nhận.

Đề án đã phát huy khả năng tiềm ẩn trong nhân dân, khơi dậy ý thức truyền thống dân tộc, góp phần quan trọng vào các giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững. Đối với vùng đô thị, đề án đã tạo ra sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thúc đẩy du lịch phát triển ổn định và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ở vùng cao, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các di sản văn hóa có giá trị được phát huy, cơ cấu kinh tế, sản xuất từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa.

Tính đến nay, toàn tỉnh Lào Cai đã có 678 nhà văn hóa cộng đồng được xây dựng từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân; lập hồ sơ khoa học 38 làng tiêu biểu của 13 dân tộc với 25 nhóm ngành; khảo sát phong tục tập quán 15 nhóm ngành với trên 100 phong tục tập quán khác nhau, bảo tồn, khôi phục dưới dạng băng hình, ảnh kỹ thuật số 12 lễ hội tiêu biểu.

Đặc biệt, ngành văn hoá tỉnh còn phối hợp với Vụ Văn hóa Dân tộc (Bộ VHTTDL) thực hiện khôi phục và bảo tồn "sống" lễ hội Xuống đồng dân tộc Giáy (xã Đồng Tuyển, TP Lào Cai). Các vùng có di sản dân ca, dân vũ độc đáo được bảo tồn "sống" bằng phương pháp trao truyền qua các thế hệ những bài dân ca, điệu múa cổ truyền dân tộc. Sự trao truyền này còn được diễn ra trong các hoạt động văn hóa dân gian thông qua lễ hội, hội thi, hội diễn nên càng có điều kiện bảo tồn và phát triển. Gắn liền với biện pháp bảo tồn "sống", ngành văn hóa tỉnh còn đẩy mạnh sưu tầm bằng phương pháp ghi âm, ghi hình, chụp ảnh miêu tả hàng chục lễ hội như: Tết nhảy của người Dao đỏ, lễ Lập tịch của người Dao họ, đám cưới của người Bố Y…

Bên cạnh đó, ngành văn hóa Lào Cai còn tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, riêng năm 2009 đã xuất bản 5 đề tài nghiên cứu văn hóa dân gian về người Dao; xây dựng 8 đề cương nghiên cứu sưu tầm văn nghệ dân gian; 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về "Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng người Dao đỏ tại thôn Nậm Cang 1, xã Nậm Cang (Sa Pa); Thực hiện thành công 2 dự án khôi phục và bảo tồn Tết tháng Bảy của người La Chí Bắc Hà; Khôi phục các nghề thủ công nghệ thuật thêu hoa văn trên trang phục dân tộc Mông xã Lao Chải (Sa Pa), bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể làng Cát Cát, xã San Sả Hồ gồm các nghi lễ: nhận con nuôi, đeo vòng vía cho trẻ, chữa bệnh cho người già và trẻ nhỏ, Tết cơm mới… Một số lễ hội được phục dựng, nâng cao trở thành sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn thông qua các chương trình sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cộng đồng đã phát huy giá trị văn hóa truyền thống; các nghề thủ công như: rèn, đúc, chạm khắc bạc, thêu thổ cẩm được khôi phục… sản phẩm từ các nghề truyền thống trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang lại nguồn lợi kinh tế cao cho người dân. Ngoài ra, ngành còn liên kết với Viện nghiên cứu dân gian, Viện nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật, Đài Truyền hình Việt Nam, phối hợp sưu tầm, bảo tồn bằng phương pháp nghe - nhìn hiện đại như: các sản phẩm văn hóa phi vật thể được chuyển vào đĩa CD-ROM; thực hiện thành công việc in sao nhân bản, lưu trữ hàng trăm bản sách cổ, hàng nghìn ảnh tư liệu, mẫu nhà cửa, hoa văn thổ cẩm bằng công nghệ tin học.

Thông qua các hình thức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, ý thức của người dân được nâng cao rõ rệt. Các phong trào xây dựng gia đình, làng, bản, tổ dân phố văn hóa đạt được nhiều thành tích nổi bật. Năm 2009, toàn tỉnh có hàng chục nghìn hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa; 1.360 làng, bản, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa… Qua các đợt kiểm tra đánh giá hàng năm cho thấy tỷ lệ hộ gia đình, làng, bản, tổ dân phố văn hoá đều đạt và vượt chỉ tiêu. Trong đó nổi bật là các tiêu chí: Phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, sản xuất kinh doanh giỏi; gia đình hiếu học; gia đình ấm no - bình đẳng - hòa thuận; gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Có thể nói, việc triển khai thành công Đề án "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Lào Cai" giai đoạn 2006 – 2010 đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc ở vùng Tây Bắc.

 

Nguồn: Cinet.gov.vn